Bỏ mẹ già đi tìm đức phật, chàng trai gặp người cần tìm ở nơi chưa bao giờ ngờ đến!

23/09/2017 14:19 PM | Sống

Câu chuyện của người con trai trong câu chuyện dưới đây là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc và ý tứ đến tất cả những người làm con trên cõi đời này!

Cách đây đã lâu lắm rồi, có một chàng trai đặc biệt tín phật. Cậu ta bỏ mẹ ở lại quê nhà, lên đường đi đến nơi xa để cầu phật. Trải qua muôn vàn khổ sở, vượt quan trăm núi ngàn khe, thế nhưng cậu vẫn chưa tìm được Đức Phật chân chính trong lòng mình.

Một hôm, chàng trai đến một ngôi chùa hùng vĩ trang nghiêm, phương trượng trong chùa là một cao tăng đã đắc đạo. Chàng trai thành tâm quỳ rạp trước mặt cao tăng, khẩn khoản mong ông chỉ cho mình một con đường để nhìn thấy phật.

Nhìn chàng trai trẻ si mê như vậy, cao tăng thở dài rồi hỏi: "Cậu từ đâu đến thì hãy về đó đi. Trên đường trở về, màn đêm buông xuống, cậu gõ cửa các nhà xin ở nhờ, nếu có ai đó đi chân đất ra mở cửa cho cậu, đó chính là phật mà cậu cần tìm."

Nghe vậy, chàng trai trẻ mừng rỡ, tâm nguyện bao năm qua cuối cùng cũng đã có hy vọng trở thành hiện thực. Cáo biệt vị cao tăng, anh ta bước chân lên con đường trở về nhà tìm phật.

Đi bộ suốt nhiều tháng, trên quãng đường trở về, rất nhiều lần, phải đi đến đêm, cậu ta mới nhìn thấy bên đường có nhà dân sáng đèn. Lần nào cậu cũng tràn trề hy vọng, tiến đến gõ cửa nhưng lần nào, chàng trai trẻ cũng thất vọng và phát hiện chẳng có ai chạy chân đất ra mở cửa cho mình.

Càng đi, chàng trai càng thất vọng vì đã gần về đến nhà mà vẫn chưa tìm thấy phật. Ảnh minh họa.

Càng hướng bước chân về nhà, chàng trai càng thất vọng, xem ra sắp đến nhà rồi mà phật đi chân đất vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Sau khi trải qua một buổi tối đầy mưa gió, cuối cùng, nửa đêm về sáng, cậu ta cũng đã đứng trước cửa nhà.

Thế nhưng khi đó, chàng trai buồn bã, ủ dột đến mức đến cửa cũng không thiết gõ. Cậu ta cảm thấy mình thật ngốc nghếch, trên đời làm gì có phật chứ!

Vừa mệt vừa đói, chẳng còn cách nào khác, anh ta đành gõ cửa.

"Ai đấy?" – giọng người mẹ yếu ớt từ bên trong vọng ra.

Bất giác, trong lòng chàng trai cảm thấy xót xa: "Mẹ, là con, con về rồi."

Lúc này, trong nhà bỗng xuất hiện những tiếng động ồn ào. Rất nhanh sau đó, người mẹ quần áo còn xộc xệch vội vã chạy ra mở cửa, giọng nghẹn ngào: "Con trai, con về rồi!"

Người mẹ vừa nói, vừa lôi con vào nhà.

Dưới ánh đèn, người mẹ tiều tụy rơm rớm nước mắt, dùng đôi tay yêu thương vô hạn xoa xoa lên mặt con trai, trong nước mắt là nụ cười hài lòng, thỏa mãn. Chàng trai cúi đầu, bất giác giật mình khi thấy mẹ đang đứng chân đất trên sàn nhà lạnh cóng!

Lời vị cao tăng lập tức xuất hiện trong đầu, cậu ta quỳ rạp xuống chân mẹ, nước mắt giàn dụa: "Mẹ..."

Trong khoảnh khắc ấy, người con trai như ngộ ra tất cả: Tình thân là phật, tình mẹ là phật, bố mẹ là phật mà người làm con phải tôn thờ, kính trọng.

Trong đời người, ân tình sâu đậm nhất đối với mỗi chúng ta không gì có thể vượt qua ân tình của bố mẹ. Bố mẹ đã cho chúng ta sinh mệnh, bố mẹ vất vả nuôi chúng ta khôn lớn. Sự trưởng thành của chúng ta được vun vén từ tâm huyết của đấng sinh thành.

Dù có trưởng thành, khôn lớn, tình yêu thương của họ dành cho chúng ta cũng vẫn vẹn nguyên như ngày thơ bé, yêu thương vô bờ bến! Trong mắt bố mẹ, con cái mãi mãi chỉ là một đứa trẻ !

Một người, nếu không biết hiếu kính với bố mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục, ơn nặng như núi, người đó đã mất đi lương tâm cần có, mất đi phẩm chất đạo đức cơ bản nhất để làm người.

Hãy thử nghĩ xem, một người đến bố mẹ mình còn không yêu, làm sao có thể yêu cầu hay hy vọng người đó yêu thương người khác?

Hy vọng rằng những người làm con trên đời này, hãy dùng tấm lòng biết ơn, chân thành, cung kính để yêu thương bố mẹ. Chớ để các cụ vì con cái mà đau lòng, bận tâm thêm nữa. Làm được như vậy đã là làm công đức cho đời!

Cha mẹ là phật chứ phật chẳng ở đâu xa. Phụng thờ, hiếu kính, thương yêu cha mẹ là một việc làm công đức giá trị ở đời.

Theo Diệp Anh

Cùng chuyên mục
XEM