Bộ GTVT thống nhất kiến nghị giảm nhiều loại phí để hỗ trợ ngành kinh doanh vận tải

18/06/2021 16:57 PM | Kinh doanh

Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Liên quan tới việc Bộ Tài chính xin đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch COVID-19, Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời.

Cụ thể, phía Bộ GTVT thống nhất tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đơn vị này cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung đánh giá cụ thể về tác động của việc giảm phí, lệ phí đối với tình hình thực hiện dự toán thu phí, lệ phí năm 2021, trên cơ sở đó tham mưu mức thu phí, lệ phí cụ thể cho phù hợp.

Trước đó, nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày 24/5/2021 Bộ Tài chính đã có công văn số 5377/BTC-CST gửi các bộ ngành xin ý kiến liên quan đến dự thảo Thông tư quy định mức thu 30 khoản phí, lệ phí và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2021 để đảm bảo tính liên tục (Thông tư 112/2020/TT-BTC sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2021).

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế.

Dự báo kinh tế trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...), cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến số thu ngân sách Nhà nước giảm khoảng 1.000 tỷ đồng khi thực hiện đề xuất này.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định kéo dài thời gian giảm 29 khoản phí, lệ phí (trong đó chủ yếu là giảm phí trong lĩnh vực giao thông vận tải (phí sử dụng đường bộ; phí, lệ phí hàng không...) đến hết ngày 30/6/2021, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Doanh nghiệp hàng không xin hỗ trợ 25.000 - 27.000 tỷ đồng

Hiện tại, các hãng hàng không Việt đang lún sâu vào khủng hoảng (có nguy cơ phá sản) do COVID - 19 đã 4 lần bùng phát trở lại. Trong khi "sức khoẻ" các hãng hàng không đang dần cạn kiệt, cần phương án cứu trợ, nhất là giảm khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hàng không cho biết, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới.

Do vậy, Hiệp hội Hàng không tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không. Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng), tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024.

Tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…).

Thực hiện việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng doanh nghiệp, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12/2021.

Giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

Về việc mở rộng thị trường quốc tế, Hiệp hội Hàng không kiến nghị từng bước mở cửa cho các chuyến bay từ các nước có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng lớn về hành khác đã được kiểm soát dịch bệnh tới Việt Nam và ngược lại.

Phi Long

Cùng chuyên mục
XEM