Bỏ ghế giám đốc làm ông ‘đồng nát’

01/11/2020 16:02 PM | Kinh doanh

6 năm trước, đang yên đang lành, Nguyễn Sơn đột nhiên mai danh ẩn tích, từ giã mọi cuộc vui. Bạn bè, người quen không biết anh đang ở đâu, làm gì. Bạn nhậu tuyệt vọng vì mất đi một chân nhiệt tình… 6 năm sau, anh xuất hiện trở lại, bất ngờ tung ra “Ma trận” của mình.

Chơi với rác thải công nghệ

Hơn 50 tác phẩm gồm tranh và tượng của Nguyễn Sơn tại triển lãm “Ma trận” là kết quả sau 6 năm anh “bế quan” để ăn ngủ cùng hội hoạ. Những tác phẩm với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic, mà theo đánh giá của TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Vicas Art Studio là “chắc chắn kén khán giả nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam”. Triển lãm "Ma trận" của kiến trúc sư – họa sĩ Nguyễn Sơn, diễn ra đến ngày 15/11 tại Vicas art studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội.

Nói về chủ đề triển lãm, Nguyễn Sơn chiêm nghiệm: “Trong cuộc sống, mọi vấn đề đều có tính 2 mặt. Công nghiệp càng phát triển thì hệ lụy của nó càng lớn: hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, sự gia tăng của rác thải độc hại, hủy hoại môi trường, những sự cố nguy hiểm trong phát triển năng lượng nguyên tử, biến đổi gen hay những nguy cơ từ chiến tranh sinh học… Công nghệ 4.0 phát triển, dẫn dắt loài người vào “thế giới phẳng” nhưng cũng khiến nhân loại đối mặt với những khía cạnh tiêu cực như virus, hacker, nghiện mạng xã hội, nghiện game, nghiện thế giới ảo…”.

Không biết nên gọi Nguyễn Sơn là kiến trúc sư hay hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, võ sư, nhiếp ảnh gia… Bởi ở lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn.

Rồi anh say sưa nói về Ma trận, như một giải pháp hữu hiệu để tìm ra quy luật của lượng thông tin khổng lồ, rối loạn, nhiều tầng, nhiều chiều… từ đó kiểm soát chúng, hướng chúng vào sự phát triển công nghệ số một cách bền vững và an toàn, phục vụ lợi ích của loài người.

“Thật ra ban đầu, ý niệm về Ma trận xuất hiện trong tôi một cách vô thức. Là một kiến trúc sư tôi thấy sự phát triển một đô thị bền vững sao cho tương thích với chất lượng cuộc sống của cư dân trong đô thị như là môt bài toán không có lời giải. Tôi có cảm giác thiếu niềm tin giống như bị lạc vào mê cung”.

Đó cũng là lý do mà suốt 6 năm qua, dù Nguyễn Sơn vẽ rất nhiều chủ đề, với nhiều chất liệu khác nhau, không tự áp đặt mình vào một triết lý hay mục đích chủ đạo nào, nhưng tranh của anh vẫn bị ám ảnh bởi nỗi buồn, luyến tiếc về những khía cạnh tiêu cực của môi trường, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị...

Chỉ đến khi “va” vào những mảng bo mạch, Nguyễn Sơn mới được khai sáng. Bảng mạch cứng và rất khó cắt chính xác theo hình mình muốn, nên anh hạn chế tối đa việc cắt mà dựa vào hình các tấm mạch để phát triển nó. Với cách làm này, Nguyễn Sơn không còn phải chú tâm vào việc tìm hình, tìm ý nữa mà chỉ mê mải kết nối các mảng bo mạch sao cho có logic. Sau đó, anh dùng màu acrylic để tạo nghĩa mới cho các mảng bo mạch.

Hai chất liệu: một mảng miếng cứng nhắc với khối hình lồi lõm, ngẫu nhiên; một mềm mại uyển chuyển như nước, được dùng theo phương pháp đổ màu, đã tạo nên sự tương phản lớn nhưng có tính thống nhất, vừa khắc vừa hòa, như một Ma trận.

Trong quá trình sáng tạo Ma trận ấy, Sơn cũng nhận ra mình vừa có thể thỏa chí sáng tạo, vừa có thể kiểm soát được sự hỗn loạn, vô trật tự của chất liệu. Biến cái rác thải vô ích thành hữu ích. Anh còn khéo léo cài cắm các chất liệu dân gian của Việt Nam như bột nặn tò he, đồ vàng mã… vào các tác phẩm. Tìm ra phương cách khống chế và kiểm soát chúng đi theo quỹ đạo và ý thức của người sáng tạo. Đó cũng chính là lúc Nguyễn Sơn nắm được Ma trận cảm xúc của chính mình.

Anh bảo, khó khăn nhất là công đoạn gom bo mạch. Suốt mấy tháng trời, Sơn lang thang khắp các cửa hàng máy tính, khu phế liệu, thậm chí “tranh giành” với các bà đồng nát, để mua được thứ “rác công nghệ” ấy. Sau đó là công đoạn lau chùi, kỳ cọ tỉ mẩn, nâng niu từng mảnh bo mạch như của quý. Rồi lại cặm cụi với sơn màu, pha trộn, tạo hình… để ra được ý đồ. Chính quá trình trải nghiệm ấy đã mang đến cho Nguyễn Sơn “khoái cảm như bị say, quên đi nắng nóng, mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn, mùi ô nhiễm…”.

Đi theo tiếng gọi tự do

Với công việc chính kiến trúc, Nguyễn Sơn đã tham gia thiết kế nhiều công trình, khách sạn, văn phòng, cao ốc và các khu vui chơi giải trí cho nhiều tỉnh thành. Năm 2002 anh cùng đồng nghiệp là KTS Cao Kim Sa đạt giải Nhì cuộc thi kiến trúc Hà Nội vàng do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội tổ chức. Hiện tại anh có một công ty thiết kế mang tên A.S và giao cho vợ quản lý.

Chàng trai kiến trúc sư Hà thành cũng là người yêu thơ ca. Anh từng đoạt Giải khuyến khích Cuộc thi thơ toàn quốc năm 1991 do UBND TP Hà Nội trao tặng hồi còn là sinh viên trường Đại học Kiến trúc. Năm 1995, Nhà xuất bản Lao động đã in cho anh và một người bạn tập thơ “Gió đồng hành”. Hiện tại, những lúc rảnh rỗi anh vẫn làm thơ đăng facebook tặng bạn bè.

Giới nhiếp ảnh Hà thành không còn lạ gì Nguyễn Sơn. Anh chơi ảnh từ năm 1986. Cái thời để mua được chiếc máy ảnh là cả sự cố gắng của các tín đồ “sắn bắt nghệ thuật” thì Sơn đã sở hữu bộ máy móc, “súng ống” hàng khủng. Đến nay, tính sơ sơ đám “đồ chơi” này của anh cũng trị giá gần nửa tỷ bạc.

Ít người biết Nguyễn Sơn từng học võ thuật từ năm 13 tuổi và đoạt Huy chương Bạc giải sinh viên toàn quốc môn Karatedo năm 1991. Anh cũng có nhiều năm làm võ sư và từng đánh bại Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pencatsilat Việt Nam.

Bỏ ghế giám đốc làm ông ‘đồng nát’ - Ảnh 2.
Một tác phẩm trong triển lãm “Ma trận”

Với bạn bè, hình ảnh Nguyễn Sơn ôm cây đàn guitar hát các ca khúc do mình sáng tác đã trở nên quen thuộc trong các buổi gặp mặt, tụ họp. Không được đào tạo bài bản, âm nhạc của Nguyễn Sơn là kết quả của những tháng ngày sinh viên vác đàn đi “học mót” bạn bè. Năm 2009, để kỷ niệm cuộc chơi của mình, anh phát hành album mang tên “Không gian mù khơi”, gồm những bản pop, rock ballad trẻ trung và sôi nổi do chính anh sáng tác. Nói về album này, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: “Những cảm xúc của Nguyễn Sơn có biên độ rất lớn từ nốt thăng hào hùng đến nốt trầm da diết. Những lời ca như vắt kiệt tâm hồn người nghệ sỹ…”. Vừa mới đây, ca khúc “Đời phù sa” do anh sáng tác đã được ca sĩ sao mai Minh Chuyên đặt hàng để hát trong chương trình hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung.

Tuy nhiên, có lẽ hội hoạ là niềm đam mê lớn nhất với Nguyễn Sơn. “Khi là kiến trúc sư, khách hàng vui vẻ, tin tưởng tìm đến tôi, nồng nhiệt chào đón tôi, thậm chí cho tôi tiền tỉ, nhưng có một thứ họ không bao giờ cho tôi, đó chính là tự do sáng tạo”, Nguyễn Sơn “đau khổ” nói về đặc trưng của nghề kiến trúc.

Với hội hoạ thì khác. Anh được bay bổng hơn với những ý tưởng ngồn ngộn trong đầu, không bị phụ thuộc ai ngoài bản thân mình, được thoả mãn cái tôi cá nhân trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm. 3 năm được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật sơn dầu ở Anh cũng giúp Nguyễn Sơn có những kỹ năng nhất định với chất liệu này.

Năm 2000, Nguyễn Sơn từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có 2 tác phẩm của anh cũng vừa bị lỡ chuyến xuất ngoại sang Anh và Ý dự triển lãm. Sau “Ma trận”, Nguyễn Sơn đã và đang ấp ủ những ý tưởng, tác phẩm cho dự án mới. Mỗi năm sẽ có một triển lãm cá nhân, đó là mục tiêu anh đặt ra cho bản thân. Và chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.

Nói về con đường hội hoạ của Nguyễn Sơn, nhà phê bình nghệ thuật Bùi Quang Thắng nhận định: “Làm nghệ thuật trước hết là để giải phóng năng lượng sáng tạo cho bản thân, không phải vì mục đích tiền bạc hay cái gì đó cao siêu. Nghệ thuật thuần túy có thể xuất hiện ở những người nghệ sỹ như thế này".

Giám đốc bị giời hành

“Đừng gọi tôi là hoạ sĩ hay nhà thơ, nhạc sĩ, võ sư… Tôi chỉ đơn giản là anh kiến trúc sư sống được với nghề và yêu nghệ thuật. Yêu nghệ thuật nên tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật, tôi đều muốn tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm để thanh lọc tâm hồn”, Nguyễn Sơn thổ lộ.

Kiến trúc, âm nhạc, thi ca, nhiếp ảnh… dù không cố ý cũng luôn chảy trong hội hoạ của Nguyễn Sơn. Ngay cả võ thuật cũng đóng góp bằng việc mang lại cho anh sự tự tin của một kẻ tay ngang so với các hoạ sĩ chuyên nghiệp. Tinh thần thượng võ giúp anh nhận ra nghệ thuật không có giới hạn và không phải của riêng ai.

Lắm khi, Nguyễn Sơn cũng tự cảm thấy mình như bị giời hành. Ví dụ như việc anh dành hẳn hai căn nhà chỉ để lấy chỗ bày tranh. Theo chủ nghĩa “vị nghệ thuật” nên Sơn ít khi bán tranh. Tự anh trở thành nhà sưu tập của chính mình. Để đắm chìm 6 năm với hội hoạ, tác giả của “Ma trận” thú nhận từng phải bán đi một căn nhà để trang trải chi phí cho “cuộc chơi”. Nhưng có lẽ, “xởi lởi nên trời cho”, đã không màng đến tiền bạc lại hay được lộc đất đai. Bạn bè còn kháo nhau, “Sơn râu” mà sờ vào vạt đất nào là vạt đấy tăng giá. Nghe đâu anh cũng đã chuẩn bị mảnh đất mấy nghìn mét vuông, dựa lưng vào chân núi, soi bóng mặt hồ sen, làm không gian dưỡng già, vẽ tranh, làm thơ, viết nhạc.

Bàn giao vị trí giám đốc công ty lại cho vợ, bỏ văn phòng, máy lạnh đủ tiện nghi, giờ mỗi ngày, Nguyễn Sơn “nhẹ nợ” vùi mình trong xưởng vẽ. Thoát khỏi com-lê, ca-vát tử tế chỉ để lấm lem, nhem nhuốc cả ngày với màu vẽ. Khỏi cần lên xe xuống ngựa, mà tình nguyện làm ông đồng nát, xe ôm, đi lùng từng cái bo mạch, hì hục đèo từng bao tải về, lau chùi, kì cọ, trong niềm phấn khởi vô biên…

Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM