Bí quyết hạnh phúc dài lâu của gia đình: Người vợ ngừng cằn nhằn

09/09/2017 16:24 PM | Sống

Nhiều phụ nữ quên mất một điều quan trọng rằng, với chồng họ, sự tôn trọng cũng cần thiết như ôxy vậy.

Kathy Murray (California, Mỹ) đã cứu vãn thành công cuộc hôn nhân của mình sau khi từ bỏ thói quen cố gắng kiểm soát chồng.

Cô đã đọc và làm theo cuốn sách gây tranh cãi có tên là “Người vợ quy hàng” (The Surrendered Wife), cuốn sách chỉ ra rằng phụ nữ nên ngừng việc cằn nhằn với chồng mình và cần tôn trọng họ hơn.

Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Kathy về bí quyết cứu vãn hôn nhân khỏi cảnh chia tay sau khi áp dụng 6 nguyên tắc của một người vợ biết "quy hàng" đúng lúc.

Tôi ly dị lần đầu tiên năm 26 tuổi, và tái hôn lần hai năm 32 tuổi, nhưng chẳng bao lâu sau tôi đã ôm gối ra ngủ ở phòng khách. Tôi và chồng thường xuyên cãi vã.

Phần lớn các cuộc cãi cọ của chúng tôi liên quan đến vấn đề nuôi dạy con (chúng tôi có 4 đứa con độ tuổi từ 4-9). Tôi nghĩ rằng chồng mình thật vô lý. Chúng tôi cũng tranh cãi về cách quản lý chi tiêu và thậm chí tranh cãi cả về tần suất ân ái.

Tôi là giám đốc tài chính cho một trường học tư, ngoài ra tôi còn là tình nguyện viên ở trường của các con và trong cộng đồng của mình. Chồng tôi là đại diện bán hàng cho một công ty xây dựng. Trong hai người, tôi kiếm được nhiều tiền hơn và tôi đã cư xử như thể tôi là kẻ chiến thắng.

6 nguyên tắc để trở thành một “Người vợ quy hàng”

Ngừng việc cố gắng kiểm soát chồng ở những khía cạnh không phù hợp

Tôn trọng ý kiến của chồng

Khi được chồng tặng quà hãy ân cần đón nhận và tỏ lòng biết ơn về món quà.

Nói lên mong muốn của mình nhưng không cố kiểm soát chồng

Dựa vào anh ấy để xử lý tài chính gia đình

Dành thời gian cho sở thích và chăm sóc bản thân

Tôi không dám kể cho ai về những trận cãi vã thường xuyên với chồng vì tôi cảm thấy vừa xấu hổ vừa tức giận. Thời gian gần đây chồng tôi hay thư giãn bằng cách xem tivi hoặc chơi đùa với lũ vật nuôi mà không thèm để ý gì đến tôi.

Nếu tất cả đàn ông trên đời đều muốn tình dục thì chồng tôi là ngoại lệ. Anh ấy lờ tôi đi, anh ấy chẳng buồn làm gì với tôi cả. Tôi cảm thấy rất tồi tệ.

Tôi càng yêu cầu chồng nên làm thế này thế kia thì anh ấy càng chẳng làm gì. Tôi cảm thấy bế tắc và đã kéo chồng đến phòng tư vấn hôn nhân. Nhưng mọi việc chẳng hề khá khẩm hơn.

Sau đó tôi cho các con đi tư vấn vì thương chúng phải gánh chịu quá nhiều cuộc xung đột của bố mẹ. Những mọi việc vẫn không hề tiến triển.

Cuối cùng, tôi quyết định tự đi tư vấn. Suốt hơn một năm liền, tôi liên tục phàn nàn về chồng mình tại phòng tư vấn. Tôi tiêu tốn hàng ngàn đô la chỉ để thấy mình càng ngày càng đến gần ngưỡng cửa của sự li hôn.

Tôi gào khóc, la hét những mong chồng tôi sẽ đến bên nhưng anh ấy không hề. Tôi bị sút cân, tôi đi tập gym với ý định thu hút sự chú ý của những người đàn ông khác nhưng tôi biết tôi không thể làm thế.

Bí quyết hạnh phúc dài lâu của gia đình: Người vợ ngừng cằn nhằn - Ảnh 1.

Kathy Murray không ngừng chia sẻ bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc cho những người phụ nữ xung quanh. Ảnh: BBC

Khi cuộc hôn nhân của tôi đứng trên bờ vực sụp đổ, tôi mua được một cuốn sách có tên là “Người vợ quy hàng” của Laura Doyle. Rõ ràng chẳng trường học nào dạy cách có được một cuộc hôn nhân thành công và những người phụ nữ quanh tôi thì cũng không chia sẻ bí quyết để làm sao giữ được gia đình hạnh phúc.

Cuốn sách chỉ ra cho tôi thấy vì sao cuộc hôn nhân hiện tại và quá khứ của tôi thất bại. Tôi đã không biết rằng tôi thường cư xử thiếu tôn trọng với chồng mình, thậm chí tôi thường xuyên kiểm soát và chỉ trích anh ấy.

Tôi cũng đã không biết rằng với đàn ông, sự tôn trọng cũng cần thiết như oxy vậy, và giờ thì tôi đã hiểu vì sao chồng tôi không còn ham muốn với tôi nữa.

Giống như lạt mềm buộc chặt, tôi đã giữ được hạnh phúc cho gia đình nhờ học cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của chồng.

Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày đầu tiên tôi nói lời xin lỗi chồng vì đã cư xử thô lỗ và suốt ngày chỉ tìm cách bắt lỗi anh trước mặt lũ trẻ. Tôi cũng nhớ cái ngày mà tôi bảo chồng mình: “anh thấy được là được” trong khi trước đây tôi cứ bắt anh ấy phải làm theo ý mình.

Quả thật, trước đây tôi từng bắt chồng mình làm gì cũng phải hỏi ý kiến vợ nhưng khi đến phòng tư vấn hôn nhân thì lại phàn nàn là anh ấy chẳng bao giờ quyết định được việc gì cả.

Tôi từ bỏ việc kiểm soát cuộc sống, quyết định, lựa chọn của chồng mà thay vào đó tôi tập trung vào việc tự tìm niềm vui cho bản thân. Tôi ngừng cư xử như mẹ của anh ấy mà bắt đầu học cách cư xử đúng mực, cư xử nhưng người vợ và như người tình.

Những cuộc cãi vã ít dẫn đi, chồng tôi bắt đầu nắm tay tôi, và anh ấy cũng hôn tôi trở lại. Quan hệ giữ vợ chồng chúng tôi cũng được cải thiện rất nhiều, đời sống tình dục cũng thế. Chúng tôi biết cách làm cho nhau thăng hoa chứ không còn làm chuyện đó một cách miễn cưỡng nữa.

Lũ trẻ cũng nhận thấy sự thay đổi trong mối quan hệ của bố mẹ, chúng hạnh phúc hơn và ngôi nhà lại trở thành mái ấm bình yên và vui vẻ.

Tôi đã không biết rằng tôi phải có trách nhiệm với hạnh phúc của mình. Tôi đã cho rằng chồng tôi phải có trách nhiệm khiến tôi hạnh phúc.

Nhiều phụ nữ thường hỏi tôi có phải cách tôi chữa lành mối quan hệ là hạ thấp bản thân và phục tùng chồng không. Tôi đã trả lời họ rằng tôi là người theo chủ nghĩa nữ quyền.

“Quy hàng” không có nghĩa là phục tùng, quy hàng tức là nhận thức được mình không thể thay đổi hoặc kiểm soát ai khác ngoài bản thân mình cả. Nhưng lạt càng mềm buộc càng chặt và tôi đã giữ được hạnh phúc của mình như thế đó.

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM