Bí mật thị trường ít người Việt biết đằng sau cái cúi đầu chào trong mưa và bán xăng chính xác đến 0,01 lít của người Nhật

12/10/2017 08:47 AM | Kinh tế vĩ mô

Business Monitor International (BMI) từng đưa ra ước tính tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 4,7% trong 5 năm tới, cao hơn nhiều so với thế giới, theo dự báo là 1,3%.

Trong làn mưa lất phất một chiều đầu thu tháng 10, người đàn ông trong bộ trang phục sơ mi công sở, 1 tay cầm ô, cúi gập người chào từng người khách đi xe máy vào mua xăng. Ông là Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 - đơn vị vừa khai trương trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội. Idemitsu Q8 là liên doanh giữa đại gia xăng dầu Nhật Bản Idenmitsu Kosan và Kuwait International Petroleum. Hình ảnh của vị giám đốc nhanh chóng được chia sẻ như làn gió mới thổi vào ngành xăng dầu có lẽ được xem là độc quyền, cũ kỹ và bảo thủ.

Sân chơi bắt đầu mở cửa?

Idemitsu Q8 là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam vốn chỉ góp mặt bởi các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên cũng phải nói thêm khi ký Hiệp định thương mại tự do WTO năm 2006, Việt Nam đã giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu, không mở cửa thị trường. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất, nhập khẩu xăng dầu. 

Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sẽ không được tự động tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Các cam kết về quyền kinh doanh sẽ không ảnh hưởng đến quyền của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định cụ thể để quản lý dịch vụ phân phối, đặc biệt là xăng dầu. 

Tuy cam kết như vậy nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những ngoại lệ về mở cửa thị trường phân phối với các nhà đầu tư tại các dự án lọc dầu. Và hai đối tác góp 50-50% vốn trong liên doanh Idemitsu Q8 đồng thời cũng là hai đối tác lớn tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa. 

Theo số liệu thống kê, hiện trên cả nước có 14.000 trạm xăng dầu chủ yếu do các đại lý sở hữu (hình thức DODO) trong khi 5 đối thủ lớn nhất (Petrolimex, PV Oil, Thalexim, Saigon Petrol, Mipeccorp) chỉ sở hữu 3.000 trạm (20%). Đây cũng là ngành có tính tập trung cao khi Petrolimex và PV Oil chiếm tổng 70% thị phần.

Tuy nhiên theo số liệu của Globalpetrolprices tháng 8/2016 cho thấy mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người Việt Nam là 0,21 lít/ngày, chỉ bằng 67% mức tiêu thụ của các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia, và chưa đến 20% mức tiêu thụ của Malaysia.

Trong khi đó theo dự báo trong giai đoạn 2016-2020, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tại Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 9,5% trong khi đường hàng không và đường thủy nội địa sẽ tăng lần lượt 8,3% và 7,8%.

Việc Chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu. Giao thông vận tải đường bộ là trụ cột kích thích tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu, với mức tăng trưởng kép hàng năm 15 năm qua đạt 7,3%.

Hãng nghiên cứu Business Monitor International (BMI) từng đưa ra ước tính tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 4,7% trong 5 năm tới, cao hơn nhiều so với thế giới, theo dự báo là 1,3%. Nếu theo mức tính này, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ gấp 3,6 lần so với thế giới.

Bí mật thị trường ít người Việt biết đằng sau cái cúi đầu chào trong mưa và bán xăng chính xác đến 0,01 lít của người Nhật - Ảnh 1.

Có thể nói tiềm năng tiêu thụ tăng trưởng rất lớn, giá thấp hơn bình quân 11% so với mức trung bình các nước ASEAN nên xăng dầu có thể xem là sân chơi thèm khát của nhiều ông lớn ngoại đầu tư vào Việt Nam.

Và việc gia nhập thị trường Idemitsu Q8 có thể xem là một động thái cho việc mở cửa thị trường, giảm tình trạng độc quyền của Petrolimex. Năm 2009, Chính phủ đưa ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về khung pháp lý cho ngành, cho phép các thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường.

Ngoài ra, nghị định này còn kích thích cạnh tranh trên thị trường xăng dầu bằng cách cho phép thương nhân phân phối mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối khác nhau, thay vì chỉ một thương nhân đầu mối như trước đây. Vì vậy, thương nhân phân phối có thể lựa chọn nhà nhập khẩu xăng dầu với mức giá hấp dẫn nhất để tối đa hóa lợi nhuận. Với việc nới lỏng các quy định về kinh doanh xăng dầu, số thương nhân đầu mối tăng liên tục trong 5 năm qua.

Làn gió mới từ người Nhật

Tuy nhiên ít người biết được rằng người Nhật đã hiện diện trong ngành xăng dầu Việt Nam từ cách đây 3 năm. Năm 2014, tập đoàn Petrolimex xếp việc ký kêt biên bản ghi nhớ (MOU) với nhà đầu tư chiến lược- JX Nippon Oil & Energy (JX NOE) vào một trong dấu mốc lớn trong lịch sử 60 năm phát triển của mình.

Do lợi nhuận bán lẻ bị cơ quan quản lý ấn định mức lợi nhuận hiện tại khoảng 300 đồng/lít nên để tăng hiệu quả kinh doanh Petrolimex chỉ có 2 cách. Theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn này thứ 1 là phải quản trị tốt, cắt giảm chi phí đầu vào; thứ 2 là tạo ra dịch vụ gia tăng đi kèm hoạt động chính.

Sau 2 năm tìm hiểu, đai gia nắm 50% thị phần xăng dầu Nhật Bản quyết định mua 8% cổ phần của Petrolimex và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Người Nhật đem đến cho Petrolimex 2 thứ kể trên: Quản trị và dịch vụ gia tăng đi kèm.

Với việc triển khai Kaizen office, áp dụng lập kế hoạch 3 năm thay vì 5 năm như trước đây, cuộc họp hội đồng quản tị tại Petrolimex chuyển từ hàng quý sang hàng tháng, công tác quản trị của tập đoàn này cải thiện đáng kể. Ngoài ra JX NOE có đủ kinh nghiệm để để tư vấn Petrolimex trong lên kế hoạch chiến lược và kiểm soát chi phí. Theo PLX, JX NOE đã được tư vấn về tuyến đường vận tải xăng dầu và cải thiện kỹ thuật logistics nhằm cắt giảm chi phí.

Với lợi thế sở hữu 2.400 trạm xăng Petrolimex (so với hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất hiện nay cũng chỉ có 850 cửa hàng) có tiềm năng tăng trưởng nhờ mô hình trạm xăng dầu kèm theo các dịch vụ tích hợp, đặc biệt là với sự tư vấn của nhà đầu tư chiến lược JX NOE. Tập đoàn này còn dự kiến doanh thu trong dài hạn sẽ bao gồm 50% từ kinh doanh xăng dầu và 50% còn lại từ các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu. Ngoài ra việc tích hợp cửa hàng bán lẻ tiện lợi, với biên lợi nhuận ở mức trên 25% cao hơn so với kinh doanh xăng dầu.

Sau cú bắt tay với JX NOE, nhiều điểm bán xăng của Petrolimex có thêm sự hiện diện của chuỗi cửa hàng Family Mart, một mảng hoạt động mà JX Nippon có nhiều kinh nghiệm phát triển tại Nhật Bản.

Cũng phải nói thêm tại Nhật, JX NOE đã phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu gồm 11.000 trạm xăng với bề dày kinh nghiệm 120 năm. Phần lớn trạm xăng dầu của JX NOE mang thương hiệu ENEOS, với một số dịch vụ đi kèm như thay nhớt, rửa xe ô-tô, và các dịch vụ làm sạch. Ngoài ra, từ năm 2006, JX NOE còn phát triển thương hiệu Dr. Drive, chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật xe ô-tô.

Bí mật thị trường ít người Việt biết đằng sau cái cúi đầu chào trong mưa và bán xăng chính xác đến 0,01 lít của người Nhật - Ảnh 2.

Quay trở lại với trạm xăng đầu tiên của Idemitsu Q8, không chỉ vị tổng giám đốc gập người cúi chào khách hàng. Thậm chí khi vào đổ xăng, xe ô tô của khách hàng được lau kính và lau gương hoàn toàn miễn phí. Đây là điều chưa từng có tại các trạm xăng dầu khác ở Việt Nam. Việc các đại gia Nhật tham gia cuộc chơi xăng dầu dù sẽ khiến thêm phần cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt nhưng đổi lại người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi nhất.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM