Bị kỳ thị từng mắc Covid-19, người phụ nữ không thể xin được việc làm, phải sống trong nhà vệ sinh công cộng qua ngày

23/07/2022 10:24 AM | Sống

Không chỉ người từng mắc Covid-19, ngay cả các tình nguyện viên làm việc tại các khu cách ly cũng không được nộp đơn tuyển dụng.

Không xin được việc làm vì từng dính Covid-19

Cuối tháng 3 vừa qua, người phụ nữ tên A Fen đến thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) để tìm việc làm nhưng lại không may mắc Covid-19. Sau khi phục hồi, tưởng chừng cuộc sống sẽ bình thường trở lại thì cuối cùng cô lại liên tục bị các nhà tuyển dụng từ chối, The Paper đưa tin.

Theo đó, những người từng nhiễm bệnh như A Fen không tìm được việc làm do các công ty e ngại họ có nguy cơ tái nhiễm, sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

Cạn tiền, A Fen phải trú tạm trong nhà vệ sinh công cộng ở nhà ga Hồng Kiều.

"Những ngày sống ở nhà ga, tôi rất chật vật. Hai suất bánh mì có giá 6 tệ, tôi ăn trong 3 ngày, tôi còn phải tính toán khi đến kỳ kinh nguyệt. Tôi chỉ ước mình có thể xin được việc, không bị phân biệt đối xử chỉ vì từng bị nhiễm virus", cô nói với phóng viên.

Bị kỳ thị từng mắc Covid-19, người phụ nữ không thể xin được việc làm, phải sống trong nhà vệ sinh công cộng qua ngày - Ảnh 1.

A Fen sống tạm trong một nhà vệ sinh công cộng ở ga Hồng Kiều vì không thể xin việc làm. Ảnh: The Paper.

Câu chuyện của A Fen sau đó đã được lan truyền trên mạng xã hội và nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều người đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi, kêu gọi giúp đỡ A Fen. Ngày 11/7, cô được nhận thử việc ở một công ty chuyển phát nhanh.

"Sau khi khám sức khỏe và được xác nhận không có vấn đề gì, tôi sẽ bắt đầu đi làm. Công ty cũng sắp xếp chỗ ở cho tôi. Tuy nhiên, kinh tế của tôi hiện tại vẫn khó khăn. Nếu được vào chính thức, tôi sẽ làm ca đêm, từ 20h tối đến 8h sáng hôm sau, tôi thấy như vậy là ổn", A Fen nói.

Một đại diện của công ty nhận A Fen vào làm việc cho biết đơn vị này không phân biệt đối xử với những người từng nhiễm Covid-19.

Các công ty gây tranh cãi vì không tuyển người đã mắc Covid-19

Tại Trung Quốc, dù đại dịch đã bùng phát được 2 năm, tình trạng kỳ thị bệnh nhân COVID-19 vẫn còn tồn tại. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng họ đã mất việc làm ngay sau khi bình phục, mặc dù luật pháp Trung Quốc quy định phân biệt đối xử với người bị bệnh truyền nhiễm là bất hợp pháp.

Đầu tháng 7, công ty Pudong New Area và Songjiang District có trụ sở tại Thượng Hải đã phát thông báo tuyển dụng kèm yêu cầu không chấp nhận những người từng mắc Covid-19. Một số thông báo còn cho biết những tình nguyện viên làm việc tại các cơ sở cách ly tạm thời, hoặc bệnh viện dã chiến cũng không được nộp đơn.

Điều này làm dấy lên tranh cãi về hành vi phân biệt đối xử trong bối cảnh trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước đang trên đà hồi phục sau 2 tháng phong tỏa.

Ông Zhang Hongtao, nhân viên tại công ty cung cấp lao động ở Thượng Hải cho biết: ''Các nhà máy nói rõ rằng họ không thuê những người đã từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi không thể làm gì được. Ngay cả khi một số nhà máy không đề cập đến điều đó trong các yêu cầu tuyển dụng, họ sẽ từ chối và chúng tôi phải nhận người về. Yêu cầu này khiến chúng tôi cảm thấy khó xử ''.

Bị kỳ thị từng mắc Covid-19, người phụ nữ không thể xin được việc làm, phải sống trong nhà vệ sinh công cộng qua ngày - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách nằm thẳng, mặc kệ đời. Ảnh: The New York Times

Luật sư lao động Chen Wenjin tại Công ty Luật Liêm chính Thượng Hải cho biết: ''Các công ty có thể từ chối thuê người từng mắc COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên khác, nhưng điều đó mang tính phân biệt đối xử và vi phạm pháp luật. Mặc dù người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan quản lý, nhưng thách thức là làm thế nào để thu thập bằng chứng chứng minh người sử dụng lao động không thuê họ do từng mắc COVID-19. Một số công ty có thể viện lý do khác hoặc không đưa ra lý do''.

Khủng hoảng thất nghiệp ở người trẻ

Từng liên quan đến Covid-19 không phải lý do duy nhất khiến người dân Trung Quốc thất nghiệp. Tình trạng thiếu việc làm còn ngày càng trở nên tồi tệ tại đất nước đông dân nhất thế giới, thậm chí vượt qua mức thất nghiệp vào năm 2020 – khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, theo Bloomberg.

Làn sóng bùng phát dịch do biến chủng Omicron mới nhất và tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi như Thượng Hải đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương nếu như công ty may mắn trụ được.

Tháng 6 vừa qua, gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã không tìm được việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,3%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cùng độ tuổi ở Mỹ chỉ 8,1%. Vào tháng 5, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của thanh niên thuộc Liên minh châu Âu là 13,3%, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin.

Bị kỳ thị từng mắc Covid-19, người phụ nữ không thể xin được việc làm, phải sống trong nhà vệ sinh công cộng qua ngày - Ảnh 3.

Trước áp lực cạnh tranh tìm việc, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách rời bỏ hoàn toàn thị trường lao động và tham gia trào lưu "nằm yên mặc kệ đời" (lie flat).

"Tôi đang vô cùng căng thẳng", David Yang, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính năm ngoái nói với Bloomberg. Yang đã buộc phải ở nhà suốt nhiều tuần qua và không thể tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc.

“Bạn vẫn tin mình có tương lai tươi sáng nhưng rồi đột nhiên bạn bị cấm rời khỏi nhà và việc làm trên thị trường đều biến mất”, Yang nói và cho biết sau khi gửi hàng chục hồ sơ xin việc mà không thành công, anh chỉ muốn “nằm yên mặc kệ đời.

(The New York Times, The Paper)

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM