Bỏ học cấp 3 vì game, học trung cấp xong đi rửa xe, bán bánh mỳ, nhưng nhờ nỗ lực tự học mà chàng trai này rốt cuộc lại làm nghề… giảng dạy

11/10/2018 10:52 AM | Kinh doanh

“Hiện tại, học liên tục là cái mình đang làm. Đó không phải là chuyện mình có đi học đại học hay không. Việc học nó thực sự bắt đầu khi mình bước ra khỏi trường và tiếp tục”.

Trần Xuân Ngọc sinh năm 1991, thời trung học vì game mà Ngọc lận đận đường học, từng trải qua nhiều công việc như dập thiếc, rửa xe, bán đồ ăn sáng... Bằng nỗ lực tự học, đến nay Ngọc đang là quản lý kinh doanh, đồng thời là một chuyên gia đào tạo - một minh chứng cho chuyện luôn có nhiều con đường để đi tới đích, miễn là trên mỗi con đường đó chúng ta luôn không ngừng học hỏi.

Đường học lận đận vì game

"Khi học trung học, mình học rất khá. Từ lớp 6 đến lớp 8, đều nằm trong top 5 của lớp", Ngọc kể lại. "Nhưng khoảng học kỳ 2 năm lớp 8, Internet bắt đầu vào thị trường Việt Nam, có một game rất nổi thời điểm đó là Võ Lâm Truyền Kỳ. Game vô cùng hot, mình không cưỡng lại được".

Từ lớp 8, kết quả học tập của Ngọc giảm dần theo độ tăng level trong Võ Lâm Truyền Kỳ. Đến khi thi lớp 10, Ngọc rớt cả 4 nguyện vọng, phải vào một trường "vớt vát".

Vào lớp 10, Ngọc vẫn không bỏ được game. Cộng với việc nhận ra khó khăn tài chính của gia đình (ba Ngọc mất sớm, mẹ vất vả với các khoản nợ và lo tiền học cho con), Ngọc quyết định nghỉ học.

Nghỉ học xong, năm 2007, Ngọc đi làm công việc dập thiếc. Việc của Ngọc là ngồi dập những miếng thiếc thừa thành hình. "Mình ngồi cái máy dập thiếc 6 tiếng/ngày. 1 tiếng người ta trả cho mình 11 ngàn. Không có đồ bảo hộ, có những ngày đứt tay, máu không cầm được, cứ chảy rỉ ra ở tay từ trưa đến chiều", Ngọc kể.

"Sau đúng 1 năm thì mẹ lo cho tương lai của mình, mẹ nói mình nên đi học lại". Vậy là Ngọc lại cắp sách đi học ngành IT ở trường Trung cấp chuyên nghiệp Phú Lâm – là trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm bây giờ.

Nhưng việc học của Ngọc lại một lần nữa bị game ảnh hưởng. Từ việc chỉ chơi cho vui, Ngọc cùng các bạn lập một "business" về game: nói nôm na là cày game để bán tiền ảo trong game cho những người cần, lấy tiền thật.

"Cứ 11 giờ sáng đến 1 giờ đêm mỗi ngày, mình và các bạn miệt mài làm game", Ngọc kể.

Cứ thế 3 năm trôi qua, Ngọc nghĩ rằng mình sẽ mãi kiếm tiền được như vậy nên không tập trung nhiều chuyện học hành ở trường. Game giúp 1 tuần Ngọc kiếm được 4 – 5 triệu, số tiền khá tốt với cậu vào thời điểm 2008. Trong 3 năm, nhờ số tiền từ game mà Ngọc mua được xe máy, một giàn máy tính và còn đưa thêm tiền cho mẹ để trả nợ, rồi tự trang trải các chi phí sinh hoạt khác.

Nhưng rồi khi những nhà phát hành game bắt đầu nhòm ngó những "business" như Ngọc và can thiệp, Ngọc không thể kiếm tiền từ game nữa.

"Tự nhiên cắt hết", Ngọc nói, "Thời điểm đó sắp ra trường, hụt hẫng hoang mang tột độ. Tại trước giờ mình nghĩ mình sẽ kiếm được tiền hoài hoài như vậy, giờ ra trường mình không có gì hết".

Bỏ học cấp 3 vì game, học trung cấp xong đi rửa xe, bán bánh mỳ, nhưng nhờ nỗ lực tự học mà chàng trai này rốt cuộc lại làm nghề… giảng dạy - Ảnh 1.

Ngọc và mẹ

Tốt nghiệp xong, đi rửa xe

Khi Ngọc vừa tốt nghiệp, đang loay hoay thì có một người bạn rủ qua làm công việc rửa xe cho gia đình người đó. Và rửa xe trở thành việc làm chính thức đầu tiên của Ngọc sau khi ra trường.

"Có lúc mọi thứ khá tốt," Ngọc nhớ lại.

"Thời điểm đó, làm 9h sáng đến 6h tối, lương tháng 2 triệu bao ăn, nhà chủ chăm sóc mình rất tốt", Ngọc kể. Một lần nữa Ngọc nghĩ có thể gắn bó với công việc này và không cần phải lo lắng gì cả.

Nhưng rồi cảm giác khó chịu dần dần xuất hiện. Đó là một vài lần rửa xe cho khách, có những hành vi của khách khiến Ngọc cảm thấy "bị xúc phạm nặng nề. Vì mình có học thức, có nhiều cái hơn họ mà phải chịu nhiều cái như vậy. Cảm thấy không chấp nhận được".

Một hôm, Ngọc hỏi vu vơ bác rửa xe cùng về chuyện giá nhà Sài Gòn. Vì hỏi nhiều quá mà bác ấy gắt gỏng nói: "Rửa xe thì lo rửa xe đi hỏi chuyện mua nhà làm gì".

Câu nói đó dường như đã chạm đến điều gì đó trong Ngọc, khiến cậu cảm thấy mình không thể rửa xe nữa, và cần phải tìm một công việc nào khác để có thể phát triển và thay đổi

"Đó là sự thay đổi lớn nhất là trong tư duy của mình", Ngọc kể lại. Sau đó, Ngọc xin nghỉ việc, đăng ký đi học cao đẳng.

Bỏ học cấp 3 vì game, học trung cấp xong đi rửa xe, bán bánh mỳ, nhưng nhờ nỗ lực tự học mà chàng trai này rốt cuộc lại làm nghề… giảng dạy - Ảnh 2.

"Rửa xe thì lo rửa xe đi hỏi chuyện mua nhà làm gì", câu hỏi đó đã dẫn đến sự thay đổi tư duy của Ngọc, thôi thúc anh tìm cách thay đổi và phát triển. Ảnh minh họa.

Từ nhân viên bán đồ ăn sáng lên quản lý cửa hàng

Vì thời gian học buổi tối, Ngọc tìm một công việc để làm thêm. Ngọc được bạn giới thiệu việc tại một chuỗi bán đồ ăn buổi sáng. Việc này bắt đầu từ rất sớm từ 4 rưỡi sáng và kết thúc vào 9 rưỡi sáng.

"Mình nghĩ: "Wow, 4 rưỡi làm rồi. Mình có thể về sớm để ngủ để tối mình đi học. Và quyết định đi làm", Ngọc kể.

Ngày đầu tiên mắt nhắm mắt mở tới cửa hàng, nhiệm vụ của Ngọc là chuẩn bị nước để bán cho khách: rót nước vào ly xong, đổ đá vào và bỏ vào máy ép, cứ liên tục như vậy. 

"Đó là ngày làm việc đầu tiên đầy ấn tượng. Mình thấy: Ồ, mình thích và sẽ tìm hiểu công việc này", Ngọc kể. Việc dậy sớm thời gian đầu khó khăn, mệt mỏi, nhưng về sau Ngọc cảm thấy dễ dàng hơn.

Theo lời Ngọc, từ khi bắt đầu làm ở hệ thống ăn sáng đó, Ngọc đã cố gắng học hỏi rất nhiều. "Những việc nào trong cửa hàng mà khó khăn, mấy bạn khác không chịu làm, khó khăn như đứng chiên dầu bắn, nóng này nọ thì mình nói: OK, cho tôi thử".

"Mình tiếp tục tìm hiểu thêm, cố gắng thử thêm nhiều vị trí trong công việc, nhận nhiều việc hơn", Ngọc nói.

"Có một vị trí, mọi người cứ nói với nhau là khó lắm làm không được đâu, là làm bánh mỳ: đòi hỏi kỹ thuật tốt, làm nhanh, vừa nghe khách hàng yêu cầu vừa lập kế hoạch, chuẩn bị sao cho tốt. Chỉ có một anh làm rất lâu rồi mới làm được thôi. Mình mới đặt câu hỏi, tại sao mình không làm được, cứ đề nghị nhưng chị cửa hàng trưởng không cho. Cho đến một ngày anh kia nghỉ và mình là ứng cử viên cho vị trí đó".

"Và mình làm rất ngon lành, thoải mái, dễ dàng", Ngọc cười kể. Từ đó mọi công việc trong cửa hàng, vị trí nào Ngọc cũng đều có thể đảm nhận.

"Những việc nào mà khó khăn, mấy bạn khác không chịu làm, thì mình nói: OK, cho tôi thử".

Điều đó làm một chị quản lý (người quản lý nhiều cửa hàng) chú ý. Ngọc được đề nghị trở thành trợ lý cho chị. "Cứ cuối giờ làm, sau khi làm ở cửa hàng xong thì đi lên công ty với chỉ. Mình làm chị quan sát".

Ngọc kể: "Có phần bài tập khó chị giao cho mình làm, như bài tập tính toán là ly nước cấu thành từ miếng đào miếng chanh bao nhiêu tiền, mình làm rồi để hình ảnh vô, giở cho chị xem xong chị giật mình, bảo: Không nghĩ em đầu tư như vậy".

Và cứ thế, Ngọc cố gắng liên tục. "Cho đến một ngày, một cửa hàng mới được mở, mình được đề nghị trở thành cửa hàng trưởng, và đó là lần đầu tiên trong công việc ở hệ thống ăn sáng đó, mình từ vị trí nhân viên lên cửa hàng trưởng", Ngọc nhớ lại.

Sau đó Ngọc trúng tuyển vào vị trí giám sát, làm được 6 tháng thì Ngọc tiếp tục được cất nhắc lên vị trí quản lý khu vực.

"Mình vẫn giữ việc liên tục học tập, luôn luôn để ý những việc nhỏ", Ngọc nói, "Người khác làm theo cảm tính – hướng dẫn như thế nào thì làm theo như vậy. Mình làm kiểu khác. Mình đặt câu hỏi, tại sao việc này làm như vậy, kiến thức nằm ngay trong đó là gì". 

Chính điều đó đã khiến Ngọc tiến xa trong công ty, dù chỉ bắt đầu ở vị trí nhân viên bán hàng.

Bỏ học cấp 3 vì game, học trung cấp xong đi rửa xe, bán bánh mỳ, nhưng nhờ nỗ lực tự học mà chàng trai này rốt cuộc lại làm nghề… giảng dạy - Ảnh 4.

Tuy nhiên, sau khi lên làm quản lý, Ngọc từng trải qua một "giai đoạn đen tối của cuộc đời". Năm 2015, hứng chí khởi nghiệp, Ngọc nghỉ hẳn ở công ty từng gắn bó để mở cửa hàng phở. Nhưng vì vài nguyên nhân mà Ngọc chấm dứt việc kinh doanh sau một thời gian rất ngắn, kèm theo đó là nỗi băn khoăn không biết mình có nên gắn bó với ngành F&B nữa hay không, không biết nên làm gì tiếp theo.

"Lúc đó nghĩ rằng mình có nền tảng về F&B, nhưng sau khi bán phở xong thì thấy không chắc chắn lắm". Sau khi "nhắm mắt nộp đại hồ sơ", Ngọc vào vị trí quản lý cho một cửa hàng thuộc một tập đoàn nhà hàng lớn. Nhưng sau khi làm 3 tháng thì Ngọc xin nghỉ.

"Mình nghỉ ngay và luôn, và sẽ không bao giờ làm ngành F&B nữa. Trong 3 tháng đó mình nhận ra thứ mình làm tốt chưa hẳn là thứ mình thích".

Bén duyên với nghề giảng dạy

Ngọc quyết định quay lại với hệ thống ăn sáng cũ, nhưng không ở vị trí quản lý cửa hàng.

"Mình thử thêm việc này việc nọ, cho phép bản thân làm bất cứ việc nào mới mẻ, xem mình thích làm gì. Thử viết content, làm Fanpage. Tuyển dụng, phỏng vấn mình cũng làm hết. Ngay cả việc đào tạo, trước giờ mình cũng chưa làm, thì giờ mình cũng làm luôn".

Và chuyện vui bắt đầu từ đây.

Ngọc kể về những ngày đầu đi đứng lớp đào tạo nhân viên mới: "Cái buổi mà lần đầu tiên đứng đào tạo, thật kinh hoàng. 1 tiếng đồng hồ mình đọc được trong mắt của người nghe cảm giác: Ông nói lẹ tôi về".

"Sau đó mình tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, không lẽ mình dạy tệ như vậy. Và mình nghĩ, không, mình không chấp nhận như vậy, phải làm sao để tốt hơn".

Thế là Ngọc bắt đầu tham gia câu lạc bộ cộng đồng để học về kỹ năng thuyết trình.

"Lần sau mình cứ lôi nhân viên tới ngồi nghe mình nói. Mình còn đề nghị công ty là cần có lớp học để cải thiện khả năng đào tạo của mình".

"Rồi mình cảm thấy, à, đào tạo là mảng mà mình thích", Ngọc kể.

Và Ngọc gắn bó với công việc đào tạo từ đó đến nay. Hiện nay anh đang phụ trách chính về mảng đào tạo của hệ thống ăn sáng trên, đồng thời là quản lý kinh doanh cho công ty tại khu vực TPHCM và Đà Nẵng.

Chưa hết, hiện Ngọc còn đứng một số lớp dạy về kỹ năng mềm ở bên ngoài.

Bỏ học cấp 3 vì game, học trung cấp xong đi rửa xe, bán bánh mỳ, nhưng nhờ nỗ lực tự học mà chàng trai này rốt cuộc lại làm nghề… giảng dạy - Ảnh 5.

Ngọc gắn bó với công việc đào tạo từ đó đến nay.

Cũng phải nói thêm, về chuyện học cao đẳng buổi tối năm xưa, Ngọc không học được lâu – anh nghỉ học chỉ sau vài tháng. Nhưng nhìn lại cả quá trình tưởng như quá lận đận với đường học hành như vậy, Ngọc nói: "Hiện tại, học liên tục là cái mình đang làm. Đó không phải là chuyện mình có đi học đại học hay không. Việc học nó thực sự bắt đầu khi mình mới bước ra khỏi trường và tiếp tục".

Ngọc kể, có một lần công ty cho đi học về quản trị kinh doanh, anh thấy "mình học được những cái mà trước giờ mình không biết, những thứ hay quá. Lúc đó mình cảm thấy giống như có một ngọn lửa trong mình được đốt lên. Mình cảm thấy muốn học thêm".

Ngọc tiết lộ hàng năm dành khoảng  50% thu nhập cho chuyện học. Ngọc rất tâm đắc với việc học cùng các mentor – người hướng dẫn. Ngọc chia sẻ: "Người như vậy sẽ quan sát được bạn đang phát triển lên như thế nào, nó rất khác với việc bạn đi học, vì đi học là giáo trình chung và rất khó áp dụng được. Có người hướng dẫn thì khác".

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM