Bí mật đội quân tin tặc của Triều Tiên: Phần 2- Chuyện đời một hacker bỏ trốn

07/12/2018 08:33 AM | Xã hội

"Những chuyên gia hàng đầu ư? Không đời nào. Chúng tôi chỉ là những lao động nghèo bị trả lương thấp mà thôi… Chính phủ sẽ yêu cầu bạn làm bất cứ điều gì để kiếm tiền, thậm chí là phải ăn cắp", anh Jong nhớ lại đầy đau xót thời kỳ còn là một hacker của Triều Tiên.

Sự khởi đầu của một "chiến binh" mạng

Anh Jong là một trong số những tin tặc được gửi lần đầu sang các quốc gia khác dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Sinh ra tại Bình Nhưỡng vào đầu thập niên 1980 và thuộc một gia đình có truyền thống cách mạng. Khi còn bé, anh Jong thích sinh học và ước mơ trở thành bác sĩ. Dù gia đình anh ủng hộ nhưng chính quyền cho biết anh phải theo học ngành máy tính dựa trên kết quả điểm số.

Đến cuối thập niên 1990, anh Jong được chọn làm du học sinh sang học công nghệ thông tin ở Trung Quốc. Đây là thời kỳ anh Jong biết được những thứ hoàn toàn mới so với nhận thức của mình trước đây. Anh Jong có thể đi uống rượu, khiêu vũ, cắm trại với những người bạn học Trung Quốc, điều không thể có trước đây ở Triều Tiên. Điều quan trọng là anh có thể truy cập Internet tự do.

"Tôi cảm thấy như một chú ngựa hoang được tháo dây cương trên đồng cỏ", anh Jong nhớ lại.

Bí mật đội quân tin tặc của Triều Tiên: Phần 2- Chuyện đời một hacker bỏ trốn - Ảnh 1.

Vào kỳ nghỉ giữa kỳ, anh Jong trở về Triều Tiên, tìm gặp những người bạn khá giả của mình, những người sở hữu máy tính cá nhân, để cùng chơi các trò chơi điện tử của Mỹ hay xem phim DVD của Hàn Quốc. Tất nhiên cuối cùng những thứ này cũng bị chính quyền tịch thu trong các đợt truy quét văn hóa phẩm bị cấm.

Tốt nghiệp tại Trung Quốc, anh Jong trở về Triều Tiên để học lấy bằng thạc sĩ và làm việc cho một cơ quan chính phủ. Tuy vậy trước khi kịp hòa nhập với công việc mới, anh Jong được thông báo sẽ được cử sang Trung Quốc để "nghiên cứu phần mềm" đem lợi ích về cho tổ quốc, nhưng anh Jong thừa hiểu ý nghĩa của mệnh lệnh này. Nói đơn giản, anh được Triều Tiên cử đi kiếm tiền về cho đất nước.

Sau đó, anh Jong vượt biên sang Trung Quốc để đến thành phố được chỉ định. Ngôi nhà mà anh ở thuộc về một đại gia Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên. Một nhóm những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Triều Tiên tụ tập tại đây, ngủ trên những tấm đệm ở gác xép. Máy tính và những thiết bị cũ kỹ rải đầy khắp phòng còn ảnh chân dung của nhà lãnh đạo Kim Jong Il lẫn Kim Jong Un được treo trên tường.

Ban đầu anh Jong không có máy tính và phải thuê máy từ một người trong nhóm. Sự nghiệp kiếm tiền cho tổ quốc của anh khởi đầu bằng việc sửa những phần mềm dùng thử phổ biến như trò chơi hay chương trình diệt virus để người dùng có thể sử dụng miễn phí, sau đó bán chúng trên mạng.

Phần lớn danh tiếng sản phẩm của nhóm tin tặc này lan truyền qua cộng động mạng hay những người trong giới, đa phần là người Trung Quốc hay Hàn Quốc. Nhờ có lượng tin tặc giá rẻ mà rất nhiều đơn hàng từ cá nhân, tổ chức liên hệ những nhóm này để đặt yêu cầu.

Mỗi nhóm tin tặc sẽ có một tổ trưởng, không thành thạo về công nghệ nhưng đây sẽ là người chịu trách nhiệm sắp xếp các giao dịch cũng như thu tiền và đặc biệt là phải tuyệt đối trung thành. Ngoài ra một nhân viên cảnh sát Triều Tiên sẽ mặc thường phục chịu trách nhiệm an ninh cho cả nhóm.

Để có thể kiếm tiền cho tổ quốc, nhóm tin tặc không từ chối bất kỳ phi vụ nào, kể cả phạm pháp. Từ việc biên soạn lại mã code, can thiệp vào phần mềm hay tạo những lỗ hổng an ninh theo yêu cầu của khách hàng. Anh Jong cho biết nhóm tin tặc thường phải chạy đua với nhà sản xuất các phần mềm bởi họ phải xây dựng xong những bản hack, những chương trình phá khóa… để bán cho khách hàng trước khi chuyên gia an ninh mạng vá lỗ hổng đó.

Bí mật đội quân tin tặc của Triều Tiên: Phần 2- Chuyện đời một hacker bỏ trốn - Ảnh 2.

Bản thân anh Jong nhờ có kiến thức chuyên môn tốt nên nhanh chóng kiếm được nhiều tiền và được coi là một trong những thành viên chủ chốt của đội tin tặc Triều Tiên. Khi các đơn hàng ít đi, anh Jong và các đồng sự sẽ cố gắng hack các trang cá độ trực tuyến, ăn cắp thông tin của những người chơi như loại bài họ đang nắm trong tay để bán cho người chơi khác.

Nhóm này cũng xây dựng những phần mềm tự động thu thập đồ trong các trò chơi trực tuyến, hoặc hỗ trợ lên cấp cho nhân vật để đổi lấy tiền.

Tất nhiên do mang danh tiếng sang Trung Quốc nghiên cứu phần mềm cho Triều Tiên nên anh Jong sẽ phải lập nên những phần mềm giả tạo, sau đó gửi về cho Triều Tiên để chứng minh rằng mình đang "nghiên cứu" thực sự. Tất nhiên trên thực tế công việc và điều kiện làm việc của họ chẳng đáng tự hào mấy.

"Những chuyên gia hàng đầu ư? Không đời nào. Chúng tôi chỉ là những lao động nghèo bị trả lương thấp mà thôi… Chính phủ sẽ yêu cầu bạn làm bất cứ điều gì để kiếm tiền, thậm chí là phải ăn cắp", anh Jong nhớ lại đầy đau xót.

Hầu hết những nhóm tin tặc trên đều có chỉ tiêu nhằm buộc họ hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không đạt tiêu chuẩn tối thiểu, họ sẽ bị gửi trả về nước. Tệ hơn, những người có ý định ăn cắp tiền, giấu lợi nhuận hay làm việc không chăm chỉ sẽ bị cho là phản bội để rồi bị gửi đến những trại lao động khổ sai.

Vào ngày thứ 7, mọi người sẽ tập trung lại tầm 2 tiếng, đôi khi có cả sự tham dự của một số quan chức khách mời, nhằm thảo luận đường lối tư tưởng của nhà lãnh đạo Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong Il cũng như bất kỳ quan điểm mới nào của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Bất kể chương trình thảo luận là gì, mục tiêu chính của những buổi họp như thế này là nhằm đảm bảo sự trung thành của những lao động kỹ thuật cao giá rẻ và tiếp tục kiếm tiền về cho tổ quốc. Anh Jong cho biết bình quân mỗi năm anh kiếm được khoảng 100.000 USD về cho đất nước.

Nhờ kiếm tiền tốt mà anh và những đồng sự được đánh giá cao cũng như được đối đãi tốt hơn trong cuộc sống. Họ được lắp điều hòa trong phòng cũng như được phép đi sang nhà hàng xóm chơi. Ngoài ra nhóm của anh Jong còn được cho phép chơi điện tử, đi xem ca nhạc vào buổi tối hay chơi thể thao vào thứ 7. Mỗi năm 2 lần, các nhóm tin tặc trên khắp Trung Quốc sẽ tụ hội để ăn mừng ngày sinh nhật Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

Bí mật đội quân tin tặc của Triều Tiên: Phần 2- Chuyện đời một hacker bỏ trốn - Ảnh 3.

Trốn chạy

Do khả năng kiếm tiền tốt nên anh Jong được phép tiếp xúc với nhiều nhóm tin tặc Triều Tiên khác để rồi nhận ra không phải ai cũng may mắn. Mỗi nhóm được cử riêng biệt sang nước ngoài với tầm hoạt động và mục tiêu được định sẵn bởi Cục 91. Mục đích để những nhóm tin tặc này gặp nhau là để trao đổi thông tin, phụ kiện hay những thứ cần thiết cho việc kiếm tiền và nhiều nhóm sống khá cực khổ do không có nhiều đơn hàng.

Vào một ngày hè, anh Jong được đến thăm một nhóm tin tặc tại Đông Bắc thành phố Yanji. Điều kiện sống của nhóm này rất tồi tàn và nhiều người trong nhóm thậm chí đói ăn do không có đơn hàng để họ kiếm tiền. Thậm chí anh Jong còn nghe được nhiều câu chuyện thương tâm hơn khi tin tặc bị đánh đập hay không được chữa trị khi ốm do không hoàn thành chỉ tiêu.

Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đến lúc anh Jong mắc sai lầm. Dù không mô tả chi tiết nhưng anh Jong cho biết mình đã kịp trốn chạy trước khi bị bắt tra tấn hay đầy về các trại lao động khổ sai trong nước.

Suốt 2 năm sau đó, anh Jong lang thang ở miền Nam Trung Quốc, kiếm tiền bằng kỹ năng tin tặc của mình, ngủ ở nhà nghỉ và hưởng thụ sự tự do mà mình từng mơ tới. Cuối cùng khi đến Thẩm Quyến và kiếm được gần 3.000 USD sau một phi vụ để rồi nhanh chóng tiêu hết, anh Jong nhận ra mình đã tận hưởng cuộc sống đủ và cảm thấy mệt mỏi khi phải trốn chạy.

Trở về Triều Tiên là không thể khi việc trốn chạy tương đương án tử. Anh Jong mua một hộ chiếu Trung Quốc giả với giá 10.000 Nhân dân tệ (1.600 USD) để du lịch tới Bangkok, rồi gõ cửa đại sứ quán Hàn Quốc. Anh đã phải ở lại đó 1 tháng để kiểm tra lý lịch trước khi được đưa về thủ đô Seoul.

Ngoài anh Jong, hãng tin Bloomberg còn phỏng vấn 2 người khác và đều khẳng định tính chân thực của câu chuyện. Tuy nhiên 2 người này có nhiệm vụ khác anh Jong. Họ thuộc một nhóm lập trình được gửi sang Trung Quốc để phát triển và bán những ứng dụng điện thoại cho iPhone hay các smartphone hệ Android khác.

Với chứng minh thư giả, họ đăng dịch vụ lên website để rồi nhận các đơn hàng phát triển ứng dụng gọi taxi, mua sắm trực tuyến, nhận diện khuôn mặt hay bất cứ thứ gì miễn là có tiền. Tiêu chuẩn của nhóm này là nộp 5.000 USD/tháng. Với áp lực đó, nhóm phải làm việc 15 tiếng mỗi ngày với sức ép không kém gì nhóm của anh Jong.

Một trong 2 người này đã trốn thoát nhờ sự trợ giúp của khách hàng khi họ muốn gặp mặt trực tiếp. Người còn lại bỏ trốn và nhờ sự giúp đỡ của một người Hàn Quốc vốn chủ một cửa hàng tại Trung Quốc.

"Triều Tiên đạt được 2 mục đích 1 lúc khi đào tạo các tin tặc. Họ tăng cường được an ninh mạng đồng thời thu về ngoại tệ. Đối với các tin tặc, họ được sống tốt hơn so với điều kiện sống tại quê nhà", trưởng khoa an ninh mạng Lim Jong In của trường đại học Hàn Quốc (KU) tại Seoul và là cựu cố vấn cho tổng thống nói.

Bí mật đội quân tin tặc của Triều Tiên: Phần 2- Chuyện đời một hacker bỏ trốn - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM