Bên trong các mỏ khai thác lậu ở Indonesia, nơi than được gọi là "lộc của trời": Thợ mỏ đào 100 bao than kiếm 11 USD/ngày

15/11/2021 17:00 PM | Xã hội

Tại Darmo, ngôi làng có trữ lượng than lớn nhất ở Indonesia, các thợ mỏ chỉ khai thác than vào ban ngày và không có bất cứ món đồ bảo hộ nào. Họ hình thành một vòng tròn kinh tế thu nhỏ ở khu vực lân cận.

Penakil là thuật ngữ để chỉ những người thợ mỏ khai thác than theo cách thủ công.
Penakil là thuật ngữ để chỉ những người thợ mỏ khai thác than theo cách thủ công.

Bây giờ là tháng 8/2021 và mặt trời đang thiêu đốt ở Darmo. Nhìn lướt qua bản tin thời tiết trên điện thoại di động sẽ xác nhận những gì mọi người ở đây đang cảm nhận. Nó ghi: "Nhiệt độ 33 độ C".

Darmo là một ngôi làng thuộc tỉnh Nam Sumatra, Indonesia. Đây là nơi có trữ lượng than lớn nhất được biết đến ở Indonesia. Theo số liệu do Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia cung cấp, có hơn 77.000 ha nhượng quyền khai thác than tại địa điểm này, trong tổng số diện tích 1 triệu ha của tỉnh.

Có khoảng 13 mỏ than có phép ở Nam Sumatra nhưng với trữ lượng hàng triệu tấn than, các mỏ khai thác bất hợp pháp đã mọc lên như nấm. Năm 2019, 8 mỏ khai thác bất hợp pháp đã bị đóng cửa.

Mohammad Ripan, 56 tuổi, là một trong số hơn 4.000 người ở Muara Enim sống phụ thuộc vào các mỏ khai thác bất hợp pháp, còn gọi là "mỏ cộng đồng" hoặc "mỏ của dân", thường được điều hành bởi tập thể cộng đồng cư dân địa phương. Ông là một penakil, thuật ngữ được người dân địa phương sử dụng để mô tả một người thợ khai thác than theo cách thủ công.

 Bên trong các mỏ khai thác lậu ở Indonesia, nơi than được gọi là lộc của trời: Thợ mỏ đào 100 bao than kiếm 11 USD/ngày  - Ảnh 1.

Có khoảng 200 mỏ cộng đồng tại Darmo với 4.000 người hoạt động khai thác than một cách bất hợp pháp.

Tại khu mỏ ở Darmo, Ripan vùng một chiếc cuốc, bẻ những cục than thành mảnh nhỏ hơn và cho vào bao tải. Mặc bộ quần áo rách nát, giày thể thao bạc màu do giặt nhiều và đội mũ lưỡi trai của Nhật Bản từ thời Chiến tranh thế giới thứ II, Ripan đặt mục tiêu là khai thác 100 bao tải than mỗi ngày. Nếu đạt mục tiêu, ông sẽ kiếm được 11 USD mỗi ngày.

"Tôi kiếm được khoảng 1.500 rupiah (0,11 USD) mỗi bao và tôi đã làm việc như vậy được 2 năm. Lúc đầu thật khó khăn nhưng sau một thời gian, bạn sẽ quen với nó", ông nói. Khoảng 200 mỏ cộng đồng như nơi Ripan đang làm việc hoạt động bất hợp pháp. Nó được "sở hữu" bởi Hiệp hội Cộng đồng than Muara Enim, có nghĩa là nó dược điều hành bởi các thanh viên của cộng đồng địa phương chứ không phải một công ty hợp pháp.

Những tổ chức này quản lý các khu mỏ cộng đồng với sự cho phép của chủ đất, thường là có kế hoạch chia sẻ lợi nhuận.

"Than đá, món quà này từ Thượng đế Toàn năng nên được mọi người, đặc biệt là những người sống trong các khu vực khai thác tận hưởng. Không chỉ các tập đoàn", Herman Effendi – Chủ tịch của Asmara cho biết khi được hỏi tại sao lại tồn tại những hoạt động bất hợp pháp như vậy.

 Bên trong các mỏ khai thác lậu ở Indonesia, nơi than được gọi là lộc của trời: Thợ mỏ đào 100 bao than kiếm 11 USD/ngày  - Ảnh 2.

Các ereng có thể chở 4-6 bao than mỗi lần từ khu vực khai thác để chất ra các xe tải.

Ông cho biết hầu hết khách mua than từ mỏ cộng đồng là các nhà máy dệt, may mặc và sắt ở các vùng khác của Indonesia. Mỗi ngày, các mỏ cộng đồng ở Muara Enim có thể khai thác khoảng 100 xe tải, tổng trị giá 600 triệu rupiah (42.000 USD).

Có khoảng 30-50 công nhân, cùng với lái xe, có mặt hàng ngày tại mỗi mỏ than. Họ không khai thác vào ban đêm vì trời tối và không có các thiết bị an toàn đắt tiền. Ngoài các penakil như Ripan, đội ngũ khai thác còn có các ereng – người lái xe máy và công nhân chất lượng bao tải than lên xe tải. Ripan đến khu mỏ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Đôi khi ông đeo khẩu trang nhưng trời quá nóng, ẩm ướt và ngột ngạt khiến công nhân không muốn bịt mũi, miệng.

"Nếu trời có gió và nhiều bụi, tôi sẽ đeo khẩu trang nhưng không thường xuyên vì khó thở", Ripan nói. "Việc chân của bạn bị bỏng cũng là chuyện thường, vì chúng ta đang đứng trên than đá, đúng không".

Thường sẽ có các quản đốc ở đó để nhắc nhở các thợ mỏ cẩn thận. Nếu một vụ lở đất xảy ra, nó có thể gây chết người giống như tai nạn tại một khu mỏ khác vào tháng 10/2020 đã khiến 11 công nhân thiệt mạng.

 Bên trong các mỏ khai thác lậu ở Indonesia, nơi than được gọi là lộc của trời: Thợ mỏ đào 100 bao than kiếm 11 USD/ngày  - Ảnh 3.

Các xưởng sửa xe nhỏ cũng mọc lên lân cận khu vực khai thác.

Ở bên cạnh khu mỏ nơi Ripan làm việc, có khoảng 30 công trình tạm bợ lợp mái bạt, nằm quây quần giữa nơi từng là đồn điền cao su. Đây là nơi sinh sống của các thợ mỏ và gia đình họ. Ngoài ra, nơi đây còn có các quầy hàng bán đồ ăn giá rẻ, cà phê và đồ uống lạnh cho thợ mỏ. Đôi khi có cả những dân buôn đi xe máy đến bán thịt viên và bánh bao. Một số công nhân đã di dời gia đình của họ, gồm cả trẻ em vì đã đủ "vốn" để mở xưởng nhỏ sửa chữa xe máy và xe tải chở than.

Rõ ràng, hoạt động khai thác ở đây tạo ra một vòng tròn kinh tế cỡ nhỏ. "Chỉ thiếu một cái chợ nhỏ ở đây", một thợ mỏ nói đùa.

Năm 2019, CNN Indonseia đưa tin 8 mỏ khai thác bất hợp pháp đã bị đóng cửa ở Nam Sumatra. Các mỏ này khiến Indonesia tổn thất 30 triệu USD doanh thu mỗi năm. Mặc dù bị coi là bất hợp pháp, các mỏ cộng đồng ở Darmo vẫn tiếp tục hoạt động mà không bị cản trở.

 Bên trong các mỏ khai thác lậu ở Indonesia, nơi than được gọi là lộc của trời: Thợ mỏ đào 100 bao than kiếm 11 USD/ngày  - Ảnh 4.

Nhiều người đưa cả gia đình đến khu vực lân cận mỏ than để tiện hơn cho công việc hàng ngày.

Theo ông Herman, trước khi khu mở bất hợp pháp được mở ở Darmo, tỷ lệ phạm tội ở mức rất cao nhưng từ khi có mỏ này, cộng đồng đã có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản và tỷ lệ tội phạm giảm xuống.

Theo Venpri Sagera, Tổng giám đốc phụ trách khai thác mỏ tại PT Bukit Asam, một công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước ở Muara Enim, khai thác cộng đồng không được đề cập trong luật pháp Indonesia nhưng hoạt động khai thác mỏ cộng đồng hiện tại là bất hợp pháp.

Tham khảo: SCMP

Đức Nam

Từ khóa:  khai thác than
Cùng chuyên mục
XEM