Bí mật “đen tối” giữa lục địa xanh: Một tác nhân đang ngầm nung nóng trái đất khi châu Âu tiêu thụ "khí bẩn" từ Nga

03/11/2021 11:25 AM | Xã hội

Có một bí mật vẫn đang tồn tại giữa lục địa được cho là đạt đến kỷ nguyên hậu nhiên liệu hoá thạch.

Các chính trị gia châu Âu đang tham dự Hội nghị COP26 với tư cách là những người hùng khí hậu. Tuy nhiên, châu lục này đang phụ thuộc sâu sắc vào loại khí đốt siêu phát thải mê-tan.

Khí mê-tan đe doạ đến khí hậu

Các kỹ sư từ tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom PJSC, là những người chịu trách nhiệm duy trì liên tục nguồn cung khí đốt tự nhiên. Đôi khi, công việc của họ còn liên quan đến việc giải phóng lượng lớn khí mê-tan trên đường vận chuyển khí đốt từ lãnh nguyên Siberia đến châu Âu.

Ngày 4/6, các kỹ sư đã phát hiện vấn đề rò rỉ khí mê-tan nghiêm trọng trong khi bảo trì định kỳ đường ống. Trong sự cố này, Gazprom không vi phạm bất kỳ luật nào. Tuy nhiên, khí mê-tan có khả năng làm ấm hành tinh hơn nhiều so với carbon dioxide, nên lượng khí rò rỉ có khả năng giữ nhiệt lượng tương đương với lượng khí thải từ việc đốt 350.000 thùng dầu.

Cùng ngày xảy ra sự cố, Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) phụ trách Thoả thuận Xanh châu Âu Frans Timmermans nói về những chính sách xanh tham vọng nhất trên thế giới. Mục tiêu của châu Âu là trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên.

Tuy nhiên, công nhân Gazprom và các đường ống vẫn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các biện pháp khí hậu EU đặt ra. Trong nhiều thập kỷ, lục địa xanh đã phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga để cung cấp năng lượng cho lưới điện, cho các lò nung của nhà máy và sưởi ấm cho các ngôi nhà.

Quan hệ năng lượng Brussels-Moscow, được kết nối bởi hàng nghìn km đường ống, chịu trách nhiệm cho một trong những hoạt động vận chuyển nhiên liệu hóa thạch lớn nhất trên thế giới. Hoạt động này cũng đi kèm với lượng khí thải siêu lớn làm tăng nhiệt độ hành tinh.

Khí mê-tan nguy hiểm hơn nhiều trong hai thập kỷ đầu tồn tại. Trong khi đó, lượng khí thải năm 2020 của Gazprom vượt qua lượng khí thải carbon hàng năm của toàn bộ thành phố Paris hoặc của cả trung tâm công nghiệp Thiên Tân, Trung Quốc.

Lượng khí mê-tan nhân tạo mà Nga thải ra sẽ đe dọa đến các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Khí mê-tan tan nhanh hơn nhiều so với CO₂. Điều này đồng nghĩa với việc ngừng thải khí mê-tan có thể giúp làm chậm biến đổi khí hậu tốt hơn hầu hết mọi biện pháp đơn lẻ khác.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp dầu khí của Nga đã thải ra 12,9 triệu tấn khí mê-tan vào năm 2020. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai và xếp sau là quốc gia ở Trung Á - Turkmenistan.

 Bí mật “đen tối” giữa lục địa xanh: Một tác nhân đang ngầm nung nóng trái đất khi châu Âu tiêu thụ khí bẩn từ Nga  - Ảnh 1.

Nếu xếp nối tiếp nhau, các đường ống của Gazprom PJSC sẽ dài gấp 4 lần vòng quanh Trái Đất. Ảnh: Bloomberg

Giảm thải khí mê-tan

Giảm phát thải mê-tan từ cơ sở hạ tầng dầu khí là giải pháp khí hậu hiếm hoi không cần nghiên cứu và phát triển. IEA ước tính rằng thế giới có thể giảm khoảng 3/4 lượng khí mê-tan thải ra từ nhiên liệu hóa thạch nhờ công nghệ hiện tại. Các công ty khí đốt cũng đang chịu áp lực cắt giảm lượng khí thải từ sản phẩm của họ hoặc không họ sẽ bị mất khách hàng.

Nước Nga hiện đang thực hiện các bước để ngăn chặn và giảm lượng khí thải mê-tan. Nhưng việc giải quyết nhiều vụ rò rỉ lớn cũng sẽ đòi hỏi phải tu sửa cơ sở hạ tầng ở những nơi ít có động lực để đầu tư lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về khí đốt có khả năng giảm trong những thập kỷ tới.

Bất kỳ nhượng bộ về khí hậu nào từ Tổng thống Putin đều có khả năng đi kèm với những ràng buộc. Nga muốn một điều kiện trao đổi để tham gia ký kết hiệp ước mê-tan toàn cầu do EU và Mỹ thúc đẩy tại COP26. Điều kiện là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các khoản đầu tư xanh của Gazprom. Mỹ và EU đã áp đặt các hạn chế sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bộ Kinh tế Nga, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển luật nhằm cắt giảm lượng khí thải, chưa trả lời ngay lập tức vấn đề trên.

Gazprom có ​​nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh bỏ lại phía sau trong nỗ lực chứng minh khả năng cắt giảm lượng khí thải. Các nhà xuất khẩu khí đốt toàn cầu như Exxon Mobil Corp. và Royal Dutch Shell Plc, có cam kết đầy tham vọng rằng sẽ cắt giảm lượng khí thải trung bình từ việc chiết xuất và sản xuất nhiên liệu.

 Bí mật “đen tối” giữa lục địa xanh: Một tác nhân đang ngầm nung nóng trái đất khi châu Âu tiêu thụ khí bẩn từ Nga  - Ảnh 2.

Vệ tinh Sentinel-5P của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) được sử dụng để theo dõi ô nhiễm không khí. Ảnh: ESA/ATG Medialab

Khí mê-tan liệu có được chấp nhận như một nguyên nhân gây ô nhiễm?

Câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu là liệu có nên chấp nhận khí mê-tan là lý do gây ô nhiễm hay không. Trong một đề xuất với Ủy ban Liên minh châu Âu, tổ chức môi trường phi lợi nhuận Clean Air Task Force kêu gọi châu Âu cấm hoàn toàn việc rò rỉ khí thải. Như vậy, các công ty không thể tuyên bố rằng đó là sự cố không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, đối phó với khí thải từ khí đốt nhập khẩu là một thách thức lớn hơn rất nhiều. Các nhà hoạch định chính sách của EU hiện đang trong quá trình thực hiện đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu có nhiều khí thải trong quá trình sản xuất như thép và xi măng.

Hệ thống bắt đầu khởi động vào cuối thập kỷ này, nhưng các nhà hoạch định chính sách khó có khả năng áp dụng hình phạt tương tự đối với khí mê-tan, theo một quan chức EU. Thay vào đó, châu Âu đang xem xét một chương trình phân loại để phân biệt giữa các nhà cung cấp, những đơn vị mà có tính đến lượng khí nhà kính thải ra trên một đơn vị năng lượng được sản xuất.

Tuy nhiên, việc sử dụng vệ tinh để ước tính cường độ mê-tan của các nhà xuất khẩu khí đốt lớn là điều khó khăn. Lượng phát thải có thể khác nhau rất nhiều giữa các địa điểm sản xuất, ngay cả khi chúng được vận hành bởi cùng một công ty.

Khí mê-tan từ Nga lơ lửng như một đám mây trên các chính trị gia tiến bộ của châu Âu. Tất cả những nỗ lực của họ nhằm cắt giảm lượng khí thải của lục địa sẽ bị thất bại nếu các nhà cung cấp khí đốt của khối không tuân theo.

Theo Bloomberg, ông Putin đã cố gắng thay đổi cuộc đối thoại trong những tháng gần đây. Sau nhiều năm gạt bỏ những rủi ro của biến đổi khí hậu, ông đã thúc giục các quan chức xem xét một cách nghiêm túc hơn về các mối đe doạ. Tổng thống Nga cũng thừa nhận sự nguy hiểm của thời tiết khắc nghiệt đối với nền kinh tế Nga.

Trên thực tế, việc gây áp lực lên các nhà khai thác của Nga không phải là một lựa chọn khả thi cho đến khi châu Âu có thể chuyển đổi năng lượng một cách thuyết phục. Gazprom cung cấp gần 1/3 tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu vào năm 2020. Có khả năng tập đoàn này sẽ trở thành một nguồn cung quan trọng hơn trong ngắn hạn khi châu Âu thu hẹp sản xuất trong nước.

Các nền kinh tế hàng đầu của khối đang đóng cửa các nhà máy than. Một số quốc gia thậm chí đang lên kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân. Trong khi năng lượng tái tạo chỉ có thể đáp ứng một phần công suất, các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất thép hoặc xi măng sẽ cần các công nghệ đang phát triển như hydro.

Tham khảo Bloomberg

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM