Bỏ dở ĐH Bách Khoa từ năm thứ 2, làm việc 18 tiếng/ngày, chàng trai 9x trở thành giám đốc công nghệ khi mới 22 tuổi

05/09/2017 10:10 AM | Kinh doanh

Nguyễn Hải Đăng là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự thật: đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Ở độ tuổi 22, trong khi nhiều bạn trẻ vừa mới ra trường, đang loay hoay tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp, thì Nguyễn Hải Đăng đã đảm nhận vị trí CTO (Chief technology officer - giám đốc công nghệ) tại Công ty Cổ phần Eway được 5 tháng. Tuy nhiên, ít ai biết, để đạt được thành tựu ngày hôm nay, bên cạnh niềm đam mê vô tận với công nghệ thông tin, chàng chai 9x đã nỗ lực học hỏi không ngừng và dám từ bỏ con đường an toàn để tìm hướng phát triển mới.

Cũng giống nhiều 9x khác, sau khi tốt nghiệp THPT, Đăng đăng ký dự thi vào khoa Cơ Điện Tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng vì thiếu điểm nên cậu chuyển sang khoa Cơ Khí. Tình cờ trong một lần lên thư viện, Đăng tìm thấy một cuốn sách về lập trình và đọc rất say mê. Về nhà, cậu lại thử lên mạng tìm kiếm thông tin, tham gia khóa học làm web. Thời kỳ đó, kiến thức lập trình chỉ là con số 0, nên Đăng chấp nhận vừa tự học vừa bị chửi.

“Cứ thế niềm đam mê lớn dần và mình quyết định từ bỏ Bách Khoa”, chàng trai 9x nhớ lại.

Tại thời điểm nghỉ học, quyết định của Đăng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình. Là con trai một, lại được chăm sóc kỹ càng từ nhỏ, bố mẹ Đăng mong muốn cậu bạn trở thành công chức nhà nước, có mức lương ổn định.

“Khi mình bỏ học, bố mẹ mình đã khóc rất nhiều. Mình chỉ nhắn nhủ với bố mẹ mình một câu đó là: ‘Bây giờ con cảm thấy không hạnh phúc với định hướng này, con nghĩ bố mẹ nào cũng mong muốn con cái hạnh phúc, còn tiền nong không phải vấn đề quá quan trọng đúng không ạ?”. Rồi bố mẹ mình đồng ý với quan điểm này”.

Sau khi nghỉ học, Đăng tự tìm kiếm thêm nhiều công việc bên ngoài để kiếm sống. Có lúc cậu làm nhân viên trông xe tại quán net, có lúc đi chạy bàn, rửa bát, chạy xe ôm… Trong thời gian này, Đăng tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu các kiến thức chuyên môn về lập trình từ nhiều nguồn khác nhau: Ebook, diễn đàn, khóa học online của các trường đại học,… nhưng chủ yếu là kết bạn và học hỏi từ những người giỏi.

“Lúc đó mình hay lên Facebook nhắn tin cho CTO/Software Engineer (kỹ sư phần mềm-PV) của rất nhiều công ty và hỏi “Em muốn làm hệ thống lớn thì bây giờ em phải học như thế nào?”. Trong khoảng 50 người thì có 2 người trả lời mình, và đến bây giờ, mình vẫn giữ liên hệ với họ. Đó là cách mình học”.

Trở thành CTO khi mới 22 tuổi

Đăng cho biết trước khi nhận lời đến với Eway, công ty chuyên về công nghệ marketing, đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Adayroi, Lazada, Zalora, Nguyễn Kim… cậu đang làm việc tại một đơn vị khác. Một ngày, Đăng nhận được lời mời đến giao lưu, nói chuyện từ bộ phận nhân sự và đã bị ấn tượng bởi văn hóa, phong cách làm việc của những con người nơi đây.

“Khi đến Eway, mình không nhớ anh Chi (Phí Ngọc Chi, CIO của Eway-PV) thôi miên kiểu gì mà mình đồng ý về công ty làm luôn”.


Hải Đăng và các đồng nghiệp trong team Tech. Ảnh: Đức Hoàng

Hải Đăng và các đồng nghiệp trong team Tech. Ảnh: Đức Hoàng

Tháng 7 năm ngoái, Đăng chính thức làm việc tại Eway ở vị trí lập trình viên. Cậu không gặp khó khăn trong vấn đề kỹ thuật nhưng cảm thấy “thực sự rất áp lực” để nắm bắt được những “ý tưởng” và thực thi nó một cách hoàn chỉnh. Về sau, Đăng cũng quen dần và cảm thấy “cái gì cũng có giá của nó: lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Nhờ những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, Đăng chính thức trở thành CTO của công ty vào tháng 4 năm nay. Trái với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng giữ vị trí cao cũng đồng nghĩa với mệt mỏi, áp lực… Đăng cảm thấy khá bình thường và không gặp áp lực nào cả.

Cậu tâm sự: “Mình coi vị trí này là một vai trò trong team, những người khác là đồng đội của mình. Từng người một nếu làm việc rời rạc thì không thể tạo ra kết quả mạnh mẽ cho sản phẩm, cho hoạt động kinh doanh của công ty. Mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau để cả team cùng tiến như một mũi tên, đạt được sức công phá lớn nhất. Mình không nghĩ đến quyền lực hay bất cứ điều gì khác”.

Trong thời gian tới, Đăng đặt mục tiêu sẽ tiếp tục đưa nhiều yếu tố công nghệ hơn vào mọi hoạt động của công ty, đồng thời thu hút thêm nhân lực mang dòng máu mar-tech (có tư duy marketing và nền tảng công nghệ) để phát triển nền tảng cho các sản phẩm hiện tại.

Dù trước đây làm việc ở vị trí lập trình viên hay CTO như bây giờ, Đăng vẫn thường xuyên giữ thói quen làm việc 18 tiếng/ngày, đỉnh điểm có thời kỳ cậu thức làm việc 3 ngày liên tục. Chỉ khi nào cảm thấy cơ thể đạt đến giới hạn thì Đăng mới “ ngủ một mạch” để cơ thể tái tạo năng lượng.

Nhiều người nhìn vào có thể nghĩ Đăng là dân công nghệ thông tin, lại làm việc suốt ngày nên không khá khô khan nhưng thực tế, cậu lại tự nhận là một người khá cảm xúc, hay quan tâm đến mọi thứ xung quanh.

“Mình cũng giống bao nhiêu người, mình cũng có tình yêu, vẫn đi chơi và vui sống như mọi người thôi. Từ khi mình bắt đầu đi làm, mình đã luôn tâm niệm rằng ‘Tôi làm việc, tôi hạnh phúc’.”

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM