Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: "Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách"

17/03/2021 14:56 PM | Sống

Biên kịch Bình Bồng Bột có những chia sẻ sâu sắc về Bố Già và "bệnh nền" của khán giả Việt.

Thời gian qua, Bố Già vẫn là phim điện ảnh nhận được sự chú ý lớn của khán giả Việt, nhất là khi phim đang nắm giữ kỷ lục doanh thu trong nước cao nhất mọi thời đại. Thế nhưng vào ngày 16/3, một phát ngôn của nam chính Trấn Thành đã khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa. Anh cho rằng: "Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn. Người đi xem càng đông thì càng nhiều người có vấn đề về tâm lý nên mới tìm thấy sự đồng cảm. Trong niềm vui, tôi thấy tủi thân vì nhận ra nước mình khổ quá, cuộc sống khắc nghiệt với người dân quá". Sau đó đến ngày 17/3, biên kịch Bình Bồng Bột đã có dòng trạng thái cực dài để bày tỏ quan điểm của mình về sự thành công của Bố Già có liên quan mật thiết đến "bệnh nền" chung của khán giả đại chúng.

Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 1.

Phát ngôn của Trấn Thành đang khiến MXH xôn xao

Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 2.

Bình Bồng Bột đăng tải quan điểm giữa bão tranh cãi của Trấn Thành

Theo lời Bình Bồng Bột, xã hội Việt trọng tình, dễ rưng rưng với chủ đề tình cảm gia đình. Anh cũng dẫn chứng Top 10 phim ăn khách nhất của Việt Nam đều có cốt lõi gia đình, dù cho đó là đánh đấm hạng nặng như Hai Phượng. "Mỗi bộ phim đều khởi đầu từ một nỗi đau. Phim được xem càng nhiều nghĩa là nỗi đau đang hiện hữu càng nhiều", Bình Bồng Bột chia sẻ. Theo quan điểm của anh, người Á Đông luôn bị giằng xé giữa hai bên trách nhiệm và quyền lợi, ngay cả chuyện nuôi con cũng là đề tài gây tranh cãi dữ dội giữa các thế hệ.

Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 3.

Gia đình vẫn là chủ đề khiến khán giả Việt đồng cảm nhất

Ngoài ra, Bình Bồng Bột cũng nhấn mạnh: "Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách", sau đó chứng minh từ câu thoại yêu thương con của Ba Sang chỉ xuất hiện ngay sau một tiếng chửi thề. Anh cũng lấy dẫn chứng nhiều tựa phim hot ở Trung Quốc như Chiến Lang 2 - một phim dã sử mang đậm tinh thần dân tộc, và Xin Chào, Lý Hoán Anh - phim cảm động về tình mẹ con, đều đang dẫn đầu doanh thu phòng vé mọi thời đại. "Nhìn vào danh sách phim ăn khách nhất của một quốc gia, có khi ta thấy được 'bệnh nền' của quốc gia ấy", vị biên kịch tài năng nhận định.

Nguyên văn status của Bình Bồng Bột trên trang cá nhân:

Sự thành công của Bố Già một lần nữa cho thấy Việt Nam là một xã hội trọng tình. Nếu lấy 10 phim ăn khách nhất qua mọi thời đại của Việt Nam ra, ta dễ dàng thấy chúng có chung một chủ đề: gia đình. Hai Phượng là phim hành động, nhưng cái lõi của nó vẫn là hành trình của một người mẹ đi tìm con. Nhưng vấn đề của người Việt là yêu thương sai sách. Nghĩ kiểm soát là bảo bọc, nghĩ dung túng là bảo vệ, nghĩ xuề xòa là bao dung… Cách đây mấy bữa, tôi và mẹ tôi có một cuộc tranh luận về việc mẹ muốn tôi phải dạy con tôi như thế nào. Và tôi bèn phải nói: "Thôi, ngày xưa mẹ nuôi con của mẹ rồi, giờ mẹ phải để con nuôi con của con".

Tình cảm gia đình là một chủ đề dễ làm người ta rưng rưng, bởi nếp nghĩ Á Đông, nặng tình suốt mấy ngàn năm bị va đập với cách tư duy nuôi con mới mẻ của phương Tây. Nó khiến cho ai trong chúng ta cũng đứng giữa những giằng co: giữa chữ hiếu và chữ tôi, giữa trách nhiệm và quyền lợi, giữa quá khứ và hiện tại. Và những giằng co va đập ấy lâu dần tạo ra những vết hằn tâm lý. Như tôi đã nói, mỗi bộ phim đều khởi đầu từ một nỗi đau. Phim được xem càng nhiều nghĩa là nỗi đau đang hiện hữu càng nhiều.

Nhiều người Mỹ đã ngỡ ngàng khi nghiên cứu chỉ ra 5,9% người trưởng thành ở nước mình bị chứng Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD), một chứng bệnh tâm lý phổ biến trong hàng hà sa số bệnh tâm lý ở con người. Những ai có thể bị BPD? Là những người có thời thơ ấu bị lạm dụng về thể chất và tình dục, bị bỏ rơi, tách biệt với người chăm sóc, và/ hoặc mất cha mẹ.

Dấu hiệu của BPD là gì: dễ sợ hãi hoặc tức giận lên tới cực đại. Chỉ cần một người quan trọng với họ đến muộn hoặc hủy hẹn, họ sẽ nổi điên vì cho là mình bị bỏ rơi giống như khi mình còn bé. Và từ đó, họ lập tức quy kết người hủy hẹn là người xấu. Những người bị BPD dễ thay đổi quan điểm về người khác một cách đột ngột. Ban đầu rất yêu, rất tôn sùng, nhưng chỉ cần người ấy không dành đủ sự quan tâm, họ trở nên vỡ mộng và lập tức xếp người mình từng yêu thương vào nhóm tồi tệ.

Câu hỏi đặt ra: nếu một quốc gia thiên đường như Mỹ có 5,9% bị BPD thì tỉ lệ này ở Việt Nam là bao nhiêu? Đa số chúng ta đều có những vấn đề tâm lý, nhưng khi ai đó nói ra điều đó, ta sửng cồ lên vì "ai cho phép mày nói tao bị bệnh thần kinh". Nội sự phản ứng ấy cũng đã là một vấn đề tâm lý.

Tôi có một cô bạn, cực kỳ đáng yêu với người ngoài, nhưng cực kỳ khe khắt với người thân. Nên ai càng yêu cổ, càng thân với cổ càng mệt mỏi vì thấy dường như cổ đã thay đổi. Nhưng có ai thay đổi đâu. Vẫn là họ đấy thôi, với một vấn đề tâm lý cần thời gian để mổ xẻ, chữa lành. Một bộ phim hay giúp người xem nhận ra vấn đề của mình và bắt đầu ngồi xuống, thực sự suy nghĩ về nó. Đâu phải ngẫu nhiên mà cùng lúc với Bố Già, bên Trung Quốc có một bộ phim gây hit khủng khiếp, nhảy một lèo lên thứ nhì danh sách phim doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc. Phim tên Xin chào, Lý Hoán Anh . Phim dựa trên câu chuyện có thật của nữ đạo diễn Giả Linh, đã không thể gặp mẹ lần cuối khi bà không may qua đời lúc cô mới 19 tuổi.

Phim ăn khách nhất qua mọi thời đại của Trung Quốc là gì? Chiến Lang 2 . Một phim quá tầm thường về cả nội dung lẫn võ thuật. Nhưng khoan, sao nó ăn dữ vậy? Vì tinh thần Đại Hán đã ăn sâu bén rễ vào tiềm thức của người Trung Hoa, và nó cũng là một dạng bệnh lý.

Một bộ phim hay là một bộ phim làm mình suy nghĩ suốt nhiều ngày sau đó. Và nhìn vào danh sách phim ăn khách nhất của một quốc gia, có khi ta thấy được "bệnh nền" của quốc gia ấy. Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách. Thường ta chỉ nói yêu khi đã quá muộn, hoặc như trong Bố Già, chỉ nói thương sau một câu "đ* m*". Hoặc ta chả còn cơ hội để được nói yêu và sống trong nỗi giày vò mà nếu không làm phim, ta sẽ chết. Như Giả Linh đã làm Xin chào, Lý Hoán Anh.

Phim lịch sử Việt Nam, tôi thề, sẽ phá vỡ mọi cột mốc doanh thu ở đất nước này. Vì cũng như Trung Quốc với tư tưởng Đại Hán, một dân tộc với mấy ngàn năm đầy máu và nước mắt, của ngoại xâm và nội chiến, sẽ có vô vàn những vết thương tâm lý đang cần bóc tách.

Làm phim thôi…

Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 4.
Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 5.

Bình Bồng Bột nhắc đến Chiến Lang 2 và Xin Chào, Lý Hoán Anh trong bài viết của mình

Cuối cùng, Bình Bồng Bột hi vọng trong tương lai, điện ảnh Việt sẽ có nhiều phim lịch sử Việt Nam vì cho rằng sẽ "có vô vàn những vết thương tâm lý cần bóc tách". Anh cũng tin các phim về chủ đề lịch sử sẽ phá vỡ mọi cột mốc doanh thu ở nước ta. Lời khẳng định này của Bình Bồng Bột nhận được sự hoan nghênh lớn của netizen. Ai ai cũng mong nền điện ảnh sẽ phát triển và có thêm nhiều bộ phim về lịch sử dân tộc, chắc chắn sẽ hấp dẫn không thua kém các thị trường phim ảnh láng giềng.

Một số bình luận của netizen:

- Rất hay anh ơi. Sự thành công của nền điện ảnh nào cũng có gốc rễ tự ý thức hệ cả. Em đợi phim lịch sử Việt Nam!!!

- Dự đoán ngay từ đầu phim nhà nghèo mà hay thì sẽ thắng mà...

- Nói lời tử tế, hành động đúng đắn, suy nghĩ tích cực!

Nguồn: FB Bình Bồng Bột

Biên kịch Tiệc Trăng Máu nói về Bố Già: Người Việt Nam yêu gia đình và thường là yêu sai cách - Ảnh 6.

Bố Già vẫn đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Thành Vũ

Cùng chuyên mục
XEM