Bí mật lăng mộ Tần Thùy Hoàng: Có lời nguyền liên quan đến việc đoạt mạng Hạng Võ

21/06/2019 21:16 PM | Sống

Với các giai thoại ly kỳ và rùng rợn xoay quay nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng có nhiều lý giải khác nhau. Song sự thật liệu có giống như những gì người đời thường tưởng tượng?

Năm 246 TCN, Tần Thủy Hoàng bắt đầu tiến hành xây dựng nơi an nghỉ dành cho mình. Trải qua hơn 38 năm ròng rã, lăng mộ của ông mới hoàn thiện và được xem như một lăng tẩm đế vương có quy mô lớn nhất, kết cấu kỳ lạ nhất đồng thời cũng sở hữu nội hàm phong phú nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Thế nhưng cho tới ngày nay, nơi đây vẫn là một địa danh chưa được hậu thế khám phá toàn bộ vì nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy mà xung quanh nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng vẫn tồn tại nhiều nghi án chưa có lời giải đáp, và 3 giai thoại ly kỳ, rùng rợn dưới đây cũng nằm trong số đó.

Kho báu bên trong lăng Tần Thủy Hoàng: Đâu chỉ có mỗi quốc khố Đại Tần!

 Bí mật lăng mộ Tần Thùy Hoàng: Có lời nguyền liên quan đến việc đoạt mạng Hạng Võ - Ảnh 1.

Kho báu bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn là một trong những điều được hậu thế quan tâm khi nhắc tới công trình kiến trúc bí ẩn này. (Tranh minh họa).


Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngày nay nằm ở phía bắc núi Ly Sơn, thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Cho tới hiện tại, công trình kiến trúc này vẫn chưa được khai quật hoàn toàn. Các cuộc thám hiểm khảo cổ hiện tại mới chỉ tập trung vào các địa điểm khác của nghĩa địa rộng lớn bao quanh lăng mộ, bao gồm cả một số đường hầm binh mã.

Tuy nhiên thông qua sự trợ giúp các công nghệ hiện đại, giới khảo cổ không chỉ nắm được kết cấu cá công trình dưới lòng đất của lăng mộ mà còn phát hiện ra nơi đây có chôn cất một số lượng tiền tệ khổng lồ, trong đó đa số là tiền đồng.

Phát hiện này không chỉ khiến cho các chuyên gia ngạc nhiên mà còn làm hậu thế chấn động. Đa số các ý kiến đều cho rằng, số tiền khổng lồ kia rất có thể là quốc khố của Tần triều khi đó, bởi lời đồn đại về việc Tần Thủy Hoàng được mai táng chung với quốc khố vốn đã được lưu truyền từ nhiều đời.

Thế nhưng hết thảy mọi suy đoán của người đời về số kho báu khổng lồ nằm dưới lòng đất ở nơi đây vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết. Bởi lăng mộ Tần Thủy Hoàng vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn chưa được khai quật toàn bộ.

Thậm chí ngay cả khi không chôn theo quốc khố Tần triều, thì bản thân khu lăng mộ này đã được xem là một nơi cất giữ kho báu.

Các học giả hiện đại tin rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng rất có thể đã lưu giữ nhiều bảo vật thất truyền, mà tiêu biểu phải kể tới 12 tượng kim nhân được đúc từ các loại binh khí trong thiên hạ, bảo kiếm trấn quốc mang tên Thái A hay ngọc Tùy Hầu nổi tiếng sánh ngang với ngọc Hòa Thị Bích…

Giai thoại về "tòa tháp yêu ma 9 tầng" ẩn bên trong với kết cấu lăng Tần Thủy Hoàng

 Bí mật lăng mộ Tần Thùy Hoàng: Có lời nguyền liên quan đến việc đoạt mạng Hạng Võ - Ảnh 2.

Kết cấu kim tự tháp 9 tầng của lăng Tần Thủy Hoàng được cho là ẩn giấu nhiều bí mật ly kỳ, rùng rợn. (Tranh minh họa).


Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xem là lăng tẩm đế vương sở hữu kết cấu hết sức kỳ lạ với hình dạng gần giống như một kim tự tháp.

Thế nhưng khác với kết cấu bậc thang 3 tầng của các công trình kim tự tháp thông thường khác, lăng Tần Thủy Hoàng có tới 9 tầng với quy mô được đánh giá là còn lớn hơn cả Kim tự tháp Khufu của nền văn minh Ai Cập.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, kết cấu 9 tầng này lại vô tình trùng khớp với những "yêu tháp 9 tầng", mà mỗi tầng đều có yêu ma quỷ quái thường được nhắc tới trong các giai thoại Trung Hoa cổ đại.

Cũng bởi lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho tới ngày nay vẫn chưa được khám phá hết, hơn nữa lại từng xuất hiện nhiều lời đồn đoán ly kỳ và rùng rợn, cho nên giai thoại về tòa tháp yêu ma 9 tầng ở nơi đây vẫn thường là một trong những chủ đề bàn tán của hậu thế.

Những sự trùng hợp đến kỳ lạ xung quanh nghi án "lời nguyền" tượng binh mã đoạt mạng Hạng Vũ

 Bí mật lăng mộ Tần Thùy Hoàng: Có lời nguyền liên quan đến việc đoạt mạng Hạng Võ - Ảnh 3.

Cho tới ngày nay, không ít người vẫn tin rằng "lời nguyền" tượng binh mã là có thật. Và đội quân đất nung vẫn luôn bảo vệ cho lăng mộ của Thủy Hoàng khỏi sự xâm phạm của những kẻ có ý đồ bất chính. (Ảnh minh họa).


Theo ghi chép của "Tam phụ cố sự", năm xưa sau khi nhập quan, Hạng Vũ đã dẫn theo 300 ngàn người tới đào bới lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Tương truyền rằng trong lúc đạo mộ, nhóm người này đột nhiên nhìn thấy một con chim nhạn bằng vàng vụt ra ngoài, cứ hướng về phía nam mà bay mất.

Người thời bấy giờ đã xem đây là một điềm báo, thậm chí có người còn cho rằng đó là lời cảnh cáo cho việc Hạng Vũ đem người tới quấy phá giấc ngủ của Hoàng đế.

Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện Tây Sở Bá vương đạo mộ Tần Thủy Hoàng sau đó còn phát sinh thêm một sự kiện trùng hợp tới khó tin.

Năm xưa khi thiên hạ đại loạn vào cuối thời nhà Tần, đoàn quân tinh nhuệ của Tần triều vốn là nguyên mẫu cho đội quân đất nung đã đột nhiên biến mất.

Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, tung tích hiếm hoi của đội quân này lại vô tình được tìm thấy trong các giai thoại dã sử về cái chết của Tây Sở Bá vương.

Năm xưa tại cuộc chiến quyết định giữa Hán – Sở ở Cai Hạ, trong số 60 vạn quân Hán thì có 5 nhân vật đã may mắn được phong tước hầu nhờ một chiến công không lấy gì làm vẻ vang. Và họ đều đã tham gia xâu xé thi thể của Hạng Vũ bên bờ Ô Giang để dâng được 5 mảnh xác lên cho Lưu Bang.

Tuy nhiên điều trùng hợp lại nằm ở chỗ, cả 5 người này đều xuất thân là người nước Tần, đều đến từ Quan Trung và đều là những binh lính cũ trong đội quân Tần triều ở kinh sư. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng là một trong số các nguyên mẫu của những bức tượng binh mã trong mộ Tần Thủy Hoàng năm nào.

Chính sự trùng hợp đến kỳ lạ ấy đã khiến người thời bấy giờ không khỏi hoài nghi rằng, phải chăng sự thất bại của Tây Sở Bá vương phần nào bắt nguồn từ việc ông đã xâm phạm nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng, và việc thi thể ông bị 5 kẻ kia phanh thây có khi nào cũng là sự trả thù đến từ "lời nguyền" của đội quân đất nung?

Cho tới ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi cất giấu nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Hoa. Và có lẽ chỉ tới khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được lời giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn ấy…

*Dịch từ các báo nước ngoài

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM