Bloomberg: Không biết đến khi nào thì Tổng thống Donald Trump mới thấm thía bài học "nói trước bước không qua"?

07/05/2019 15:24 PM | Xã hội

"Chiến tranh thương mại là tốt, và chiến thắng là trong tầm tay". Tổng thống Donald Trump đã nói điều đó khi ông bắt tay vào dựng lên vòng thuế quan đầu tiên đối với hàng nhập khẩu. Không biết ông chủ Nhà Trắng cho rằng cuộc chiến của ông "tốt và dễ dàng" thế nào, chỉ biết là ông đã sẵn sàng để chiến tiếp.

Ông chuẩn bị tăng mức thuế từ 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 25% và đã tweet điều này trên trang Twitter cá nhân của mình - ngay lập tức dập tắt mọi hy vọng le lói của những người mong chờ rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ dẫn đến sự hòa giải.

Về mặt lý thuyết, "chiến thuật" này của ông Trump có cơ sở khá vững chắc: Nếu Hoa Kỳ đánh thuế 25% đối với các vật dụng nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển sang mua các vật dụng rẻ hơn, chưa được đánh thuế từ một số quốc gia khác. Các nhà máy phụ tùng Trung Quốc sẽ giảm giá để giữ thị phần và cuối cùng phải trả một phần chi phí thuế quan.

Chiến thuật tưởng chừng rất chắc chắn sẽ sụp đổ, khi ngài Tổng thống bước ra khỏi các mô hình kinh tế đơn giản và tiến vào thế giới thực.

 Bloomberg: Không biết đến khi nào thì Tổng thống Donald Trump mới thấm thía bài học nói trước bước không qua?  - Ảnh 1.

Hãy lấy đồ nội thất làm ví dụ. Washington đã áp thuế 10% đối với đồ nội thất và một loạt các sản phẩm tiêu dùng khác vào tháng 9 năm ngoái. Hiện nay, đồ nội thất ở Hoa Kỳ khoảng một nửa là nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà bán lẻ đồ nội thất của Hoa Kỳ giữ hàng tồn kho của họ trong vòng ba đến bốn tháng trước khi bán ra thị trường. Động thái đầu tiên của họ có thể chỉ đơn giản là tăng giá để bù vào.

Cho dù Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã cẩn thận cắt xén danh sách các dòng sản phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế, loại trừ các mặt hàng được mua thường xuyên, thì bàn ghế cũng không nằm trong số đó. Cùng lúc, các nhà bán lẻ đồ nội thất có thể cho rằng bàn ghế chẳng phải là thứ hàng hóa mà người ta phải mua hàng ngày, đôi khi 10 năm mới mua một lần, vì vậy khách hàng sẽ không quá nhạy cảm với biến động giá.

Thậm chí ngay cả với những mặt hàng không bị ông Trump đánh thuế, đôi khi nhà bán lẻ vẫn tự động tăng giá lên. Ví dụ như ông Trump đánh thuế máy giặt, nhà bán lẻ tăng giá cả máy sấy quần áo, để giá của hai loại máy không quá chênh lệnh.

Có thể ông Trump cho rằng, nếu các nhà bán lẻ đồ nội thất của Hoa Kỳ phải đối mặt với mức thuế vĩnh viễn đối với hàng Trung Quốc, họ có thể chuyển sang các nhà cung cấp thay thế ở Mexico, Việt Nam hoặc Malaysia. Điều đó dẫn đến việc các nhà máy Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn, vì các nhà bán lẻ gây áp lực buộc họ phải hạ giá nếu muốn giữ thị phần.

 Bloomberg: Không biết đến khi nào thì Tổng thống Donald Trump mới thấm thía bài học nói trước bước không qua?  - Ảnh 2.

Vấn đề là, không hề đơn giản để chuyển một ngành công nghiệp trị giá 38 tỷ USD từ quốc gia này sang quốc gia khác chỉ sau một đêm. Các nhà máy sản xuất bàn ăn ở Mexico, Việt Nam và Malaysia chưa chắc đã có đủ hàng hóa dự phòng để thay thế cho Trung Quốc. Tổng lượng nhập khẩu đồ nội thất của Hoa Kỳ từ ba quốc gia này chỉ bằng một nửa so với từ Trung Quốc. Tương tự với một loạt các ngành công nghiệp khác. Với hầu hết các loại hàng nhập khẩu, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, chiếm hơn một phần ba tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia kinh tế của Fed New York báo cáo: hầu hết thuế quan Hoa Kỳ áp lên hàng nhập khẩu, cho đến nay là khoảng 1,4 tỷ USD mỗi tháng - đều rơi vào người tiêu dùng trong nước. Một bài báo do Pablo Fajgelbaum và cộng sự tại Đại học California, Los Angeles cũng cho ra kết quả tương tự.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM