Bộ Công thương ra văn bản hướng dẫn người dân chọn đúng đa cấp "thật"
Nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã lên tiếng lưu ý một số thông tin cơ bản trước khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.
Bán hàng đa cấp là một mô hình kinh doanh tương đối phổ biến và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này đã bị biến tướng và "xấu xí" đi rất nhiều.
Trong thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội…
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát...
Nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra: Vậy làm sao để nhận biết những công ty đa cấp đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Và làm giàu từ những doanh nghiệp chân chính?
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa có văn bản lưu ý người tiêu dùng một số thông tin cơ bản khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp như sau:
Thứ nhất, trước khi tham gia, có ba điều mà người tiêu dùng cần phải nắm rõ:
Người tiêu dùng cần thu thập và kiểm tra thông tin cơ bản, lịch sử hoạt động của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không? Đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trước đó chưa?
Tìm hiểu thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp: Người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.
Tìm hiểu thông tin về Chương trình trả thưởng và các lợi ích kinh tế khi tham gia. Chẳng hạn như chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. ..
"Theo quy định pháp luật, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp", Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định.
Thứ hai, khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, người tiêu dùng phải lưu ý những điều sau:
Nghiên cứu kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký: Người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hoặc giải thích các điều khoản của hợp đồng. Trong đó, cần lưu ý quy định về chương trình trả thưởng; chính sách trả lại hàng và hoàn trả tiền; quy định về việc chấm dứt hợp đồng…
Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; Họ và tên, địa chỉ, chứng minh thư của người tham gia; Cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng...
Theo Cục quản lý cạnh tranh, hợp đồng phải có đầy đủ chữ ký, con dấu, số hợp đồng, các chứng từ mua bán hàng hóa...
Trong trường hợp bị mất hoặc thất lạc, người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và phải lưu giữ các tài liệu này để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có).
Người tiêu dùng cũng nên kiểm tra hàng hóa trước khi lấy. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng, nếu thấy không bán được hàng hoặc không có nhu cầu sử dụng có thể yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa đã bán.
Việc trả lại hàng hóa không có nghĩa là phải chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Đối với trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng, văn bản nêu rõ: Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng bằng việc gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp trước khi chấm dứt hợp đồng tối thiểu là 10 ngày làm việc.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.
Cục quản lý cạnh tranh cũng nêu rõ những hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp, cụ thể:
- Yêu cầu trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.