Bí mật về công ty Trung Quốc chưa tạo ra nổi 1 chiếc xe điện đã trị giá gần 4 tỷ USD, 'đạo nhái' trắng trợn khiến Tesla cũng lo sợ
Xpeng có tốc độ sản xuất xe điện nhanh gấp đôi Tesla và từng khiến Tesla phải tức tốc xây nhà máy ở Trung Quốc để tăng tính cạnh tranh.
Nhà sản xuất ô tô điện Xpeng được thành lập vào tháng 8 năm 2014 bởi He Xiaopeng. Trước khi thành lập Xpeng, He là một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực IT ở Trung Quốc. Ông là người đồng sáng lập trình duyệt web di động UC Browser. Sau khi startup công nghệ này được Alibaba mua lại, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch công ty kinh doanh điện thoại di động của tập đoàn.
Xpeng có trụ sở chính tại Quảng Châu và văn phòng tại Mountain View (California). Nhóm điều hành cấp cao bao gồm các cựu nhân viên của Guangzhou Auto - nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc, Ford, BMW và Tesla.
Ngoài ra, Xpeng còn chiêu mộ nhân viên từ nhiều gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng như Xiaomi, Tencent, Samsung và Huawei để tăng tính cạnh tranh trong các công nghệ xe hơi thông minh.
He Xiaopeng từng công khai tuyên bố là một "fan cứng" của Tesla và Xpeng được thành lập nhờ lấy cảm hứng từ gã khổng lồ xe điện của Mỹ.
Năm 2014, Elon Musk đã công khai hơn 200 bằng sáng chế của Tesla cho công chúng tham khảo. "Một trong những lý do Xpeng ra đời là vì CEO Tesla công bố các bằng sáng chế. Đó là điều rất tuyệt vời. Tesla đã tác động rất lớn đến tôi. Sẽ có những người chơi mới mang lại cho ngành công nghiệp xe hơi, như cách Applem Xiaomi và Huawei đã làm với ngành công nghiệp điện thoại di động", He cho biết.
Chưa dừng lại ở việc nghiên cứu bằng sáng chế của Tesla, He còn để nhân viên rã xác nhiều chiếc Tesla để hỗ trợ việc phát triển sản phẩm.
Năm 2018, Xpeng huy động được tổng số vốn đầu tư trị giá 600 triệu USD từ Alibaba và nhiều nhà đầu tư khác, qua đó được định giá gần 4 tỷ USD.
Xpeng nằm trong số những hãng xe điện phát triển bùng nổ nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Một showroom của Xpeng (Ảnh: Internet).
Cũng trong năm đó, dù chưa mở bán chính thức nhưng Xpeng đã vượt mặt Tesla, chinh phục thị trường nội địa Trung Quốc. Họ đã nhận được 6.000 đơn đặt hàng và thông báo sẽ giao ít nhất 1.000 chiếc cho khách hàng vào cuối năm 2018.
Có một điều khá thú vị là năm 2018, Xpeng còn chưa xuất xưởng bất kỳ chiếc xe nào, chưa sở hữu nhà máy và cũng chưa có giấy phép sản xuất, mà đã được định giá lên tới gần 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cái mà Xpeng sở hữu là sự hậu thuẫn về vốn của những gã khổng lồ công nghệ có "máu mặt" như Alibaba, Foxconn và Xiaomi.
Thành tích của Xpeng cùng các nhà sản xuất xe điện nội địa Trung Quốc đã khiến Tesla – ông hoàng của làng xe điện, đứng ngồi không yên. Hãng đã quyết định xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải vào năm đó để giảm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển cũng như giảm giá thành sản phẩm.
Tháng 11/2019, Xpeng hoàn thành vòng gọi vốn Series C trị giá 400 triệu USD. Tháng 4 năm ngoái, hãng ra mắt P5 – dòng xe điện đầu tiên trên thế giới dùng lidar ở thời điểm đó. Các tính năng tự lái mới của P5 được công ty đưa ra để tạo khoảng cách với đối thủ trong thị trường ô tô siêu cạnh tranh ở Trung Quốc.
Ưu điểm của lidar là có thể xác định khoảng cách, kích thước, chuyển động của vật thể với độ chính xác cao ở khoảng cách ngắn. Đại diện của Xpeng cho biết hệ thống này có thể phân biệt giữa người đi bộ, người đi xe đạp, xe tay ga, chướng ngại vật tĩnh và công trình đường bộ, ngay cả trong đường hầm và khi lái xe vào ban đêm hay thời tiết không thuận lợi.
Hiện nay, hầu hết các hãng ô tô phát triển hệ thống tự lái đều có dự định sử dụng lidar kết hợp với các loại cảm biến khác nhưng do giá còn cao nên chưa có mẫu xe thương mại nào dùng lidar ngoại trừ mẫu xe của Xpeng.
Trước đó, Elon Musk từng cho rằng công nghệ này là một sự lãng phí tiền bạc. Chính vì vậy, Tesla chỉ sử dụng camera, radar và một số loại cảm biến khác.
Một tính năng đáng chú ý khác của P5 là khả năng thay đổi không gian nội thất. Chủ xe có thể chọn chức năng giúp biến nơi này thành phòng chờ với màn hình chiếu phim hay khoảng để ngủ.
Tháng 10/2021, Xpeng cho biết họ đã sản xuất được 100.000 chiếc xe sau 6 năm thành lập. Trong khi đó, Tesla phải mất tới 12 năm để sản xuất số lượng xe tương tự. Như vậy, có thể nói, nhờ lợi thế người đi sau, Xpeng có thể thể sản xuất xe điện với tốc độ nhanh gấp đôi Tesla.
Một thông tin khác, trong khi Tesla mất tới gần 6 năm (từ 2003 – 2008) để ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên Roadster, Xpeng chỉ mất 3 năm để xuất xưởng chiếc xe đầu tiên - mẫu G3 được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với Model 3 của Tesla.
Theo thống kê của Forbes, tháng 12 năm ngoái, Xpeng đã giao 16.000 xe, tăng 181% so với một năm trước đó. Trong một tuyên bố, công ty cho biết số lượng giao hàng trong quý IV/2021 của họ đạt 41.751 chiếc, tăng 222% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2021, Xpeng đã xuất xưởng 98.155 chiếc xe điện, tăng 263% so với năm 2020.
Nhờ làm ăn tốt, Xpeng hiện có 2 tỷ phú đô la là CEO He Xiaopeng với khối tài sản trị giá 8,7 tỷ USD và nhà đồng sáng lập Xia Heng với khối tài sản 1,5 tỷ USD.
Các nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đã có một năm tăng trưởng mạnh tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện.
Mới đây, tờ Nikeei cho biết lượng tiêu thụ xe điện của nước này đã tăng tới 160%, chạm mức kỷ lục 2,9 triệu xe trong năm 2021.
Hiện nay, những hãng xe điện như Xpeng không chỉ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống mà còn với các công ty công nghệ khác có tham vọng lấn sân sang mảng này.
Năm ngoái, gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc - Baidu đã hợp tác với Geely để thành lập công ty sản xuất ô tô điện độc lập, trong khi ông lớn smartphone Xiaomi cũng công bố kế hoạch kinh doanh xe điện.
Nguồn: CNBC, Forbes