Bị bạn chê cười vì chỉ học giỏi "MÔN PHỤ": Nữ sinh lớp 12 có câu trả lời cực "gắt", nêu ra một loạt lợi ích to lớn không tưởng!

07/12/2022 09:42 AM | Sống

Dù nhận được vô số giải thưởng, bằng khen đạt thành tích xuất sắc ở môn Địa lý cấp quốc gia nhưng Thảo My từng có khoảng thời gian mặc cảm, tự ti bởi bạn bè trêu chọc, cho rằng em chỉ 'học được những môn thuộc lòng'.

Đã từ lâu, trong tiềm thức nhiều thế hệ có sự phân biệt rạch ròi môn chính và môn phụ. Nhiều người hiển nhiên cho rằng môn chính gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật Lý, Hóa học, Sinh học; còn môn phụ là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Thể dục,... Điều này khiến không ít giáo viên, học sinh tủi thân, chạnh lòng khi bị coi là đang... dạy và học những "môn phụ". Thiết nghĩ các môn học đều bình đẳng như nhau, mang lợi ích và giá trị riêng biệt.

Mới đây, Hà Thị Thảo My, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Quy Nhơn đã có những chia sẻ vô cùng sâu sắc về vấn đề "học giỏi môn phụ". Dù nhận được vô số giải thưởng, bằng khen đạt thành tích xuất sắc ở môn Địa lý cấp quốc gia nhưng Thảo My từng có khoảng thời gian mặc cảm, tự ti bởi bạn bè trêu chọc, cho rằng em chỉ "học được những môn thuộc lòng". Nhưng sau đó, Thảo My đã thay đổi suy nghĩ để nỗ lực tìm ra giá trị và thế mạnh của bản thân.

1. Suy nghĩ của một học sinh giỏi "môn phụ"

Bản thân mình chẳng thích cách gọi Địa lý là "môn phụ" một chút nào, đặc biệt là sau khi trải qua khoảng thời gian dài gắn bó. Một người thầy của mình đã từng nói: "Không có khái niệm cụ thể môn nào là môn chính, môn nào là môn phụ. Các môn như Toán, Văn, Anh được học để thi tốt nghiệp nên nhiều người cho rằng đó là môn chính, còn Sử, Địa, Giáo dục công dân,... nếu không thi để xét tốt nghiệp, chúng ta vẫn cần học để qua môn, chứ không nên xem thường là "môn phụ".

Là học sinh giỏi môn Địa lý, mình đã từng trải qua và cảm nhận nhiều thứ. Ngày trước khi đang ôn thi trong đội tuyển quốc gia, mình có gặp lại một người bạn học cấp 2. Bạn đã hỏi thăm tình hình học tập của mình. Thuận miệng, mình tự hào khoe đang đứng trong đội tuyển thi HSG cấp quốc gia môn Địa lý. Biểu cảm của bạn khi nghe mình nói xong là bất ngờ và không coi trọng. Không biết có phải mình nhạy cảm không nhưng mình cảm nhận được bạn ấy nghĩ rằng: "Chà, môn Địa thôi mà, mấy môn phụ như này học thuộc là xong, không có gì ghê gớm". Lúc đó, mình hơi buồn khi môn Địa bị xem thường.

Nữ sinh lớp 12 chia sẻ sắc bén về "Những lợi ích khi học giỏi "môn phụ" khiến nhiều ngỡ ngàng - Ảnh 1.

Chân dung nữ sinh Hà Thị Thảo My.

Chúng ta nên ngừng xem thường các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân,... Bởi đầu tiên, mình cảm thấy mỗi môn học đều có giá trị và sự đặc biệt. Tuy nhiên, mình cũng hiểu chẳng ai có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu tất cả các môn. Chẳng ai là thiên tài giỏi toàn diện, trừ khi đó là một môn học bạn thực sự yêu thích, quan tâm hoặc đó là môn bạn chọn để thi học sinh giỏi. Bằng không, nhiều bạn sẽ chỉ học ở mức độ vừa đủ. Dù vậy, mình vẫn mong các bạn sẽ tôn trọng các môn học này, cũng như giáo viên giảng dạy môn đó.

Chẳng hạn, bản thân mình học môn Địa. Mặc dù trước đây, mình cũng xem Địa là một môn học thuộc. Mình từng suy nghĩ chỉ cần thuộc bài sẽ đạt điểm cao. Tuy nhiên, khi nằm trong đội tuyển HSG môn Địa, mình có cơ hội tiếp xúc với môn học này hơn, hiểu hơn và ngày càng yêu thích nó. 

Mình nhận ra đây không phải là môn cứ học thuộc là được, càng không phải là một môn "Xã hội" vì cần rất nhiều kiến thức tích hợp từ Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và một chút Ngữ văn để diễn đạt tốt. Ngoài ra, khi mình tìm hiểu sâu, mình nhận ra đây là môn học rất hay, vừa lý giải các hiện tượng tự nhiên, vừa có kiến thức kinh tế xã hội, thế giới, thời đại,... 

Nguyên nhân thứ hai mà mình nghĩ đến đó là sự cần thiết của các môn học, dù là ở phương diện nào. Về mặt kiến thức, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và các môn khác đều cho bạn rất nhiều kiến thức quan trọng. Vì vậy, các môn học này mới được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Về mặt điểm số, những môn mà bạn cho là không quan trọng có thể là môn giúp bạn kéo điểm tổng kết, có một tấm học bạ đẹp để xét tuyển đại học,... 

Môn học nào cũng quan trọng và càng quan trọng hơn khi bạn có mục đích học tập. Còn nếu bạn không đam mê các môn trong tổ hợp Khoa học Xã hội, bạn có thể học ở mức độ vừa đủ để không quá áp lực, nhưng hãy luôn tôn trọng các môn học nhé!

2. Trở thành học sinh giỏi "môn phụ" mang lại lợi ích gì?

- Nếu bạn đạt giải quốc gia, bạn sẽ được tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào chuyên ngành bạn mong muốn nhưng phải phù hợp với tiêu chí của nhà trường. Tuy nhiên nếu bạn thật sự muốn theo chuyên ngành như Lịch sử học hay Địa lý thì hãy yên tâm, dù không có giải quốc gia nhưng có giải cấp tỉnh hoặc là thành viên đội tuyển HSG cấp quốc gia cũng được tuyển thẳng vào Đại học.

- Bạn sẽ nhận được nhiều tiền thưởng, học bổng từ trường, thành phố, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT,... tùy theo giải thưởng, địa phương. Số tiền cộng lại không hề nhỏ, có thể đủ để bạn học Đại học.

- Các trường Đại học ở Việt Nam, cả trường công, trường tư, hay trường quốc tế đều ưu tiên những học sinh có các giải thưởng học thuật. Chẳng hạn như về học bổng Đại học, mình vừa biết thông tin trường Đại học Quốc tế (UI) có học bổng cho học sinh đạt giải quốc gia. Hay khi nộp đơn đăng kí các trường Đại học quốc tế ở Việt Nam hay đi du học nước ngoài, các giải thưởng học thuật giúp bộ hồ sơ của bạn thêm chất lượng và "xịn xò".

Nếu các bạn yêu thích và muốn thử thi học sinh giỏi thì hãy cố gắng thật nhiều nhé! Ưu ái luôn dành cho người biết nỗ lực và bạn sẽ biết thêm rất nhiều kiến thức thú vị! Cho bản thân một cơ hội để thử sức, có thể bạn sẽ nhận được nhiều cơ hội trong tương lai. Tất cả đều phụ thuộc vào sự cố gắng và đam mê của bạn.

Nữ sinh lớp 12 chia sẻ sắc bén về "Những lợi ích khi học giỏi "môn phụ" khiến nhiều ngỡ ngàng - Ảnh 2.

3. Một số mẹo giúp bạn học tốt môn Địa lý

Như mình đã chia sẻ, mình đạt được một số thành tích tiêu biểu ở Địa lý như: Giải Nhất HSG cấp tỉnh môn Địa lớp 12 (vượt cấp), giải Nhì HSG lớp 12 (vượt cấp), huy chương Đồng môn Đại lý kỳ thi HSG dành cho các trường chuyên khu vực Duyên hải và Bắc Trung Bộ. Mình sẽ tiết lộ một số bí kíp học tập sau. 

Một người thầy của mình đã từng nói, Địa lý không đơn thuần là một môn "Xã hội", mà nó nằm ở giữa ranh giới của cả "Tự nhiên" và "Xã hội". Để học tốt môn Địa, chỉ học thuộc lòng là chưa đủ, chúng ta cần có khả năng tư duy logic giống như khi học Toán, Lý, Hóa, có khả năng nghiên cứu và tích hợp kiến thức đủ rộng, sâu. Mình nghĩ đây chính là điều quan trọng hơn việc mình đã đọc và học bao nhiêu câu hỏi, bài giải trong hàng tá quyển sách tham khảo khác nhau. 

Ngoài ra, một điều mà mình muốn gửi gắm đến các bạn, đó là hãy học Địa với tâm thế của một kẻ du hành, từ từ khám phá và tìm hiểu kiến thức. Hãy đặt ra câu hỏi tại sao lại có hiện tượng này, nhận định kia. Khi đó, không những kiến thức và tư duy của bạn được nâng lên mà cũng khiến bạn thêm hứng thú và yêu thích môn học này.

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM