Bếp Cụ Nho làm chuỗi xe đẩy bán xôi vỉa hè tại Sài Gòn: Chi phí nhượng quyền 18 triệu đồng, đã có 39 điểm bán, là đối tác với Viejet Air, FPT...
Mỗi xe đẩy chỉ bán trong khoảng 2-3 tiếng buổi sáng sớm, có thể tiêu thụ hết 14 kg xôi. Thậm chí, có quầy hàng chỉ hơn 7 rưỡi đã đóng cửa, tạo tâm lý khan hiếm cho khách hàng.
Nhượng quyền là phương thức được nhiều thương hiệu trên thị trường F&B áp dụng để mở rộng mô hình kinh doanh nhanh chóng. Trong khi các mô hình nhượng quyền hiện nay thường được áp dụng cho chuỗi cà phê, trà chanh, đồ ăn nhanh... thì gần đây, tại Tp. HCM đã xuất hiện một chuỗi nhượng quyền xe đẩy bán xôi trên vỉa hè.
Chuỗi nhượng quyền này có tên “Xôi Cụ Nho”, thuộc Công ty Cổ phần Bếp Cụ Nho, thành lập từ năm 2016, người đại diện pháp pháp luật là ông Đặng Gia Tuấn. Đây cũng là một trong ba thành viên sáng lập của Bếp Cụ Nho, bên cạnh bà Nguyễn Tuyết Nhung và Nguyễn Phi Vân. Bà Nguyễn Phi Vân vốn được nhiều người biết đến như một chuyên gia hàng đầu trong mảng nhượng quyền tại Việt Nam, bên cạnh vai trò tác giả sách.
Theo giới thiệu, bà Nguyễn Phi Vân “đảm nhận trọng trách đưa Bếp Cụ Nho ra thế giới bằng con đường nhượng quyền, để những người con Việt Nam xa xứ hay bất kỳ người yêu ẩm thực nào trên thế giới cũng có thể được thưởng thức những món ăn Việt Nam ngon, lành và chuẩn vị”. Trong khi đó, bà Nguyễn Tuyết Nhung giữ vị trí CEO.
Đội ngũ sáng lập Bếp Cụ Nho
Theo quan sát, Xôi Cụ Nho là chuỗi các xe đẩy lưu động (kiosk) ngay trên vỉa hè để tiện cho người đi đường rẽ vào mua. Đúng như tên gọi, các sản phẩm chính của chuỗi này bao gồm các món xôi truyền thống như xôi xéo, xôi khúc, xôi ngô, mức giá dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/suất.
Chiếc xe được thiết kế đơn giản và thông minh để có thể tiện lắp ráp, di chuyển. Năm đầu tiên có mặt trên thị trường, thương hiệu này mở được 5 điểm bán. Một năm sau, tức 2017, con số tăng lên 28 điểm bán. Đến thời điểm hiện tại, đã có 39 điểm nhượng quyền Xôi Cụ Nho trên nhiều tuyến đường đông xe cộ đi lại ở Tp. HCM.
Một kiosk Xôi Cụ Nho tại Tp.HCM
Nói về khó khăn trong quá trình vận hành chuỗi, CEO Nguyễn Tuyết Nhung trả lời HTV9: “Xây dựng một gánh xôi như thế này thì chi phí cực kỳ nhỏ. Để khách hàng tin tưởng thì khâu khó nhất là vận hành và giữ được chất lượng.
Khâu nào khó khăn nhất thì bếp sẽ giải quyết, còn lại phần việc đơn giản hơn thì dành cho nhà đầu tư. Sáng ra, bếp trung tâm sẽ sản xuất sản phẩm và chuyển trực tiếp cho các đối tác nhượng quyền, họ chỉ cần đóng gói và bán hàng theo đúng quy trình”.
Mỗi xe đẩy chỉ bán trong khoảng 2-3 tiếng buổi sáng sớm, có thể tiêu thụ hết 14 kg xôi. Thậm chí, có quầy hàng chỉ hơn 7 rưỡi đã đóng cửa, tạo tâm lý khan hiếm cho khách hàng.
Bếp trung tâm, nơi nấu và cung cấp xôi cho các điểm bán.
CEO Bếp Cụ Nho chia sẻ trong một phóng sự của VTV: “Thay vì bán được 10 thì mình chấp nhận bán được 8 thôi. Nhưng so sánh về chi phí, nếu bán được 10 thì mình mất 9 đồng, còn bán được 8 thì mình chỉ mất 6 đồng thôi. Chúng tôi bán ít hơn so với mức tối đa nhưng lợi nhuận đem về đang nhiều hơn”.
Thương hiệu này hiện vẫn đang liên tục mời gọi đối tác tham gia, với mức chi phí đầu tư chỉ 18 triệu đồng/điểm bán, 8 triệu đồng phí thiết bị và 10 triệu phí đặt cọc. Xôi Cụ Nho cũng cho biết doanh thu mỗi tháng có thể vượt mức 20 triệu đồng/điểm bán.
Ngoài nhượng quyền, được biết Bếp Cụ Nho còn là đối tác cung cấp cho Vietjet Air, FPT,...