Bọ - thực phẩm của tương lai trong mắt nhà đầu tư châu Á

27/06/2018 10:27 AM | Kinh doanh

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào nhộng tằm và dế trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu ăn uống trong khu vực.

Một nhóm mới nổi gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm châu Á đang cân nhắc liệu sâu bọ và thịt chế tạo từ phòng thí nghiệm có thể đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng tăng của thị trường châu Á.

Đối với trung tâm hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp Bits x Bites có trụ sở tại Thượng Hải, tằm là một trong những giải pháp cho công cuộc tìm kiếm nguồn thực phẩm bền vững. Năm ngoái, công ty này đầu tư vào Bugsolutely, một startup địa phương chuyên về các đồ ăn nhẹ chế biến từ sâu bọ.

Con tằm được nuôi để quay tơ, và sẽ bị bỏ đi sau khi đã nhả hết tơ. Bugsolutely, công ty nổi tiếng về sản phẩm mỳ pasta dế, đã nhận ra rằng những con tằm bị bỏ đi rất giàu protein, vitamin và khoáng. Khám phá này khuyến khích công ty chế biến đồ ăn nhẹ bằng bột tằm, với những vị phổ biến như muối và giấm.

“Sau nhiều nghiên cứu khách hàng, chúng tôi đã nhận ra rằng thế hệ người tiêu dùng trẻ không muốn nhìn thấy cả con bọ”, Matilda Ho, Giám đốc của Bits x Bites, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Tokyo. “Bên cạnh đó, do khách hàng cũng không ưa thích vị của sâu bọ… họ sẽ dễ ưa thích hơn nếu sâu bọ được chuyển thành một sản phẩm mới. Chúng tôi rất phấn khích về việc sản phẩm này sẽ chiếm lĩnh một phần thị trường thế nào”.

Bits x Bites ra mắt năm 2016, với vai trò một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên của Trung Quốc, chuyên về lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Được chống lưng bởi công ty gia vị Shinho, trung tâm này thường cung cấp số vốn ban đầu không quá 500.000 USD cho các công ty có triển vọng, để đổi lấy một phần nhỏ cổ phần. Trung tâm cũng hỗ trợ sự phát triển của các công ty qua chương trình tư vấn định hướng và kết nối công ty với nhà đầu tư tiềm năng.

Dân số châu Á gia tăng kéo theo nhu cầu về thực phẩm tăng. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số người béo phì, theo một nghiên cứu năm 2016 của tạp chí y học Lancet. Quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm, như vụ bê bối sữa trẻ em nhiễm độc năm 2008, khiến một vài trẻ em tử vong.

“Trung Quốc chiếm tới 20% dân số thế giới nhưng chưa đến 7% diện tích đất ở đây có thể trồng trọt được”, Ho cho biết. “Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dân số trong thập kỷ tới là vấn đề mang tính toàn cầu”.

Đồ ăn nhẹ làm từ bọ chỉ là phần nhỏ của các khoản đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm. Bits x Bites đã đầu tư vào 10 startup, từ Alesca Life – chuyên bán những nông trại nhỏ có kích thước chỉ bằng các xe container, cho đến Inspecto – nhà phát triển các thiết bị di động phát hiện thuốc trừ sâu và các chất độc khác trong thực phẩm. Họ đang xông vào một lĩnh vực được đánh giá là chậm chạp trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến.

“Hơn nửa thế kỷ trước, cuộc 'cách mạng xanh' đã giải quyết vấn đề an ninh lương thực bằng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thúc đẩy sản xuất hàng loạt”, theo Satoshi Koike, chủ tịch startup công nghệ nông trại Vegetalia tại Tokyo. “Kể từ đó, chưa hề xuất hiện thêm một cải tiến nào trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm”.

Các startup liên quan đến thực phẩm phát triển mạnh ở châu Mỹ, nơi mà thực phẩm hữu cơ đang được ưa thích rộng rãi. Công ty Impossible Foods của Canada, chuyên bán các bánh burger chay có vị ngon như thịt, đã gọi thành công số vốn hơn 380 triệu USD kể từ khi được thành lập năm 2011. Tyson Foods, nhà cung cấp thịt đóng gói lớn nhất của Mỹ, đã chi 150 triệu USD vốn mạo hiểm để đầu tư vào các startup phát triển sản phẩm thay thế thịt.

Số lượng các nhà đầu tư toàn thế giới đầu tư vào các công ty thực phẩm và đồ uống tăng gấp đôi từ 223 năm 2015 lên 459 trong năm ngoái, theo CB Insights. Ngoại trừ một vài nhà đầu tư nổi bật, đầu tư vào thực phẩm ở châu Á vẫn bị bỏ xa so với Mỹ, nơi các công ty thực phẩm lớn đang tích cực theo đuổi những cải tiến mới nhất.

Tuy nhiên, châu Á Thái Bình Dương cũng đang đuổi theo một cách chậm rãi. Ít nhất 2 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thực phẩm và nông nghiệp đã được ra mắt tại Australia trong những năm gần đây. Một trong số chúng là SproutX, đã nhận được 7,38 triệu USD vốn đầu tư từ Quỹ hưu trí Hostplus của Australia. SproutX cũng phát triển chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giống như Bits x Bites, và đã đầu tư vào 19 startup, từ thương mại điện tử và robot, cho đến Internet.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, vốn chiếm tỷ trọng đa số trong xuất khẩu của Australia, SproutX chủ yếu tập trung đầu tư vào nâng cao hiệu quả trồng trọt. Một trong những công ty nhận đầu tư của trung tâm này, SnapTrap, chuyên về phát triển hệ thống tự động giám sát ruồi giấm.

“Văn hóa Australia hơi bảo thủ”, Andrew Lai, giám đốc khởi nghiệp tại SproutX cho biết. “Rất khó để thu hút nhân sự cho một startup. Chúng tôi đang cố gắng để gây dựng nền văn hóa làm chủ”.

Rất nhiều các quỹ của Mỹ đang để mắt đến thị trường châu Á. Gần đây Impossible Foods đã gia nhập thị trường Hong Kong bằng việc kết nối với các nhà hàng tại đây, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của công ty ngoài thị trường Mỹ.

Luật lệ cũng là một rào cản. Sâu bọ thường bị cấm tiêu thụ tại hầu hết các thị trường châu Á, và các luật lệ liên quan đến thịt trong ống nghiệm vẫn chưa rõ ràng. Gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ra thông báo sẽ tổ chức cuộc họp vào tháng 7, để chia sẻ những “suy nghĩ nội bộ” về việc quản lý thực phẩm làm từ tế bào động vật.

“Tôi không nghĩ mọi người sẽ bắt đầu tiêu dùng thực thẩm hữu cơ vào thập kỷ tới”, Ho thừa nhận. “Đây là một cuộc chơi dài hạn”.

Theo Tuyết Chu

Cùng chuyên mục
XEM