Bloomberg: Việt Nam có lợi thế chống dịch Covid-19 nhờ Chính phủ quyết liệt, người dân đồng lòng

30/07/2020 16:22 PM | Xã hội

Đến nay, chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch nằm ở khả năng xét nghiệm và cách ly bệnh nhân nhanh chóng.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các biện pháp quyết liệt để đối phó với những trường hợp dương tính mới sau hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng cũng như duy trì việc là một trong số ít nơi trên thế giới chưa ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19 tính đến hết ngày 29/7.  

Ngay cả trước khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng bắt đầu triển khai kế hoạch đối phó toàn diện và nhờ đó, Việt Nam đã chiến thắng bước đầu trong công tác dập dịch.

27 ca nhiễm mới trong thời gian gần đây đã nâng tổng số người mắc SARS-CoV-2 tại Việt Nam lên 459 tính đến sáng 30/7. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với hàng nghìn người có thể đã bị phơi nhiễm tại thành phố du lịch Đà Nẵng đồng thời thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép.

Bloomberg: Việt Nam có lợi thế chống dịch Covid-19 nhờ Chính phủ quyết liệt, người dân đồng lòng - Ảnh 1.

Người dân ở Long Biên xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 hồi tháng 4.

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: "Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã làm việc với chúng tôi và giúp chúng tôi xây dựng kế hoạch để chống lại dịch Covid-19. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với CDC và WHO về vấn đề này".

Đến nay, chìa khóa cho sự thành công của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch nằm ở khả năng xét nghiệm và cách ly bệnh nhân nhanh chóng, truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân và cách ly trong 14 ngày.

Ông Matthew Moore, Giám đốc Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu của CDC tại Việt Nam cho biết Chính phủ còn cung cấp thông tin nhất quán, minh bạch đến người dân để mọi người nhanh chóng cập nhật được tình hình.

Cơ quan của Moore đã có mặt ở Việt Nam được 20 năm với 58 nhân viên (8 người Mỹ), chuyên làm việc với Chính phủ về các quy trình xét nghiệm, hướng dẫn ngăn ngừa lây truyền và đào tạo về dịch tễ học.

Sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam

Việt Nam, quốc gia có 96 triệu dân với GDP bình quân đầu người là 2.715 USD vào năm ngoái, đã có thể kiểm soát sự bùng phát của virus corona bởi công tác tập trung chống dịch của Chính phủ cùng sự đồng lòng của người dân.

Thành công của Việt Nam đã được ca ngợi trên toàn cầu. Mới đây nhất, chính quyền Đà Nẵng đã đóng cửa hai bệnh viện nơi hai ca mắc mới từng lưu trú và yêu cầu hai người này cùng tổng cộng khoảng 8.800 người, gồm nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân phải cách ly trong 14 ngày tại các căn cứ, bệnh viện và nơi ở tập trung. Một bệnh viện khác cũng đã phải đóng cửa để thực hiện công tác kiểm dịch.

Việt Nam có một số lợi thế nhất định trong việc chống lại dịch Covid-19 so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Những biện pháp cứng rắn của Chính phủ Việt Nam như áp dụng cách ly xã hội khi cần thiết đã được người dân hết lòng ủng hộ.

Bloomberg: Việt Nam có lợi thế chống dịch Covid-19 nhờ Chính phủ quyết liệt, người dân đồng lòng - Ảnh 2.

Khu vực cách ly tại Trúc Bạch vào tháng 3.

Kinh nghiệm chống dịch trong quá khứ

Một yếu tố khác giúp Việt Nam chống Covid-19 hiệu quả là kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong quá khứ: dịch SARS bùng phát năm 2003 và dịch cúm gia cầm trong giai đoạn từ 2004 đến 2008.

Bloomberg: Việt Nam có lợi thế chống dịch Covid-19 nhờ Chính phủ quyết liệt, người dân đồng lòng - Ảnh 3.

Gà bị tiêu hủy trong đợt cúm gia cầm năm 2005.

Thời điểm này, Việt Nam còn đang phải đối phó với dịch bạch hầu đã khiến 3 người chết và 700 người phải cách ly tại một ngôi làng ở Đăk Lăk.

Nền kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng trưởng từ 3% đến 4% trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu là 6,8%, theo một hội đồng tư vấn của Chính phủ. Tuy nhiên, chính những biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến được đánh giá cao của những công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và rời Trung Quốc.

Một số công ty Nhật Bản, với sự khuyến khích tài chính từ chính phủ nước này, đang tìm cách chuyển hoạt động sang Việt Nam. Hay như Inventec Corp, công ty Đài Loan là đối tác lắp ráp Airpods của Apple đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tại Việt Nam.

Ông Trần Đắc Phu chia sẻ rằng Chính phủ Việt Nam đang kích hoạt lại hệ thống để đối phó với làn sóng thứ hai: "Chúng tôi đang cải thiện các cơ sở kiểm dịch để có thể cách ly nhiều người hơn khi cần thiết".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM