Bí kíp phỏng vấn tại Google từ người Việt vừa trúng tuyển: Nhân viên hay quản lý cũng phải có tố chất lãnh đạo!

27/10/2021 14:15 PM | Kinh doanh

Dưới đây tiếp tục là bài chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn ở Google của anh Lê Văn Thành (Michael) - người vừa trải qua nhiều vòng phỏng vấn và được nhận lời mời làm việc tại đây.

Trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ khái quát về triết lý, quy trình tuyển dụng tại Google cũng như những tips phỏng vấn vòng 4 - GCA (General Cognitive Ability). Trong phần này, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn vòng thứ năm, cũng là vòng cuối cùng.

Vòng phỏng vấn thứ 5 ở Google là "Leadership và Googleyness", cũng có khi được tách thành 2 vòng phỏng vấn riêng rẽ. Mục đích của vòng phỏng vấn này là đánh giá khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, phong cách làm việc của ứng viên.

Có thể hiểu những vòng trước (RRK, GCA) thiên về việc bạn có khả năng làm được công việc không. Vòng này thiên về việc đánh giá bạn có "vui" khi làm việc với những người khác ở Google và ngược lại hay không. Điều này khá quan trọng vì nếu bạn "vui" bạn sẽ cống hiến nhiều và lâu dài cho tổ chức hơn.

Cụ thể hơn, Google muốn tìm những ứng viên "Googleyness" là những người có khả năng phát triển và thích ứng trong môi trường hay thay đổi, nhịp độ cao, có khả năng giải quyết vấn đề trong những tình huống không rõ ràng (như đã chia sẻ ở phần 2). Những người luôn thách thức hiện trạng (challenging status quo). Ví dụ khi thế giới chấp nhận công vụ tìm kiếm của Yahoo là tốt nhất, Googler tin rằng có cách khác tìm kiếm hiệu quả hơn, và họ tìm cách thực hiện nó. Những người luôn đặt khách hàng lên trước, quan tâm tới mọi người và làm những điều đúng đắn. Google cũng đánh giá cao những người biết lắng nghe những góp ý của người khác, cả khen lẫn chê để phát triển và hoàn thiện bản thân.

Như mọi công ty khác, Google cũng mong muốn nhìn thấy tố chất lãnh đạo (leadership) ở ứng viên bất kể họ ứng tuyển ở vị trí quản lý hoặc nhân viên. Khả năng lãnh đạo khác với kỹ năng quản lý nhóm. Ví dụ dù bạn là nhân viên cấp thấp, nhưng bạn sử dụng kỹ năng giao tiếp, khả năng thuyết phục để huy động người khác trong công ty, ngoài xã hội, hoặc cấp trên của bạn tham gia cùng làm một việc gì đó ví dụ như xây trường cho trẻ vùng cao, chạy bộ quanh Hồ Tây hàng tuần, v.v . Những hành động đó thể hiện được khả năng lãnh đạo. Trong bài phỏng vấn Leadership này, Google cũng muốn thấy khả năng quản lý dự án, cách bạn hoàn thành mọi việc một mình hoặc khi phối hợp với các thành viên khác. Ngay cả khả năng phát triển bản thân thông qua việc học những điều mới và chia sẽ cho những người khác cũng là 1 biểu hiện của tố chất lãnh đạo.

Để tìm ra những ứng viên có 2 tố chất này, Google sử dụng các hỏi về hành vi (behavioral questions). Người phỏng vấn sẽ yêu cầu ứng viên kể một tình huống đã xảy ra trong quá khứ về một nội dung nào đó. Ví dụ "Hãy kể về 1 tình huống bạn bất đồng ý kiến với Sếp".

Bí kíp phỏng vấn tại Google từ người Việt vừa trúng tuyển: Nhân viên hay quản lý cũng phải có tố chất lãnh đạo! - Ảnh 1.

Đây là 1 dạng câu hỏi phỏng vấn được nhiều hãng công nghệ sử dụng. Bạn có thể Google tìm hiểu thêm về cách thức trả lời hoặc có thể sử dụng cấu trúc S.T.A.R (Situation, Task, Action, Result). .

1. Situation (Tình huống): Câu chuyện cũng giống như 1 vở kịch, sân khấu phải được thiết lập trước khi câu chuyện bắt đầu. Truyện xảy ra vào thời điểm nào, khi đó bạn làm ở công ty nào, nhiệm vụ của bạn ở công ty đó là gì.

2. Task (Nhiệm vụ): Tiếp theo bạn cần đưa thêm các nhân vật vào, thiết lập bối cảnh cho câu chuyện để mọi người hiểu tình huống mà bạn sắp kể. Ví dụ bạn bất đồng ý kiến với Sếp trong hoàn cảnh nào, giữa cuộc họp toàn công ty hay khi đang trao đổi 1:1 về dự án, nguyên do của sự bất đồng đó.

3. Action (Hành động): Đây là phần quan trọng nhất của một câu chuyện. Người nghe muốn nhìn thấy 1 chuỗi các hành động. Ví dụ: Dù không thực sự đồng ý với Sếp tôi vẫn cố gắng lắng nghe hết. Tôi đặt vài câu hỏi làm rõ. Tôi hẹn gặp trao đổi riêng với Sếp. Tôi thu thập thêm thông tin. Trong cuộc họp 1:1 tôi đã nêu ra những ảnh hưởng nếu chúng tôi thực thi. v.v.

4. Result (Kết quả) và bài học (Learning): Cuối cùng là hạ màn kết thúc câu chuyện. Sau một chuỗi hành động giải quyết xung đột, kết quả đạt được là gì. Bạn rút ra bài học gì từ câu chuyện đó. Bài học này có giúp công ty cải tiến quy trình không. Mối quan hệ giữa bạn với Sếp sau đó thế nào. v.v

Như vậy bạn đã hiểu mục tiêu của cuộc phỏng vấn Leadership và Googleyness. Bạn đã biết Google tìm kiếm những đặc điểm nào từ ứng viên. Hiểu về câu hỏi phỏng vấn hành vi và cách thức trả lời. Giờ là lúc bạn cần thực hành và luyện tập. Hãy chuẩn bị sẵn vài câu chuyện, kể theo cấu trúc S.T.A.R để khắc hoạ những nét tính cách mà bạn muốn Google biết.

Có thể áp dụng 2 mẹo nhỏ dưới đây sẽ khiến buổi phỏng vấn hiệu quả và vui vẻ hơn.

Mẹo 1: Là người kể chuyện chứ không chỉ là người trả lời câu hỏi. Câu chuyện có bối cảnh, có nhân vật (là bạn) được khắc hoạ bởi một chuỗi các hành động. Nhà báo Đức Hoàng đã nói rằng "Hành động hiệu quả cao nhất khi nó đặt trong bối cảnh xung đột, các xung đột dần đẩy lên cao trào, quyết định trong xung đột làm nên tính cách của nhân vật."

Mẹo 2: Hãy giữ câu chuyện được liền mạch, liên tục. Thay vì mô típ 1 người hỏi 1 người trả lời như kiểu phỏng vấn, hỏi cung. Hãy đưa đẩy câu chuyện đi tiếp, bằng một câu hỏi (follow up) sau khi kết thúc phần trả lời, để gợi mở ra hướng trao đổi tiếp theo khiến cuộc hội thoại sẽ liên tục đi từ tình huống này sang tình huống khác mà không bị đứt đoạn.

Lê Văn Thành (Michael)

Cùng chuyên mục
XEM