Bên trong nghĩa địa máy tính, điện thoại "u ám" bậc nhất thế giới: Làm việc tới ung thư cũng chỉ được trả 2,5 USD/ngày

05/06/2017 15:59 PM | Công nghệ

Trong dự án mang tên BIT ROT, nhiếp ảnh Valentino Bellini đã ghi lại cảnh tượng "hoang tàn" tại một trong các trung tâm xử lý rác thải điện tử lớn nhất thế giới, nơi tràn ngập: ung thư, kim loại nặng, bệnh tật, thậm chí là chết chóc...

Năm 2014, thế giới tạo ra hơn 40 triệu tấn rác thải điện tử, theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Liên hợp quốc.

Thay vì được tái chế theo quy chuẩn khép kín, phần lớn lượng rác thải điện tử này đều tập kết tại các bãi chôn lấp - nơi các thanh thiếu niên, bao gồm cả trẻ nhỏ phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, thậm chí là độc hại.

Trong dự án mang tên BIT ROT, nhiếp ảnh Valentino Bellini đã ghi lại cảnh tượng "hoang tàn" tại một trong các trung tâm xử lý rác thải điện tử lớn nhất thế giới.

Đều đặn hàng tháng, người ta mua về những thiết bị điện tử mới nhất, hiện đại nhất, để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Nhưng cũng chỉ ít thời gian sau, khi những món đồ chơi đó đã cũ, chúng lập tức bị vứt ra đường, và vô tình có mặt ở đây...

Như tại Lahore, Pakistan là một ví dụ, người ta ví von đây là một trong những bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới. Nắng, nóng, từng cơn từng cơn phả vào người, xen lẫn cả mùi rác thải điện tử đặc trưng.

Tại một số quốc gia, các tập đoàn lớn phải tuân thủ luật định thu gom, tái chế, xử lý rác thải điện tử - như một phần trách nhiệm với môi trường. Thế nhưng, các quy trình khép kín như vậy thường rất tốn kém.

Một số tập đoàn tuân thủ "luật chơi", trong khi số còn lại thì tìm cách lách luật. Với các chất thải dễ gây ô nhiễm, như chì, thủy ngân, asen và chất làm chậm cháy... các công ty này sẽ tìm cách "đẩy" sang các nước đang phát triển.

Lượng rác thải này tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều thanh thiếu niên. Tất nhiên, là với mức lương bèo bọt, khoảng 2,5 USD/ngày cho công việc phân loại rác... bằng tay.

Tuy nhiên, xem ra phân loại rác điện tử vẫn là công việc khá "nhẹ nhàng". Bởi để thu lượm các vật liệu giá trị bên trong, người ta còn phun hóa chất nhằm đốt cháy rác thải. Một công nhân cho biết, công việc đốt và lấy các vật liệu từ máy tính, TV có thể nuôi ăn cả một gia đình. Đổi lại, họ phải làm việc trong một bầu không khí vô cùng độc hại.

Tất nhiên, ngay cả khi họ làm việc chăm chỉ, mức lương này chỉ đủ ăn, chứ chẳng bao giờ đủ ở. Ngay như căn nhà mà họ sinh sống cũng được tạo ra từ rác thải điện tử, lụp xụp, đơn sơ - cũng chỉ coi là nơi trú nắng, trú mưa.

Và rồi, cái gì đến rồi cũng phải đến. Điều kiện sống không đảm bảo trong thời gian dài khiến công nhân làm việc tại các bãi rác thải điện tử như vậy liên tục mắc phải các chứng bệnh lạ... Không ít trường hợp ghi nhận, các thanh thiếu niên mới 20 tuổi đã mắc chứng ung thư!

Người ta thống kê được, cứ 130.000 cư dân sinh sống quanh các bãi rác thải điện tử, thì có tới 80.000 người là nghi bị mắc bệnh. Tình trạng ô nhiễm kim loại nặng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước, lẫn không khí nơi đây, khiến người dân mắc phải các căn bệnh về đường tiêu hóa, thần kinh, hô hấp và xương.

Nhiều người tin rằng, các tập đoàn CNTT hàng đầu chính là "thủ phạm" trong các cuộc khủng hoảng rác thải điện tử trên thế giới. "Họ có tội từ thời điểm họ thiết kế các sản phẩm cho tới lúc thương mại hóa", một nhân công người Ấn Độ tỏ ra giận dữ.

Nhân công này nói thêm: "Họ còn có tội khi sử dụng các vật liệu độc hại. Họ không dám chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình, khi chúng kết thúc vòng đời. Và chính chúng tôi đã phải chịu đựng thay họ...".

Và nếu tình trạng này không sớm chấm dứt, lượng rác thải điện tử sẽ còn tăng lên 50 triệu tấn vào năm 2018. Thay vào những cây xanh mà chúng ta thấy dưới đây, sẽ chỉ toàn rác và rác...

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM