Bloomberg: Điều gì khiến cả Delta, khủng hoảng chip, giá container kỷ lục... vẫn không làm 'lung lay' vị thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam?

07/09/2021 16:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Đại diện AmCham chia sẻ, hiện tại là thời điểm thử thách với tất cả mọi người. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự gián đoạn như vậy trong thương mại quốc tế". Vậy vì đâu, Việt Nam vẫn được đánh giá là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu?

Vừa qua, trong cuộc trò chuyện với Bloomberg, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), ông Adam Sitkoff nhấn mạnh, làn sóng các doanh nghiệp chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm đa dạng chuỗi cung ứng vẫn đang rất mạnh mẽ, cho đến khi biến thể Delta xuất hiện.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam ở khắp ngành nghề khác nhau đều buộc phải ngừng hoạt động, hay nếu không buộc đóng cửa thì hoạt động cũng đã chậm lại hơn nhiều. Những ảnh hưởng này sẽ được nhìn nhận rõ hơn vào mùa mua sắm cao điểm sắp tới.

 Bloomberg: Điều gì khiến cả Delta, khủng hoảng chip, giá container kỷ lục... vẫn không làm lung lay vị thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam?  - Ảnh 1.

Giám đốc AmCham Adam Sitkoff

"Nếu mọi người muốn mua sắm cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm thì có lẽ nên đặt hàng từ bây giờ. Bởi với tình hình hiện tại, nguồn cung hàng hoá và nhiều thành phẩm khác sẽ thiếu hụt thời gian ngắn tới", ông Adam nói thêm.

Đại diện AmCham nhận định, đúng là trong những tháng qua, người lao động đã gặp rất nhiều thách thức. Bên cạnh việc hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, thì các doanh nghiệp có thể tiếp tục, họ cũng đối mặt với chi phí cao, điều kiện kinh doanh khó khăn. "Nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ đã phải trả gấp 3 lần chi phí thông thường cho mỗi công nhân, để có được một nửa nhân sự đi làm việc".

"Như vậy, bạn có thể hình dung những khoản phí mà chuỗi cung ứng đang phải gánh chịu", ông Adam Sitkoff chia sẻ. Đặc biệt khi khủng hoảng vận tải biển ngày càng diễn biến phức tạp, với giá cước vận tải đã lên mức kỷ lục.

Về dài hạn, theo ông Adam, ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó, nền kinh tế phải đóng cửa vì Covid-19, thì Việt Nam vẫn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ.

"Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn vô cùng khó khăn cách đây nhiều thập kỷ. Đây cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đặc biệt là năm 2020, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á".

Liên quan đến làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những lựa chọn thay thế, ông Adam Sitkoff cho hay, Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội từ xu hướng này.

"Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ còn đón nhận nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Tuy nhiên Covid-19 đã 'cản đường'. Hơn nữa, rất khó để các doanh nhân đưa ra quyết định đầu tư qua các nền tảng online như Zoom. Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng không phải là điều đơn giản. Tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, và tôi chưa từng thấy ai cười tươi và thông báo rằng họ phải chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác cả", đại diện AmCham cho biết.

Bởi vậy, theo ông Adam, việc Trung Quốc sẽ mất đi vị thế công xưởng thế giới "chỉ sau một đêm" dường như là không thể. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế từ chuỗi cung ứng, hay các khoản đầu tư đổ vào.

"Đây là giai đoạn thực sự thử thách với mọi người. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự gián đoạn như vậy trong thương mại quốc tế. Thậm chí, doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì đặt các container qua đường biển bởi rõ ràng, chi phí rẻ hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Những điều này chưa bao giờ xảy ra trước kia".

"Tại Việt Nam, các hãng hàng không đã phải dừng chở khách và thay vào đó, họ chuyển các thùng hàng đi khắp nơi trên thế giới. Điều đáng nói là không chỉ ở Việt Nam, những khu vực khác cũng làm tương tự".

Lý giải thêm về điều này, ông Adam đưa ra ví dụ: "Cuộc khủng hoảng chip với phạm vi toàn cầu là điều mọi người thấy rõ nhất. Hay đơn giản như doanh nghiệp bạn đang sản xuất một chiếc quần jean thôi, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể nhập được khoá kéo? Đó là tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp phải gánh chịu".

"Những gì doanh nghiệp đang cố gắng làm chỉ là đảm bảo việc đóng cửa và các đứt gãy do Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng ở mức tối thiểu đến hoạt động kinh doanh", lãnh đạo AmCham kết luận.

Anh Vũ

Cùng chuyên mục
XEM