Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này

12/06/2019 11:30 AM | Xã hội

Lời khuyên được trích ra từ bài nói chưa đầy 10 phút của chuyên gia âm thanh nổi tiếng Julian Treasure trên diễn đàn TED Talks sẽ mang đến những bí quyết để tiếng nói của bạn có trọng lượng và đáng nghe hơn.

Nếu có một thứ nhạc cụ mà hầu hết con người chúng ta đều chơi thì đó chính là giọng nói. Đó hẳn là âm thanh quyền năng nhất trên thế giới này, có thể gây bùng nổ chiến tranh, mặt khác lại khiến cho ai đó hạnh phúc chỉ với 3 từ như "Anh yêu em!".

Nhưng có một thực tế dễ thấy, rằng nhiều người trải qua tình huống "kẻ nói mà chẳng có người nghe". Vì sao lại thế? Làm thế nào để tiếng nói có sức nặng hay thậm chí tạo ra những thay đổi trong thế giới xung quanh bạn?

Julian Treasure là một chuyên gia về âm thanh và truyền thông, nhấn mạnh đến một thế giới lắng nghe có ý thức và tiếng nói được truyền tải một cách mạnh mẽ. Những tác phẩm, bình luận của ông được đăng nhiều trên các tạp chí danh tiếng như Tạp chí TIME, Nhà kinh tế, BBC và Thời báo.

Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này - Ảnh 1.

Julian Treasure

Ông cũng là một diễn giả quen thuộc của diễn đàn TED Talks. 5 bài nói chuyện TED của Julian về âm thanh và giao tiếp đã thu hút hơn 50 triệu lượt xem. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc trò chuyện về "Cách nói để mọi người muốn lắng nghe!", một trong những video TED được theo dõi nhiều nhất mọi thời đại.

Trong cuộc nói chuyện chưa đầy 10 phút này, Julian Treasure đã nêu lên những thói hư, tật xấu trong giao tiếp mà con người cần loại bỏ, đồng thời hướng dẫn điều chỉnh ngôn ngữ, cách nói để khiến người khác muốn lắng nghe nhiều hơn.

TED Talks: "How to speak so that people want to listen" - Juian Treasure

7 tật xấu lớn nhất cần loại bỏ ngay lập tức

Thứ nhất là nói xấu người vắng mặt. Dù là chốn công sở hay trường học, việc ngồi lê đôi mách chẳng mang lại điều gì tốt đẹp. Lời đồn lan truyền cùng những biến thể của nó sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và chính bạn sẽ trở thành vấn đề được bàn tán tiếp theo.

Thứ hai, sự phán xét. Thật khó để lắng nghe ai đó khi biết người ta đang phán xét và chê bai mình là thiếu năng lực.

Thứ ba, sự tiêu cực. "Bạn có thể mắc phải tật này. Mẹ tôi, trong các năm cuối đời, trở nên rất tiêu cực, nên nói cũng khó nghe." - Julian chia sẻ - "Tôi nhớ có ngày tôi bảo bà: "Hôm nay là Quốc tế Người cao tuổi", bà đáp, "Mẹ biết, điều đó không khủng khiếp sao?". Thật khó để lắng nghe những điều tiêu cực như thế!"

Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này - Ảnh 3.

7 lỗi "chết người" cần loại bỏ ngay, theo Julian

Một dạng khác của tiêu cực, là sự than phiền. Chúng ta than về mọi điều, từ thời tiết, thể thao đến chính trị hay thậm chí là chính mình. Nhưng than thở là nỗi khổ, có tính lan truyền. Nó không toả nắng và không khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Một tật xấu nữa cần loại bỏ ngay chính là sự biện hộ. Học sinh giải thích cho kết quả học tập yếu kém là do môn học khô khan, giáo viên giảng bài thiếu thu hút. Nhân viên đi làm muộn đổ lỗi cho thời tiết, tắc đường,… Sẽ thật khó để lắng nghe và thấu cảm cho những ai luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh hay người khác, trốn tránh trách nhiệm.

Điều thứ sáu chính là sự phóng đại, khoa trương. Đặc biệt là khi thói khoa trường trở thành bịa đặt thì chẳng ai còn muốn tin tưởng và lắng nghe bạn nữa.

Cuối cùng, nhớ đừng trở thành kẻ giáo điều, nhầm lẫn giữa thực tế và quan điểm. Khi hai yếu tố này cùng kết hợp với nhau, những gì bạn nghe được chỉ như gió thổi. Họ công kích bạn bằng ý kiến mặc định của bản thân, thật khó mà nghe cho nổi!

Làm cho lời nói có sức nặng với nguyên tắc "HAIL"

Chỉ tránh 7 lỗi trên cũng chưa đủ để khiến người khác lắng nghe bạn. Julian Treasure đã đưa ra 4 "trụ cột" mà chúng ta cần có, nếu muốn lời nói của mình có sức mạnh làm thế giới đổi thay. Đó là "HAIL"!

Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này - Ảnh 4.

Nguyên tắc "HAIL"

Xin đừng nhầm lẫn! "HAIL" ở đây không phải "mưa đá" đâu, chúng là kết tinh của 4 đức tính mà bạn cần có hay sẵn sàng rèn luyện:

H (Honest): Sự trung thực. Dĩ nhiên rồi, hãy nói thật, nói thẳng và rõ!

A (Authentic): Sự xác thực. Nhỡ, hãy chính là bạn, nói những gì bạn tin là thật!

I (Integrity): Sự chính trực. Hãy là những gì bạn nói, sống theo điều bạn nói, và trở thành người đáng tin.

L (Love): Tình yêu thương. Đó không phải tình yêu đôi lứa, mà là cầu chúc an lành cho người khác.

Nhưng ông cha ta thường có câu: "Của cho không bằng cách cho." Trường hợp này cũng tương tự, bên cạnh điều bạn nói thì cách nói cũng quan trọng không kém. Vậy những thông tin hữu ích nên được truyền đạt như thế nào, để ai cũng muốn lắng nghe?

Điều chỉnh cách nói

Đầu tiên, hãy để ý đến âm vực. "Giọng the thé có lẽ không hiệu quả lắm, nhưng có một khoảng âm ở giữa. Tôi sẽ không đi vào kĩ thuật như một huấn luyện viên về giọng nói. Bạn có thể định dạng giọng của mình. Nếu tôi nói ở mũi, có thể nghe thấy sự khác biệt. Nếu tôi hạ giọng xuống cổ, thì giống với giọng của hầu hết chúng ta. Nhưng nếu bạn muốn tăng sức nặng, thì cần hạ giọng xuống ngực. Ta bỏ phiếu bầu cho chính khách có giọng trầm, đúng thế, vì ta gắn độ trầm với sức mạnh và quyền uy. Đó là âm vực.", Julian chia sẻ.

Tiếp theo là âm sắc. Đó là cảm giác mà giọng của bạn đem đến. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta chuộng chất giọng truyền cảm, mượt, ấm - như một ly sôcôla nóng. Nếu chưa có được điều này thì cũng không phải tận thế, vì bạn có thể luyện tập. Hãy tìm đến huấn luyện viên hướng dẫn, tập những bài luyện giọng và bạn sẽ có thể làm nên điều tuyệt vời với hơi thở cũng như cải thiện âm sắc của mình.

Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này - Ảnh 5.

Ngữ điệu cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Những giọng nói đều đều, đơn điệu dễ khiến chúng ta buồn ngủ nhưng ngược lại, cách nói có trầm có bồng, lên xuống như đang hát có khả năng gây sự chú ý và đi vào lòng người hơn.

Tiếp đến là nhịp độ. Nhịp độ nhanh, chậm hay thậm chí là im lặng đều có tác dụng riêng của nó. Khi hào hứng, bạn có thể nói rất nhanh trong khi nên nói chậm lại nếu muốn nhấn mạnh điều gì đó. Đến cuối câu, dĩ nhiên là sự im lặng. Bạn không cần cố gắng che lấp đi khoảnh khắc này bằng những câu "ừm", "ah" bởi sự im lặng có chất uy riêng của nó. Người nghe cũng cần khoảng trống đó để kịp hấp thụ những thông tin mà bạn mang lại.

Cuối cùng, cao độ và cường độ cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Nếu như cao độ giúp thể hiện thái độ của người nói thì cường độ dồn dập hay từ từ sẽ khiến người nghe thu hút, tập trung theo dõi câu chuyện của mình hơn.

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Những đúc kết của ông cha xưa đến bây giờ vẫn y nguyên giá trị. Nhưng để khiến nhau vừa lòng thì bên cạnh lời nói, cách nói thì điều quan trọng nhất chính là sự chân thật, tôn trọng xuất phát từ cả 2 bên.

Bí mật của những người nói luôn có vạn người muốn nghe: Loại bỏ 7 tật xấu, xây dựng 4 “trụ cột” vững chắc này - Ảnh 6.

"Nói rộng hơn, thế giới sẽ ra sao nếu ta truyền đạt được những thông điệp mạnh mẽ với những người chăm chú lắng nghe, trong một môi trường thích hợp để trò chuyện? Thế giới sẽ ra sao nếu ta tạo ra thanh âm đồng thời lắng nghe một cách có chủ đích, nếu ta thiết kế không gian phù hợp cho việc chuyện trò? Thế giới ấy nghe thật tuyệt, đó là thế giới lấy hiểu biết làm tiêu chuẩn cho mình. Một thế giới đáng để sẻ chia."

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM