Big Tech phải thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu

21/08/2021 10:03 AM | Công nghệ

Đợt hạn hán kỷ lục ở miền Tây nước Mỹ buộc các ông lớn công nghệ phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng nước, đưa ra cam kết tiết kiệm hướng tới giảm sự nóng lên toàn cầu.

Các nhà máy sản xuất chip bán dẫn ngốn một lượng nước khổng lồ lên tới 7,5 - 15,1 triệu lít nước mỗi ngày, tương đương lượng nước sử dụng của 13.698 - 27.397 hộ dân.

Đó là lý do Intel đưa ra cam kết đến năm 2030 sẽ phục hồi và trả lại nước ngọt nhiều hơn mức sử dụng, khi đã dùng tới 47,6 tỷ lít nước ngọt năm 2019 mà chỉ trả lại 20%.

Các Big Tech nước Mỹ khác dù không vận hành nhà máy nhưng cũng sở hữu những trung tâm dữ liệu (data center) khổng lồ, cần một lượng nước nhiều không kém để làm mát máy chủ.

Chẳng hạn như mạng xã hội Facebook trong năm 2020 đã tiêu thụ 3,7 triệu mét khối nước ngọt (3,7 tỷ lít nước), tương đương khối lượng nước ở 1.500 bể bơi tiêu chuẩn Olympics. Với Apple, con số này là 4,8 tỷ lít nước, chiếm 90% là nước ngọt và chỉ 9% là nước tái chế.

Big Tech phải thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Lake Mead, hồ dự trữ lớn nhất của dòng sông Colorado hiện đã cạn khô vì đợt hạn hán kỷ lục ở miền Tây nước Mỹ.

Điều này buộc các Big Tech phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng nguồn nước sạch, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh báo rằng khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C với tình trạng hiện nay.

Đây là lúc các hãng công nghệ vốn tăng trưởng nhanh nhờ những con chip tốn nước, trung tâm dữ liệu tốn điện phải có trách nhiệm hơn với hành tinh xanh.

Cụ thể, Apple hôm thứ tư đã đưa ra tuyên bố ủng hộ chương trình năng lượng sạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong một tầm nhìn đến năm 2035 loại bỏ khí nhà kính khỏi các nhà máy năng lượng.

Big Tech phải thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Vận hành data center không chỉ siêu tốn điện mà còn tốn nước.

Trước đó, ứng dụng nhắn tin tức thời Snapchat cũng cam kết cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, đạt mục tiêu trung hòa carbon và chỉ sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Trước đó, Jeff Bezos đã đưa ra cam kết khí hậu mà dự kiến đến năm 2024, 80% điện năng mà Amazon tiêu thụ là từ nguồn năng lượng tái tạo.

Còn Facebook đã khởi động những dự án hồi phục nước ở các tiểu bang New Mexico, Arizona, Texas, Utah, Oregon và California. Dự án trong đó bao gồm phục hồi và giữ ổn định mực nước của hồ Mead trên con đập nổi tiếng Hoover ở Arizona, vốn đang trong tình trạng cạn khô vì hạn hán kỷ lục ở miền Tây nước Mỹ.

Hồi đầu năm nay, Facebook tuyên bố đạt được mức phát thải khí nhà kính cân bằng (net-zero) và hiện đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Mạng xã hội này đặt mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ đạt trạng thái trung hòa carbon.

Phương Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM