Bị "trộm" mã số thuế cá nhân, nhiều người đến khi quyết toán thuế mới tá hỏa vì số thuế TNCN "trên trời"

17/05/2022 15:30 PM | Kinh doanh

Ngày đẹp trời, bạn tự nhiên nghe cơ quan Thuế thông báo, mình được khai thuế thu nhập ở doanh nghiệp lạ hoắc nào đó. Lương không vào túi bạn 1 xu, nhưng lại phát sinh thuế thu nhập.

Bất ngờ ngã ngửa khi nhận được thông báo về thu nhập "trên trời"

Một số cá nhân sau khi thực hiện tự quyết toán thuế TNCN đã rất ngạc nhiên khi được cơ quan thuế thông báo, họ tự nhiên trở thành nhân sự được khai thuế ở doanh nghiệp lạ hoắc nào đó.

Điều đáng nói là người nộp thuế bị phát sinh thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập do doanh nghiệp lạ đó chi trả, nhưng trên thực tế thu nhập này là "hàng giả" 100%.

Báo Tiền Phong đưa tin, anh Lê Việt Đức, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, anh tự làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân online. Trong khi hoàn thành thủ tục, cán bộ thuế thông báo, anh Đức có phát sinh thuế thu nhập cá nhân tại một công ty thuộc ngành thủy lợi ở Hà Nội.

Tuy nhiên, anh Đức xin thông tin liên hệ của công ty, cơ quan thuế chỉ có thể cung cấp tên công ty, phần liên hệ như số điện thoại, cơ quan thuế không có để cung cấp cho anh Đức.

Trên thực tế tình trạng người dân bỗng nhiên bị khai khống thu nhập chịu thuế TNCN xảy ra đã nhiều năm nay và không hiếm gặp. 

Năm 2018, Chi cục Thuế Quận 8 TPHCM nhận được phản ánh của chị P.T.N.C (trú Phường 10, Quận 8) về việc khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, chị phát hiện năm 2016 có thêm tiền hoa hồng từ Công ty A có trụ sở tại Vũng Tàu.

Thực tế, chị không biết gì về đơn vị này. Do có khoản thu nhập “trên trời” đó, chị C bị Chi cục Thuế quận 8 thông báo phải nộp thêm thuế. 

Sau khi có phản ánh của chị C, Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xuống Công ty A làm việc và công ty này thừa nhận kê khai khống chi hoa hồng cho chị Châu theo mã số thuế cá nhân có được.

Bị trộm mã số thuế cá nhân, nhiều người đến khi quyết toán thuế mới tá hỏa vì số thuế TNCN trên trời - Ảnh 1.

Nhiều người chỉ biết bị DN lấy trộm thông tin để kê khai khống khi đi quyết toán thuế - Nguồn: thuvienphapluat


Thực chất là "trộm" mã số thuế nhằm kê khai khống chi phí

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp làm khống bảng lương nhằm đẩy chi phí giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Chi phí lương nhân viên có đặc thù không yêu cầu hóa đơn đầu vào như các chi phí khác, nên thường được một bộ phận doanh nghiệp sử dụng "thủ thuật" để đẩy tăng lên so với thực tế. Ví dụ đơn vị có 10 nhân viên, kê khai lên thành 20, 30 nhân viên...

Để hợp thức hóa số lượng nhân viên "ảo" này các doanh nghiệp sẽ phải tự chế ra đầy đủ hồ sơ như hợp đồng lao động, bảng lương,... Thông tin nhân thân người lao động thường được "tận dụng" từ hồ sơ xin việc (không trúng tuyển) hoặc thông tin nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân) bị lọt ra từ đâu đó,... Chữ ký của người lao động trên các chứng từ này thường do kế toán tự biên tự diễn.

Khi có số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, không khó để có thể tra cứu được mã số thuế cá nhân của tất cả mọi người công khai trên mạng. Vì vậy, việc bịa ra 1 hồ sơ của người lao động cho chi phí lương "khống" rất dễ dàng và đơn giản.

Việc làm khống chi phí này chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì họ thường rất ít khi bị thanh kiểm tra thuế. Số tiền kê khống cho các cá nhân cũng thường không lớn, chỉ vài triệu mỗi tháng. 

Hiện nay, có sự liên kết thông tin giữa đơn vị bảo hiểm xã hội và cơ quan thuế, lương của người lao động nếu không được đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị loại khỏi thu nhập được trừ khi tính thuế TNDN. 

Tuy nhiên, ngoài lương, doanh nghiệp vẫn có thể "lợi dụng" rất nhiều những khoản khác như tiền nhuận bút, tiền hoa hồng, tiền thưởng,.. không mang tính chất cố định, không phải đóng bảo hiểm xã hội để khai khống chi phí.

Phải làm gì nếu phát hiện ra mình bị lợi dụng mã số thuế cá nhân?

Nếu chẳng may bị lợi dụng mã số thuế cá nhân thì sự việc chỉ được phát hiện ra khi đến kỳ quyết toán thuế, thu nhập "ảo" làm "lòi" ra số thuế TNCN "ảo", người nộp thuế mới phát hiện ra và phản hồi lại với cơ quan thuế.

Khi đó, để khớp số liệu quyết toán thuế, cơ quan thuế thường sẽ yêu cầu cá nhân giải quyết bằng 1 trong 2 cách: Liên hệ với phía doanh nghiệp "lạ", đề nghị họ điều chỉnh thông tin; hoặc làm cam kết không phát sinh thu nhập tại DN khai khống và gửi tới cơ quan thuế.

Cách thứ nhất không phải lúc nào cũng thuận lợi, do nhiều trường hợp các doanh nghiệp "trộm" mã số thuế không hoạt động kinh doanh theo địa chỉ, số điện thoại đã đăng ký. Việc liên hệ với họ để giải quyết không hề dễ dàng.

Còn việc ký cam kết với cơ quan thuế không quá phức tạp nhưng vô hình trung thời gian giải quyết, xử lý hồ sơ quyết toán thuế của người nộp thuế bị kéo dài và phiền phức, do vậy Tổng cục Thuế khuyến cáo, các cá nhân nên có ý thức bảo vệ mã số thuế cá nhân đề phòng người khác lợi dụng. 

Theo văn bản số 896/TCT-KK Tổng cục thuế đã nêu rõ, mỗi cá nhân sẽ có 1 mã số thuế duy nhất, mỗi người hãy tự "bảo quản" mã số thuế của mình để tránh gặp phải rắc rối.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khuyến cáo, người nộp thuế không nên tiết lộ mã số thuế cá nhân, chứng minh nhân dân cho người khác, ngoài cơ quan thuế và cơ quan chi trả thu nhập.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM