Bill Nguyen – Ngôi sao “sớm nở, tối tàn’ ở Silicon Valley: Gầy dựng 5 startup và bán thành công 2, đã lặn mất tăm sau ‘cú lừa’ Color Labs năm 2012

27/07/2021 09:55 AM | Kinh doanh

Trong thập niên 2010, Bill Nguyen là một trong những cái tên chói lọi ở Silicon Valley, khi hầu hết dự án khởi nghiệp mà anh gầy dựng đều thành công, thu về gần 1 tỷ USD sau khi bán Onebox – La La Media. Tuy nhiên, ‘cú lừa’ Color Labs đã khiến anh mất sạch uy tín, kể từ năm 2012 đến nay, anh đã lặn mất tăm khỏi giới khởi nghiệp Mỹ.

Có thể nói, Bill Nguyen là một trong những case study điển hình cho trường hợp nhà khởi nghiệp ‘bạo phát bạo tàn’ ở ‘thánh địa khởi nghiệp công nghệ’ Silicon Valley.

Ở độ tuổi 20 và 30, Bill Nguyen là một cái tên sáng chói trong cộng đồng khởi nghiệp tại Silicon Valley nói riêng và nước Mỹ nói chung. Trong khoảng hơn 10 năm, từ 1999 đến 2010, anh liên tục tạo ra những dự án startup khác nhau – chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và đều exit thành công.

Hai thương vụ tiêu biểu nhất là bán Onebox.com cho Phone.com, thu về 850 triệu USD năm 1999, hay bán La La Media cho Apple và thu về 80 triệu USD năm 2010.

Theo nhiều nhà chuyên môn, ngoài giỏi về tech, Bill Nguyen còn rất giỏi về kinh doanh. Nhờ biết make-up cho dự án của mình cũng như có nhiều ‘chiêu trò’ khi đàm phán, nên các dự án khởi nghiệp của anh đều bán được với mức giá cao.

Năm 2010, trong men say chiến thắng, Bill Nguyen đã sáng lập ra dự án khởi nghiệp thứ 5 của mình – tên là Color Labs. Với uy tín có sẵn và profile sáng chói của Bill Nguyen và co-founder Peter Pham, dù chưa ra mắt sản phẩm, Color Lab đã nhận được 41 triệu USD tiền đầu tư trong năm 2011. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm chính thức ra mắt cuối năm 2011, nó đã không tốt như dự đoán và đã chính thức đóng cửa vào cuối năm 2012.

Kể từ đó đến nay, cái tên Bill Nguyen chưa từng xuất hiện lại lần nào trên các phương tiện truyền thông, cảm giác như anh đã không còn tồn tại trong giới khởi nghiệp. Thế nên, không ai biết anh đang làm gì hay vẫn chưa gượng lại dậy được sau cú sốc Color Labs.

THẬP NIÊN 2010 VÀNG SON

Bill Nguyen sinh năm 1971, trong một gia đình nhập cư người Việt, lớn lên tại Houston và từng học ở trường đại học Houston Baptist.

Cuộc phiêu lưu của anh vào giới công nghệ bắt đầu từ năm 21 tuổi, khi dẫn dắt bộ phận Phát triển sản phẩm và kinh doanh của ForeFront Group. Công ty này thành lập năm 1992 và IPO thành công vào năm 1995. Dù còn khá non trẻ nhưng nó đã nhanh chóng đạt mức giá trị 150 triệu USD.

Bill Nguyen – Ngôi sao “sớm nở, tối tàn’ ở Silicon Valley: Gầy dựng 5 startup và bán thành công 2, đã lặn mất tăm sau ‘cú lừa’ Color Labs năm 2012 - Ảnh 1.
Bill Nguyen những năm đầu khởi nghiệp.

Sau đó, anh tiếp tục giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm cho startup FreeLoader – doanh nghiệp thành lập năm 1995 và được bán đi vào năm 1996.

Tên tuổi của Bill Nguyên bắt đầu bước ra khỏi Silicon Valley và lan xa khắp nước Mỹ cũng như thế giới, khi anh anh bán dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình là Onebox.com trong năm 1999. Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn được anh thành lập vào năm 1998 và chỉ sau 1 năm đã có thể sang tay cho Phone.com với giá 850 triệu USD.

Thương vụ mua bán này gây chấn động làng công nghệ khi thông tin Bill Nguyen chỉ mất 60 triệu USD để vận hành startup này trước khi bán cho Phone.com được lan truyền.

Sau khi exit thành công khỏi Onebox.com, Bill Nguyen nhanh chóng bắt đầu gầy dựng dự án khởi nghiệp thứ hai của mình tên Seven Networks - phần mềm ứng dụng cho các thiết bị di động hỗ trợ truy cập các dịch vụ dữ liệu, nó nhanh chóng có 1,4 triệu tài khoản sau khi ra mắt. Seven Networks được ứng dụng khá rộng rãi và được các nhà mạng lớn như British Telecom (Anh) và NTT Docomo của Nhật mua bản quyền sử dụng.

Seven Networks ra đời vào tháng 5/2000 và anh giữ chức vụ đồng CEO cho đến tháng 4/2005. Vào năm 2002, anh được đại học MIT chọn vào danh sách 100 nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu dưới 35 tuổi. Ngoài ra, Tập đoàn truyền thông MSNBC còn bầu chọn anh là nhân vật đứng đầu trong số 10 gương mặt triển vọng nhất năm 2001 với lời bình "có khả năng thay đổi bộ mặt CNTT toàn cầu". Seven Networks từng được tạp chí Networks Magazine bình chọn là ‘sản phẩm của năm’.

Năm 2005, Bill Nguyen rời Seven Networks để thành lập dự án khởi nghiệp thứ 3 là La La Media Inc. La La Media là dịch vụ kết nối những người có cùng sở thích âm nhạc với nhau và là nơi để mọi người trao đổi đĩa CD cũ với giá chỉ có 1 USD cho Apple. Còn truyền thông thì miêu tả La La Media là MySpace, Netflix, Napster và iTunes gộp lại.

Vào cuối năm 2009, Apple mua lại La La với giá 80 triệu USD. Năm 2010, Apple thông báo đóng website lala.com. Bill Nguyen là một trong những nhà lãnh đạo trẻ tham gia World Economic Forum năm 2010.

Bill Nguyen – Ngôi sao “sớm nở, tối tàn’ ở Silicon Valley: Gầy dựng 5 startup và bán thành công 2, đã lặn mất tăm sau ‘cú lừa’ Color Labs năm 2012 - Ảnh 2.

Những doanh nghiệp Bill Nguyen từng tham gia điều hành và sáng lập.

CUỘC ĐÀM PHÁN 'DIỆU KỲ' CỦA BILL NGUYEN VỚI APPLE NĂM 2009 NHẰM BÁN LA LA MEDIA

Theo Gizmodo, trước năm 2009, La La Media vẫn đang vật vã để tồn tại, nhưng với sự hợp tác cùng Google vào năm 2009, mọi sự đã thay đổi. Khi bạn tìm kiếm một bài hát trên Google, kết quả đầu tiên trả về là thông tin của La La, không phải của iTunes hay MySpace hoặc website về âm nhạc nào đó.

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn với iTunes và Eddy Cue, khi La La chính thức hợp tác cùng Google (cho Google’s Music Beta), startup này chiếm ưu thế hoàn toàn trong lĩnh vực âm nhạc trên Google. Với khướu giác nhạy cảm bẩm sinh của một doanh nhân giỏi, Bill Nguyen bắt đầu ngửi thấy cơ hội biến La La Media thành vàng ròng, nếu kích động được ‘cuộc chiến’ kiểm soát startup này từ các ông lớn.

Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi cuộc chiến tranh giành La La Media không phải bắt đầu bằng Google hay Apple, mà bằng Nokia. Trong 1 căn phòng nhỏ với 40 người vào một đêm lạnh giá tại Phần Lan, Nokia đã viết một lá thư chào mời Bill Nguyen và La La đang ‘ngắc ngoải’. Ban lãnh đạo Nokia hy vọng, sự gia nhập của La La sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào hệ điều hành di động của Nokia, cùng lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực âm nhạc.

Sau khi nhận được đề nghị từ Nokia, Bill Nguyen đã ngay lập tức gọi cho Google để trình bày rằng: đang có một lời hỏi mua từ Nokia và thời gian thì có hạn. Các nguồn lực đầu tư về tài chính cũng như kỹ thuật của Google vào La La đứng trước nguy cơ sắp tan thành mây khói. Lúc đó, Google không hề biết, Bill Nguyen chẳng mặn mà gì với Nokia, do họ trả giá thấp – khoảng 11 triệu USD.

Mặc dù lo lắng, song Google là một cáo già trên thương trường, họ không dễ bị gây áp lực. Trước đó, Bill Nguyen cũng đã đưa cho Google các điều khoản cụ thể nếu họ muốn M&A, song Google không nghe theo mà tự mình đưa ra một đề nghị khá thấp, để xem là founder gốc Việt này có đang nói thật hay vì quá tuyệt vọng mới lừa gạt họ. Trước phản ứng của Google, Bill Nguyen chuyển hướng chiến lược sang dụ dỗ Apple.

Sau vài cuộc gọi thì Bill Nguyen cũng có buổi gặp gỡ chính thức với Ban lãnh đạo Apple lúc ấy. Sau khi Bill Nguyen tiết lộ rằng, anh đã nhận được nhiều lời đề nghị từ các đối thủ cạnh tranh của Apple cho La La; Cue nhận ra rằng, nếu Google có quyền sở hữu La La, sẽ gây tổn hại đến hệ sinh thái mà Apple đang xây dựng. Bill Nguyen nổi tiếng là luôn nhận được những hợp đồng hời với giới nghệ sỹ hàng đầu thế giới, thông qua nhà đầu tư của La La – Warner Bros Music.

Bill Nguyen – Ngôi sao “sớm nở, tối tàn’ ở Silicon Valley: Gầy dựng 5 startup và bán thành công 2, đã lặn mất tăm sau ‘cú lừa’ Color Labs năm 2012 - Ảnh 3.

Bill Nguyen đang trình bày sản phẩm La La Media với Google.

Sau đó, trong buổi ăn tối vào cuối tháng 11/2009, tại nhà Chủ tịch Apple lúc đó là Steve Jobs, có mặt Eddy Cue và Tim Cook, Steve Jobs đã đưa cho Bill Nguyen lời đề nghị không thể chối từ. Apple đã thành công mua lại La La với mức giá 80 triệu USD cùng 80 triệu USD tiền thưởng duy trì cho các nhân viên còn lại, tổng giá trị toàn bộ thỏa thuận khoảng 160 triệu USD.

Trong câu chuyện này, nhiều người cho rằng, Apple đã bị thiệt, nhưng sự thật không thế. Rất nhiều kỹ sư La La đã bỏ qua tiền thưởng duy trì để theo Bill Nguyen gầy dựng startup tiếp theo; song theo một nguồn tin không chính thống, thì có khoảng hơn 20 kỹ sư trong đó đã đến với Apple với giá 7 triệu USD. Thế nên, rõ ràng là Apple đã thu lại từng đồng trên mức giá mà mình đã bỏ ra cho La La. Rõ ràng, không ông lớn nào là người ngây thơ.

'CÚ LỪA' COLOR LABS

Chỉ 1 năm sau khi bán La La cho Apple, Bill Nguyen bắt tay vào xây dựng và phát triển startup khác có tên là Color Labs.

Trong năm 2002, nói về những thất bại của các dự án startup, tạp chí Sloanreview của MIT đã đánh giá Color Labs như thế này:

Color Labs là một ví dụ điển hình về một công ty chú trọng mặt PR – Marketing hơn là sản phẩm. Bill Nguyen – người trước đó đã bán một dự án cho Apple cùng những người đồng sáng lập giàu kinh nghiệp, đã huy động được 41 triệu USD mà không cần thử nghiệm ý tưởng trên thị trường hay thậm chí có một ứng dụng tử tế.

Họ kêu gọi được nguồn vốn khủng thông qua việc ‘thổi phồng’ sản phẩm. Bill Nguyen khoe với giới truyền thông rằng: ứng dụng chia sẻ ảnh đang có trên mạng xã hội như Facebook là ‘kẻ giết người’ vì người dùng dễ dàng bị rò rỉ dữ liệu cá nhân. Color Labs ra đời dựa trên ý tưởng mọi người sẽ đến quán cà phê, bảo tàng hay công viên, sau đó chụp hình và đăng trên Color; những người khác ở gần cũng sẽ làm như vậy, các hành động này sẽ giúp nhiều người lạ có thể kết nối qua hình ảnh.

Tuy nhiên, khi ứng dụng ra mắt vào năm 2011, nó đã có rất nhiều lỗi và website thì im ắng một cách lỳ lạ. Các bài đánh giá trên App Store hầu hết là tiêu cực, với các nhận định như ‘khó hiểu và vô nghĩa’, cuối cùng thì Color cũng nhanh chóng đóng cửa sau đó ít lâu.

Bill Nguyen – Ngôi sao “sớm nở, tối tàn’ ở Silicon Valley: Gầy dựng 5 startup và bán thành công 2, đã lặn mất tăm sau ‘cú lừa’ Color Labs năm 2012 - Ảnh 4.

Color - dự án khởi nghiệp thất bại của Bill Nguyen.

Các nhà chuyên môn sau đó chỉ ra: Color Labs thất bại bởi không chỉ không đưa ra giải pháp thỏa đáng nhằm giải ‘bài toán’ mà mình muốn giải, còn vì thị trường không thật sự cần sản phẩm mà Color Labs đưa ra tại thời điểm đó.

Cụ thể hơn, từ năm 2010 đến 2011, Bill Nguyen và Peter Pham đã nhận 41 triệu USD từ nhiều nguồn đầu tư, trong đó có 3 quỹ lớn là Sequoia Capital (25 triệu USD), Bain Capital (7 triệu USD) và Slicon Valley Bank (7 triệu USD). Vào tháng 9/2011, Douglas Leone từng tiết lộ: Sequoia Capital đã quyết định đầu tư trước ba ngày Color chính thức ra mắt sản phẩm trên iOS– 24/3/2011.

Còn có tin đồn rằng, vào tháng 7/2011, Google đã đề nghị mua lại Color với giá 200 triệu USD nhưng bị từ chối.

Khi mới ra mắt, ứng dựng Color có khoảng 1 triệu lượt tải xuống, nhưng đến tháng 9/2011, chỉ còn dưới 100.000 người sử dụng. Vào tháng 6/2011, chưa đầy 3 tháng sau khi ra mắt sản phẩm, Peter Pham đột ngột rời startup này, tiếp sau là Giám đốc sản phẩm DJ Patil.

Trên Appe Store, app Color chỉ được đánh giá 2/5 sao, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2011, Bill Nguyen và Peter Pham đều thừa nhận: sự ra mắt của Color là một cơ hội bị lãng phí, "chúng tôi đã ném ra thị trường một sản phẩm chưa biết cách làm tốt…, chúng tôi đã ném vào mọi người một quả núi’.

Vào tháng 10/2012, truyền thông cho biết, Ban lãnh đạo Color đã bỏ phiếu bầu đóng cửa doanh nghiệp. Tuy nhiên, một đồn đoán khác cho rằng, Apple đã ‘mua lại’ nhân viên của Color với giá từ 2 triệu đến 7 triệu USD. Color Labs sau đó đã chính thức thông báo dừng ứng dụng vào cuối năm 2012.

Sau khi Color Labs sập đến nay, Bill Nguyen chưa từng 1 lần nữa xuất hiện trên truyền thông và không ai biết anh đang làm gì.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM