Bố mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

30/01/2022 13:40 PM | Sống

Căn cứ vào quy định của pháp luật, hành vi thu tiền lì xì của trẻ em, sử dụng trái phép tiền lì xì của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiền lì xì là tài sản của các con được pháp luật bảo vệ

Tại Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, người lớn thường phát tiền lì xì cho trẻ em, đây có thể nói là một nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, không ít bậc cha, mẹ quản lý rất chặt chẽ tiền lì xì đó vì sợ con chưa biết chi tiêu, tiêu lãng phí.

Ngoài ra, nhiều trường hợp cha mẹ còn tự ý thu giữ, sử dụng tiền lì xì của con mà thiếu sự tôn trọng ý kiến của các con. Là bậc sinh thành nên nhiều phụ huynh cho rằng có thể toàn quyền quyết định số tiền lì xì của con. Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định rất cụ thể về vấn đề này.

TS. luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp lý thì pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em trong đó có quyền có tài sản, quyền định đoạt tài sản và quyền tham gia các quan hệ dân sự.

 Bố mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng - Ảnh 1.

Trẻ từ 6 - 15 tuổi có quyền tham gia các quan hệ dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình (trừ bất động sản và tài sản tài sản có đăng ký quyền sở hữu)

Tùy vào từng độ tuổi nhất định, trẻ em được quyền tham gia các giao dịch dân sự có sự kiểm soát của cha mẹ hoặc không. Đối với tài sản riêng thì pháp luật quy định trẻ em hoàn toàn có quyền có tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu.

Bởi vậy, nhiều người không biết rằng, hành vi thu tiền lì xì của trẻ em, sử dụng trái phép tiền lì xì của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Khoản 1, Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Như vậy, tiền lì xì cho trẻ em là tiền tặng cho, là người lớn tặng cho trẻ em vào dịp đầu năm. Bởi vậy, theo quy định của pháp luật, tiền lì xì mà trẻ em nhận được vào dịp tết hoặc những dịp kỷ niệm cá nhân khác là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của trẻ em.

Trẻ em có quyền sử dụng số tiền này để thực hiện các giao dịch dân sự, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mình hoặc cho các sở thích cá nhân. Việc tham gia các quan hệ dân sự có thể có người giám hộ giám sát hoặc không tùy thuộc vào độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các độ tuổi (dưới 6 tuổi, từ 6 -15 tuổi và trên 15 tuổi). Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi thì không được phép tham gia các quan hệ dân sự. Việc chi tiêu tiền của trẻ dưới 6 tuổi do cha mẹ, người giám hộ quyết định.

 Bố mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng - Ảnh 2.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường

Còn đối với trẻ em từ 6 - 15 tuổi thì có quyền tham gia các quan hệ dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình (trừ bất động sản và tài sản tài sản có đăng ký quyền sở hữu).

Như vậy với trẻ em dưới 6 tuổi thì tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng tiền lì xì đó thì phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em phải cha mẹ không được phép chiếm dụng số tiền này.

Trẻ em từ sáu 6 - 15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình. Còn khi chi tiêu số tiền lớn không phải nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân thì cần có ý kiến của người giám hộ.

Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi của mình và có toàn quyền chi tiêu số tiền này mà không phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ.

Trường hợp cha mẹ, người giám hộ hoặc những người khác xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của trẻ em, có bạo lực về kinh tế đối với trẻ em thì tùy vào tính chất mức độ hành vi người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình quy định, những người trong gia đình mà có bạo lực về kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, trong đó có trẻ em thì có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.

Khi xã hội ngày càng văn minh các quyền của công dân ngày càng được ghi nhận và đảm bảo đầy đủ trong đó có quyền trẻ em thì việc thực hiện quyền đó là vấn đề quan trọng.

Các bậc cha mẹ, cũng cần tìm hiểu các quy định của pháp luật, cần hiểu biết các quyền trẻ em, tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền sở hữu tài sản.

"Việc lì xì, mừng tuổi cho trẻ em là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Số tiền lì xì của trẻ em có thể vài chục nghìn hay, vài chục triệu đồng tùy từng hoàn cảnh. Bởi vậy, việc quản lý, sử dụng số tiền này như thế nào thì phải trên cơ sở quy định của pháp luật để đảm bảo tôn trọng các quyền trẻ em.

Đảm bảo việc sử dụng số tiền mang lại các giá trị tích cực cho trẻ em, tránh việc lạm dụng các mối quan hệ để chiếm đoạt tài sản của các em, ảnh hưởng đến quyền trẻ em, xâm phạm đến quyền sở hữu của trẻ em mà pháp luật đã ghi nhận", vị luật sư đưa ra lời khuyên.

Theo Đặng Thuỷ

Cùng chuyên mục
XEM