Bị 2 cháu ruột lừa hàng chục triệu USD, cụ bà 93 tuổi không ngại 'tuyên chiến' với ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và khiến kẻ lừa đảo rơi vào danh sách đen của ngành tài chính

19/02/2021 12:12 PM | Kinh doanh

Beverley Schottenstein cho biết 2 cháu trai làm việc tại JPMorgan quản lý tài sản của bà đã giả mạo tài liệu, lấy tiền hoa hồng bằng cách thực hiện các giao dịch không phù hợp và dẫn đến khoản lỗ hàng chục triệu USD. Vì vậy, bà quyết định dạy cho chúng "một bài học".

Đó là một ngày tháng 6, khi Beverley đang nghiên cứu về một đánh giá độc lập đối với các tài khoản của bà, các thành viên trong gia đình và luật sư ngồi gần bà để nghe điện thoại. Tài liệu này đã khẳng định nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của bà: 2 cố vấn tài chính tại JPMorgan – giám sát hơn 80 triệu USD tài sản của bà, đã tự ý tăng mức hoa hồng, đặt cược vào các khoản đầu tư rủi ro mà không cho bà biết. Ngoài ra còn có những đợt sao kê bị thiếu, tài liệu không đầy đủ và các khoản phí thẻ tín dụng không rõ ràng.

Dù người thân khuyên bà không nên "gây sóng gió", nhưng Beverley vẫn rất quyết tâm. Bà cho rằng, những gì các nhà quản lý tài sản này đã làm là sai trái, họ phải trả tiền cho bà, dù 2 người này chính là cháu ruột của bà. Theo Beverley, JPMorgan đã tiếp tay cho những hành động này. Sau vụ kiện, 2 cháu trai của bà là Evan và Avi Schottenstein đã phải trả lại tiền cho bà.

Với sự giúp đỡ của các luật sư, Beverley đã đưa các cháu trai và JPMorgan đứng trước "phán quyết" của Cơ quan Quản lý Tài chính (Finra). Sau khi các cuộc điều trần diễn ra trong nhiều tháng, hồi tháng 1, ban hội thẩm đã đưa ra quyết định có lợi cho Beverley.

Cơ quan thực thi của Finra cũng đang xem xét các cáo buộc khác. Nguồn tin thân cận tiết lộ, các nhà điều trang bang New York ở Manhattan cũng đã yêu cầu cung cấp thông tin. Beverley cho biết chữ ký của bà cũng bị giả mạo trên các tài liệu về đầu tư, đây có thể được coi là hành vi phạm tội.

Nguồn cơn của những căng thẳng

Những tranh chấp về tiền bạc trong gia đình bà Beverley đã kéo dài hàng thập kỷ. Người chồng quá cố của bà - Alvin Schottenstein, đã giúp đưa chuỗi nội thất gia đình tại miền Trung Tây nước Mỹ trở thành một đế chế trị giá hàng tỷ USD, đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng bao gồm: Value City, Big Lots Inc., Designer Brands Inc. và American Eagle Outfitters Inc. Bà Beverley đã rút khỏi hoạt động kinh doanh gia đình từ lâu, còn 2 người cháu Evan và Avi Schottenstei – làm việc tại JPMorgan, trở thành cố vấn tài chính và cung cấp dịch vụ cho bà.

Năm 2009, từ ngôi nhà ở Columbus (Ohio), bà Beverley đã chuyển đến Florida và sống tại khu nhà giàu ở Bal Harbour. Vài năm sau, con trai của bà là Bobby và vợ - Caroline, chuyển đến sống ở căn hộ bên dưới. Trước đó, người mua căn hộ này là anh trai bà Beverley, nhưng ông đã ký hợp đồng với Bobby trước khi qua đời. Mối ràng buộc với gia đình Bobby tiếp diễn khi Caroline thuyết phục bà Beverley đưa danh mục đầu tư cho Evan giám sát để "tiền sẽ đẻ ra tiền".

Bị 2 cháu ruột lừa hàng chục triệu USD, cụ bà 93 tuổi không ngại tuyên chiến với ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và khiến kẻ lừa đảo rơi vào danh sách đen của ngành tài chính - Ảnh 1.

Bà Beverley cùng anh em Evan (phải) và Avi (trái).

Bà Beverley thực sự sở hữu cả một gia tài. Chồng quá cố của bà là 1 trong 4 người con của Ephraim Schottenstein – người đã bán rất nhiều loại hàng hoá trước khi mở cửa hàng đầu tiên ở Columbus vào năm 1917. Các con trai của ông đã mở rộng Schottenstein Stores Corp., với vị trí chủ tịch là ông Alvin đến khi ông qua đời vào năm 1984. 5 năm sau, Beverley và các con đã rút  khoảng 90 triệu USD từ hoạt động kinh doanh của gia đình, mỗi người nắm giữ khoảng 18 triệu USD.

Trong khi gia đình các anh em của ông Alvin tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ cho Schottenstein, gia đình Bobby lại cho biết đã tiêu hết số tiền được chia trong thời gian Evan và Avi lên trung học. Họ lấy lý do là các khoản đầu tư thất bại.

Năm 2006, bà Beverley gạt bỏ sự lo ngại của một số thành viên trong gia đình và tin tưởng để Evan – khi đó 20 tuổi, quản lý một số cổ phiếu của mình. Bà bắt đầu đưa nhiều tài sản hơn cho cháu sau khi đơn vị của anh này được Morgan Stanley tiếp quản.

Những âm mưu bị lật tẩy

Sau đó, Evan ghi nhận thành tích lớn vào đầu năm 2014, khi được làm việc tại JPMorgan. Khi đó, anh này cho biết sẽ quản lý tài khoản đầu tư của bà và sẽ không tính phí hoa hồng. Nhờ vụ kiện gửi lên Finra, bà Beverley nhận ra rằng ít nhất 80% tài sản mà 2 anh em này quản lý trong JPMorgan đều là của bà.

Cách tiếp cận của 2 anh em đã khiến những người thân thiết với bà Beverley lo ngại. Cathy Schottenstein Pattap – em họ của anh em Evan và Avi, nhớ lại mùa hè năm trước sau khi thấy Evan mắng bà: "Anh ta ở New York cùng một số cảnh báo chi tiêu thẻ tín dụng của bà. Điều này thật lạ."

Dawn Henry - người chăm sóc bà Beverley cũng cảnh báo về Evan. Henry kể lại về một lần Bobby và Evan bất ngờ đến nhà bà Beverley. Sau đó, bà Beverly cũng lo ngại hơn khi một tấm séc bà viết cho Henry bị trả lại. 2 người đến JPMorgan chi nhánh địa phương để tìm nguyên nhân, họ được thông báo rằng quá nhiều hoạt động chi tiêu trên thẻ tín dụng được liên kết với tài khoản séc của bà. Beverley ngay lập tức yêu cầu sao kê tài khoản trong vài tháng.

Mùa đông năm 2018, bà nhận được tài liệu về 1 quỹ đầu tư mạo hiểm mà JPMorgan cho biết bà đã đầu tư. Người cháu gái khác là Alexis Schottenstein bất ngờ phát hiện ra bà mình đã cam kết 5 triệu USD cho quỹ có trụ sở tại đảo Cayman này trong nhiều năm.

Nhờ bạn bè của gia đình, bà Beverley đã liên lạc được với các nhà quản lý tài sản ở 1 ngân hàng lớn khác để xem xét về các khoản đầu tư của bà. Họ nhận thấy tỷ lệ xoay vòng vốn lớn quá mức, lựa chọn bảo mật khó hiểu và có nhiều giao dịch mà bà Beverley cho biết đã không chấp thuận.

Đầu năm 2019, bà Beverley gửi lời cảnh báo đến Evan và Avi thông qua ngân hàng, yêu cầu họ giao dịch bằng tài khoản của bà. Không nhận được hồi âm, bà yêu cầu được trao đổi trực tiếp với CEO của ngân hàng là Jamie Dimon.

Trong khi Beverley chờ đợi cuộc gọi từ JPMorgan, Alexis đã gửi những cáo buộc của bà đến ngân hàng. Ngay lập tức, Bobby đến nhà bà và cho biết JPMorgan đang điều tra về những gì bà viết. Beverley và Henry cho biết trong tài liệu gửi đến Finra, Bobby khi đó đã ép bà viết rằng những cáo buộc bà viết là sai sự thật. Alexis vô tình chụp được bức ảnh đó và gửi cho luật sư của bà Beverley.

Phán quyết có lợi cho bà Beverley 

Các cuộc điều trần của Finra bắt đầu vào tháng 10/2020, được thực hiện qua video do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo hồ sơ của JPMorgan, bà là một nhà đầu tư "năng nổ". Các luật sư cho biết tài khoản của bà đã thực hiện những công cụ giao dịch quá phức tạp và rủi ro đối với người ở độ tuổi của bà. Ví dụ như 72 triệu USD đổ vào trái phiếu cấu trúc năm 2014 và 2015, dẫn đến khoản lỗ 10 triệu USD.

Bị 2 cháu ruột lừa hàng chục triệu USD, cụ bà 93 tuổi không ngại tuyên chiến với ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và khiến kẻ lừa đảo rơi vào danh sách đen của ngành tài chính - Ảnh 2.

Bức ảnh Alexis chụp được khi Bobby ép buộc bà Beverley phủ nhận những cáo buộc.

Beverley cho biết Evan và Avi đã không minh bạch về hoạt động giao dịch. Luật sư cho biết có hơn 500 giao dịch dưới dạng yêu cầu trực tiếp từ bà từ năm 2015 đến 2018 mà bà không được biết. Tổng giá trị các giao dịch mà 2 anh em này thực hiện là khoảng 400 triệu USD trong 3 năm. Theo các luật sư của Beverley, khoảng 2/3 các giao dịch mua liên quan đến chứng khoán mang lại lợi ích cho JPMorgan.

Trước khi vụ kiện được đệ trình, JPMorgan đã sa thải Evan và Avi, thu hồi một phần tiền ký kết của Evan. Sau đó, Bobby đã viết một bức thư gửi đến mẹ mình, mong bà cân nhắc rút lại vụ kiện và cho biết các con trai của ông đã bị sa thải khỏi ngành tài chính.

Ban hội thẩm của Finra đã đưa ra phán quyết khoảng 1 tuần sau khi kết thúc các buổi tranh luận. Ngoài ra, các thẩm phán cũng yêu cầu JPMorgan bồi thường cho bà Beverley 4,7 triệu USD và hoàn trả số tiền đầu tư vào quỹ ở Cayman. Avi và Evan lần lượt phải trả cho bà 600.000 USD và 9 triệu USD.

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM