Bí quyết của người phụ nữ xây dựng thành công danh mục đầu tư 6 con số và trả hết nợ nần

01/07/2021 09:00 AM | Kinh doanh

Với tư cách là một nhà đầu tư tự tin và kiên định, Shaquana Watson-Harkness học được rằng ai cũng có thể đạt được nhiều mục tiêu tiền bạc cùng một lúc.

Shaquana Watson-Harkness là một chuyên gia về tài sản và là cộng sự trong mảng tài chính cá nhân với Grow and Black Enterprise. Bà là nhà sáng lập ra Dollars Makes Cents với mục tiêu giúp phụ nữ thuộc thế hệ trẻ đạt được sự độc lập về tài chính bằng cách định hướng tự duy của họ tới việc xây dựng tài sản.

Bà Watson-Harkness cho biết bản thân đang sở hữu danh mục đầu tư 6 con số, thứ giúp bà trả hết khoản nợ tiêu dùng 169.000 USD và hơn thế nữa. Thông thường, việc giải quyết được một trong những mục tiêu về tiền bạc như thế này là điều khiến mọi người dễ nản lòng, chứ chưa nói đến việc hoàn thành cả hai cùng lúc như Watson-Harkness.

Ở độ tuổi 20, Watson-Harkness đã bắt đầu phải trả nợ nhưng bà không hề có khoản tiết kiệm nào, dù là một quỹ khẩn cấp nhỏ và bà cũng không biết gì về đầu tư. Chính điều này khiến Watson-Harkness phạm phải một trong những sai lầm về tài chính lớn đầu tiên trong đời.

Dù vậy, sau này bà đã sửa sai thành công. Hiện tại, với tư cách là một nhà đầu tư tự tin và kiên định, bà học được rằng ai cũng có thể đạt được nhiều mục tiêu tiền bạc cùng một lúc.

Dưới đây là lời khuyên của bà dành cho mọi người trong quá trình thực hiện các mục tiêu về tiền bạc.

Đừng để những sai lầm ban đầu kìm hãm bạn

Với công việc đầu tiên sau khi ra trường, Watson-Harkness tham gia kế hoạch 401 (k). Đây là quỹ hưu trí tư nhân mà công ty sẽ trích một phần tiền lương của nhân viên để bỏ vào quỹ và quỹ quản lý sẽ tích lũy hoặc dùng số tiền này để đầu tư sinh lợi vào chứng khoán, trái phiếu hoặc tài sản khác. Phần tiền này sẽ không bị đánh thuế thặng dư trên vốn, thuế trên cổ tức hay lợi nhuận cho tới khi được chủ sở hữu rút ra.

Vài năm sau, khi bị sa thải, bà quyết định rút một phần tiền ra khỏi tài sản hưu trí để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian tìm kiếm công việc khác.

“Điều tôi không biết là bản thân sẽ bị phạt thuế nếu rút số tiền đó ra sớm”. Mùa đông năm tiếp theo, bà đã rất sốc khi nhận được thông báo từ IRS rằng tôi đang nợ họ 5.000 USD. “Tôi đã tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ làm như vậy nữa”.

Sang công ty mới, bà mở tài khoản 401 (k) và một tài khoản Roth IRA (một loại tài khoản hưu trí cá nhân được tích lũy bằng khoản tiền đã được đóng thuế). Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy bản thân không có đủ hiểu biết về tài chính để đưa ra những lựa chọn đúng đắn khi đầu tư. Vì vậy, suốt hơn 10 năm, bà không động đến khoản tiền đó.

“Cuối cùng vào năm 2014, khi tôi kết hôn và chúng tôi bắt đầu gộp chung tiền bạc, tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về đầu tư, nhất là khi chúng tôi muốn cùng nhau làm việc để xây dựng tài sản cho con cháu sau này”, bà nói.

Bí quyết của người phụ nữ xây dựng thành công danh mục đầu tư 6 con số và trả hết nợ nần - Ảnh 1.

Bà Shaquana Watson-Harkness, nhà sáng lập của Dollars Makes Cents. Ảnh: NVCC.

Yêu cầu giúp đỡ khi cần

Tháng 12/2014 là lần đầu tiên Watson-Harkness nhờ tới một công ty cố vấn về tài chính. “Họ hướng dẫn cho tôi mọi khái niệm về tài chính, như lãi kép và giúp tôi hiểu cách hoạt động của quỹ tương hỗ”.

Cuộc gặp gỡ với công ty cố vấn này mở ra nhiều điều mới mẻ cho bà. Bà cho biết bản thân chưa bao giờ nhờ tới sự giúp đỡ của ai trước đây vì bà luôn cho rằng họ chỉ làm việc với người giàu có hoặc tổ chức tài chính lớn.

“Tôi bắt đầu rà soát báo cáo về các khoản đầu tư và tìm ra cách có thể đẩy nhanh tốc độ tích lũy tiền cho tài khoản tiết kiệm hưu trí của mình. Tôi và chồng cũng bắt đầu thảo luận thường xuyên về cách tăng tài khoản tiết kiệm hưu trí của chúng tôi trong 10 – 15 năm tới. Đây chính là nền tảng giúp tôi đạt được các mục tiêu tài chính khác của mình sau này”.

Bắt đầu từ khoản tiền nhỏ

Bà Watson-Harkness nhớ lại: “Khi tôi bắt đầu đầu tư, điều duy nhất tôi biết là công ty đầu tiên đưa ra mức lương phù hợp với sự đóng góp của tôi, vì vậy, đó có vẻ là nơi tuyệt vời để bắt đầu sự nghiệp. Với công việc thứ 2, khi tôi mở mới tài khoản 401 (k) và Roth IRA, tôi được hướng dẫn hoặc đào tạo ở mức cơ bản về cách chọn những quỹ tương hỗ hoạt động tốt nhất và cũng có ít lựa chọn đầu tư hơn”.

Watson-Harkness đã chọn một số quỹ mục tiêu dựa trên ngày nghỉ hưu dự kiến của bản thân. Tuy nhiên, bà cho biết bà hiếm khi theo dõi hiệu suất của các quỹ cũng như thay đổi điều gì đó, như thường xuyên tăng các khoản đóng góp vào quỹ hoặc chọn một quỹ hoạt động tốt hơn.

“Khi nhìn vào các báo cáo hàng quý, tôi thấy lợi nhuận từ các khoản đầu tư đang tăng lên, nếu không muốn nói là rất tiềm năng. Tuy nhiên, vì không biết nhiều về cách điều hướng theo thị trường chứng khoán nên tôi thấy mọi thứ đầy rủi ro và không muốn mắc thêm sai lầm nào nữa”.

Sau cuộc gặp lần đầu với công ty tư vấn, bà quyết định kiểm soát tài khoản chặt chẽ hơn. “Ở độ tuổi 20, tôi bắt đầu đầu tư 50 USD ở mỗi kỳ lương vào quỹ 401 (k) và tôi gần như không thay đổi chiến lược đó trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 2014, sau khi đánh giá khoản tiền có thể đưa vào quỹ hưu trí, số tiền tăng lên 300 USD và tăng dần theo thời gian”.

Dành một phần ngân sách cho bản thân đầu tiên

Tháng 4/2018, bà bắt đầu lên kế hoạch trả nợ bằng cách lập ngân sách chi tiêu. Watson-Harkness đã liệt kê các hạng mục để phân bổ một phần tài khoản tiết kiệm sang quỹ khẩn cấp và tài khoản hưu trí.

“Mỗi tháng, mục tiêu của tôi là tiết kiệm ít nhất 800 USD cho tài khoản hưu trí. Để giúp bản thân luôn giữ kỷ luật, tôi thiết lập chế độ tiền gửi tự động vào tài khoản hưu trí hàng tháng. Với hệ thống này, tôi đã hình thành được thói quen tiết kiệm vì tôi biết khoản tiền đó đã được mang đi đầu tư trước khi nó tới tay tôi. Bây giờ mỗi khi tôi nhận được tiền hoàn thuế hay thu nhập thêm, bên cạnh khoản 800 USD, mọi số tiền dư ra sẽ tiếp tục được chuyển vào tài khoản hưu trí của tôi”.

Bà Watson-Harkness đặt mục tiêu trả nợ được ít nhất 1.000 USD mỗi tháng. Trước đây, cứ tháng nào cảm thấy không thể đủ tiền trang trải cho cả việc trả nợ và tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu, bà lại giảm khoản tiền gửi vào tài khoản hưu trí để ưu tiên trả nợ.

“Dần dần tôi học được cách thiết lập ngân sách cho mỗi tháng và điều chỉnh giảm các khoản chi tiêu để vừa có thể xây dựng tài sản vừa trả nợ cùng lúc”.

Đầu tư nhất quán và dài hạn

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Watson-Harkness đưa ra một số quyết định để giảm bớt sự hoang mang về các khoản đầu tư của bản thân. Bà quyết định đầu tư đều đặn 50 USD mỗi tháng vào quỹ Roth IRA. Có thời điểm, tất cả khoản đầu tư của bà giảm 30.000 USD.

“Dựa trên kinh nghiệm trước đó của tôi với thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2008, tôi biết dù chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy biến động, song đây lại là thời điểm tốt nhất để giữ tiền trên thị trường chứng khoán vì cuối cùng nó cũng sẽ phục hồi”.

Khi đó, bà đã đầu tư vào tài khoản hưu trí được vài năm và giá trị danh mục đầu tư của bà bị giảm đáng kể tính tới tháng 4/2020. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục đầu tư và đã lấy lại được những gì đã mất và hoàn vốn. “Tôi đã học được rằng nếu có tâm lý đầu tư dài hạn, bạn có thể đứng vững trong lúc thị trường sụp đổ”.

Luôn cập nhật và cởi mở để học hỏi những điều mới

Sau cuộc gặp đầu tiên với công ty tư vấn tài chính, bà Watson-Harkness muốn học hỏi nhiều hơn nữa. Bà tiếp tục tới gặp nhân viên tư vấn thêm nhiều lần nữa để học cách đầu tư với các quỹ tương hỗ và trái phiếu đồng niên.

“Tôi bắt đầu theo dõi các nguồn tin tức về tài chính như CNBC và Morningstar để xem liệu thị trường chứng khoán mỗi ngày có thay đổi lớn gì. Tôi cũng bắt đầu theo dõi các chuyên gia tài chính cá nhân khác như Suze Orman và Tiffany Aliche. Tôi rất ngưỡng mộ câu chuyện cũng như được truyền cảm hứng bởi những lời khuyên của họ dành cho các nhà đầu tư nữ”.

Kể từ cuối năm 2014, mỗi quý bà đều đọc kỹ thông báo về tài khoản hưu trí của mình để đánh giá hoạt động của các khoản đầu tư. Việc này giúp bà liên tục cập nhật được thị trường cũng như đưa ra được lựa chọn sáng suốt giữa việc giữ nguyên cách phân bổ tài sản hiện nay hay tìm các quỹ tương hỗ hoạt động tốt khác để đầu tư.

“Nói chung, tôi cảm thấy đầu tư mà có sự hiểu biết về thị trường chứng khoán sẽ giúp bản thân mình tự tin hơn trong các quyết định liên quan tới tài chính”.

Bà Watson-Harkness cho biết: “Tôi thường nói với khách hàng của mình rằng việc bạn đang ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn tin rằng bạn có thể xây dựng được một khối tài sản bền vững. Bằng cách đi những bước nhỏ và kiên trì đầu tư ở mức tối thiểu mỗi tháng, bạn có thể hình thành được thói quen tiết kiệm để xây dựng tài sản và tạo ra di sản tài chính cho gia đình mình”.

Thạch Lam

Cùng chuyên mục
XEM