Bỏ lương trăm triệu, khởi nghiệp vì trẻ nhỏ

23/08/2022 10:46 AM | Sống

'Tôi muốn xây dựng môi trường để cảm xúc của trẻ thật sự được lắng nghe, tôn trọng', Quý Anh bày tỏ.

Phan Quý Anh (phải) và người đồng sáng lập - Ảnh: D.ĐỨC
Phan Quý Anh (phải) và người đồng sáng lập - Ảnh: D.ĐỨC

"Hiện tôi rất hạnh phúc với lựa chọn đó dù bao thăng trầm đều nếm đủ cả", Phan Quý Anh (31 tuổi, Lâm Đồng) khẳng định.

Hạnh phúc với tôi không phải cảm giác luôn bình an, thấy tròn đầy mà chính là luôn tự chủ, lạc quan, yêu thương cuộc sống ngay cả trước thử thách, nghịch cảnh.

PHAN QUÝ ANH

Đối diện với tổn thương tâm lý thời ấu thơ

Quý Anh tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM, nhận được nhiều lời mời làm việc, và đang có công việc rất ổn. Nhưng chính cô tự nhận bản thân vẫn thấy trăn trở, chưa thật sự hạnh phúc dù sự nghiệp, tình yêu có đủ. Những tổn thương tinh thần vì câu chuyện thời tiểu học vẫn lẩn khuất đâu đó trong tâm trí Quý Anh.

Trong ký ức của bạn, hồi đó cha mẹ bận quá nên thỉnh thoảng quên đón bạn đi học về. Nhưng điện thoại khi ấy chưa phổ biến nên bạn cũng chẳng biết liên lạc với gia đình thế nào. Có hôm cô giáo gửi Quý Anh ở nhà người quen, có hôm ngồi sau lưng và chỉ đường cho cô chở về nhà...

"Gia đình tôi thi thoảng vẫn kể chuyện này như một chuyện phiếm, chính tôi cũng từng nghĩ nó không quá nghiêm trọng", bạn bộc bạch.

Thế rồi tình cờ tham gia một khóa học về trí thông minh nội tâm, Quý Anh lờ mờ nhận ra vấn đề bản thân đang mắc phải. Trong một lần thả lỏng, thực hành lắng nghe sâu bản thân theo khóa học, ký ức xưa ùa về, bạn nhận diện rõ tổn thương của mình. Hóa ra những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt và xa xưa ấy bản thân lại chẳng thể quên, tạm gọi tên tổn thương tâm lý thuở ấu thơ.

"Đứa trẻ" trong bạn run rẩy nhớ lại mình không được quan tâm, không xứng đáng được yêu thương bởi tới cha mẹ còn quên mình.

"Nếu lúc đó cha mẹ và tôi chia sẻ với nhau nhiều hơn, biết cách kết nối và thấu hiểu hơn, có lẽ câu chuyện ngày bé đã không ám ảnh tôi lâu đến vậy. Tôi muốn xây dựng môi trường để cảm xúc của trẻ thật sự được lắng nghe, tôn trọng", Quý Anh bày tỏ.

Ngay lần đầu lắng nghe, Quý Anh bị thuyết phục về dự án trí thông minh nội tâm. Bạn nộp đơn xin nghỉ. 

Công ty cho hẳn một tháng để suy nghĩ, nhưng bạn biết mình phải làm gì. 

Start-up Self Hiil mà Quý Anh là đồng sáng lập tập trung vào việc xây dựng, phát triển sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ.

Lựa chọn chông gai

Đại dịch COVID-19 cùng nhiều vấn đề khác khiến mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần. Nên Self Hiil hiện không quá khó khăn để giải thích cho khách hàng hiểu họ đang làm gì. Công nghệ đào tạo online theo chuẩn sư phạm giúp người học giảm đến 80% chi phí so với cách đào tạo cũ cũng là lợi thế của các bạn.

Self Hiil lọt vào vòng cuối cuộc thi tăng tốc khởi nghiệp dành cho các dự án do phụ nữ sáng lập She Disrupts (do Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh Việt Nam phối hợp cùng Sáng kiến của Chính phủ Úc tổ chức).

Dự án từng "gây bão" ở một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp, được chọn là gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.

Gần nhất, dự án phi lợi nhuận "Trường nhà hạnh phúc" của các bạn đã được hỗ trợ bởi một tổ chức giáo dục uy tín, và được mời chia sẻ với hơn 100 cán bộ giáo dục tại tỉnh Đồng Tháp.

Dù Self Hiil đã đạt được một số "quả ngọt" đáng kể, Quý Anh thừa nhận hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng.

Không như nhiều dự án khác, khởi nghiệp trong giáo dục cần khoảng thời gian tương đối dài để thấy được thành quả.

Chông gai nối tiếp chông gai, nhiều lần phải khóc, thậm chí cả nghĩ đến bỏ hết quay lại làm công ăn lương cho nhẹ đầu. Nhưng lựa chọn ấy là của mình, và còn có thể giúp cho những đứa trẻ trong tương lai, tại sao lại từ bỏ!

Bạn Võ Minh Quân (CEO Công ty IMP Marketing) nói, chơi với nhau nhiều năm nên đã rất ngạc nhiên khi nghe Quý Anh quyết định khởi nghiệp vì trẻ nhỏ do đây là lựa chọn rất chông gai, bởi nguồn lực hạn chế cả nhân sự và tiền bạc, đồng thời phải giúp khách hàng hiểu được thông điệp "sản phẩm", kết hợp tổ chức các chương trình học hình thức mới lạ, kén chọn người tham gia.

"Đạt được cột mốc như hiện tại, chắc chắn các bạn phải lăn xả và quyết tâm mạnh mẽ" - Minh Quân nói.

"Con đường chẳng mấy ai đi"

Đây là tên quyển sách gối đầu của Quý Anh, một trong những ấn phẩm bán chạy nhất trong gần 11 năm của tờ New York Times (Hoa Kỳ) do bác sĩ tâm lý M.Scott Peck viết.

Tác phẩm về câu chuyện chính sự lẩn tránh nghịch cảnh, thách thức sẽ càng khiến chúng ta bế tắc, đau khổ, và việc dám đối mặt với thử thách có thể sẽ gian nan nhưng giúp chúng ta trưởng thành, sống trọn vẹn hơn.

Theo Công Nhật

Cùng chuyên mục
XEM