Bé 3 tuổi cầm giấy bố đưa tự lau nước đổ ra sàn

08/04/2016 20:54 PM | Sống

Một hành động nhỏ của bé gái 3 tuổi tại sảnh chờ sân bay đã khiến người lớn phải tự nhìn nhận lại ý thức công cộng của mình và nhất là cách dạy trẻ về văn hóa nơi công cộng của nhiều cha mẹ.

Bé 3 tuổi tự lau nước mình làm đổ ra sảnh chờ sân bay

Mới đây, bức ảnh chụp một bé gái 3 tuổi đang lau chỗ nước vừa làm đổ ra sàn ở sảnh chờ của sân bay Nội Bài đã được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng. Điều khiến bức ảnh có sức mạnh lan tỏa như vậy không chỉ là hành động của em bé mà chính là cách dạy con của bố đứa trẻ. Tác giả bức ảnh, anh Triệu Minh chia sẻ, sau khi thấy con đánh đổ nước ra sàn, thay vì "ngó lơ", bố bé không nói gì, liền đưa cho bé tờ giấy ăn và bé tự động ra lau chỗ nước vừa đánh đổ.

Nhiều độc giả bình luận, hành động của đứa trẻ 3 tuổi này đã khiến nhiều người trưởng thành phải hổ thẹn và đa số đều đồng tình quan điểm khen ngợi cách dạy con ý thức gìn giữ vệ sinh công cộng của cha bé: "Cái này phải khen ông bố. Cháu này lớn lên cũng sẽ có ý thức rất tốt", "Do ba mẹ dạy tốt mà"; "Cho con ý thức tự giác từ bé. Giáo dục tốt!"; Cô bé thật hạnh phúc vì đã được sinh ra trong một gia đình có nền giáo dục tốt. Đáng học hỏi họ lắm"; "Do giáo dục và hành động của người lớn tác động ý thức của bé từ nhỏ. Như các cụ hay bảo uốn cái cây phải uốn từ khi nó còn bé mà"; "Đây là bài học cần thiết với cháu bé để trở thành con người có ý thức sau này"....

Trước hành động này, có độc giả đã chia sẻ quan điểm của mình về cách dạy con ý thức ở nơi công cộng từ nhỏ: "Bố mẹ tốt, con sẽ tốt. Dù hàng ngày, xung quanh mình không thiếu hành động thiếu văn hóa nhưng không vì thế mà buông xuôi. Em vẫn kiên trì dạy con từ những cái nhỏ, uống sữa hay ăn bánh xong mà không có thùng rác thì cầm bỏ xe hoặc cho ba lô chờ đến thùng rác đổ, đi thang máy đứng sang một bên không đứng trước cửa... Vụ cầm rác chờ bỏ thì có lần vì không thấy thùng rác mà em quên mất vỏ bánh trong cốp xe máy, mãi sau con gái thấy hỏi bố mới nhớ ra".

Nhân vụ việc này, có một ông bố khác kể: "Con mình có lần đi chơi, đánh đổ nước ngọt ra bàn, còn vội vàng cởi áo khoác ra lau vì ko có giấy hay khăn lau. Nghĩ vừa thương vừa bực".

Và có một quan điểm rất đáng lưu tâm được ông bố Nguyễn Quốc Việt bình luận: "Có lần đang trong trung tâm thương mại cùng hội bạn, em thấy có 2 cái vỏ đồ chơi trẻ con nằm trên đường đi mà lúc ấy em đi cùng bạn bè, tự nhiên chúng nó thấy em dừng rồi cúi xuống nhặt rác bỏ vào thùng rồi chúng nó bảo: "Bị dở, ở nhà không quét nhà bao giờ rồi ra đường lại làm màu".

Nhìn bức ảnh, nhiều bình luận cho rằng đây không phải là em bé người Việt vì đa số cho rằng ý thức công cộng của người Việt chưa thật tốt và việc dạy con văn hóa ứng xử nơi công cộng của bố mẹ Việt cũng chưa được chú trọng.

Học sinh Nhật được dạy về văn minh công cộng từ mẫu giáo

Tại một số nước Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, một trong những việc khiến du khách khắp nơi vô cùng ngưỡng mộ cư dân các nước này đó là ý thức văn minh nơi công cộng. Để xây dựng được điều đó, chẳng hạn như ở Nhật Bản, người Nhật dạy trẻ về ý thức công cộng từ những điều rất cơ bản, nhỏ bé nhưng dạy một cách đều đặn mỗi ngày và dạy bằng thái độ nghiêm khắc.

Cụ thể chuyện một mẹ Nhật từng dạy con rằng thấy bất cứ nơi nào vòi nước chảy phải đóng vòi nước ngay, thấy ánh điện hay quạt chạy không người phải tắt điện ngay.

Học sinh Nhật ngay từ mẫu giáo cũng được dạy nhiều bài học quan trọng, trong đó có bài học im lặng khi di chuyển. Bất cứ nơi nào tập trung đông người, học sinh Nhật được dạy giữ im lặng và di chuyển nhẹ nhàng, trật tự, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đó là lý do tại Nhật, dù là ở siêu thị, thang máy, tàu điện... người dân luôn luôn xếp hàng trong trật tự, không hề có cảnh chen đẩy, xô lấn nhau nói chuyện ồn ào...


Ở Nhật thang cuốn được chia thành 2 bên, một bên được đứng yên, một bên phải di chuyển lên/xuống như đi thang bộ bình thường và người đi luôn xếp hàng lần lượt.

Ở Nhật thang cuốn được chia thành 2 bên, một bên được đứng yên, một bên phải di chuyển lên/xuống như đi thang bộ bình thường và người đi luôn xếp hàng lần lượt.

Ngoài ra, có thể kể đến một cách dạy trẻ ý thức công cộng rất đáng học hỏi đó là tại các trường học của Nhật, không phân biệt trường công lập hay dân lập, trường nghèo hay trường giàu, trường ở thành phố hay ở thôn quê thì mỗi em học sinh đều phải tham gia lau dọn trường lớp, lần lượt thay phiên trực nhật, quét dọn lớp học, và các khu vực công cộng như sân bóng rổ, cầu thang, hành lang lớp học...

Các hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu về trách nhiệm với bản thân, chăm sóc người thân, và việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Chính vì thế mà khi đến Nhật có thể thấy những con đường, những công viên sạch sẽ đến bất ngờ dù các thùng rác công cộng xuất hiện khá ít ỏi. Ở một số nơi, chẳng hạn như các tiệm ăn nhanh, tiệm cafe, sau khi ăn xong khách hàng phải tự dọn bàn ăn sạch sẽ, đem khay ăn trả lại cho nhà hàng....

Cách cha mẹ Mỹ dạy con ứng xử nơi công cộng khiến thế giới phải nể phục

Không chỉ là một cường quốc, luôn đứng đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, công nghệ… Mỹ còn là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ nhỏ. Những cách mà bố mẹ Mỹ dạy con trẻ ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng sau đây có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ ở các nước khác trên thế giới phải nể phục.

- Trẻ em Mỹ luôn phải thích ứng với sinh hoạt trong gia đình và tuân thủ những quy tắc cơ bản bao gồm cả phép lịch sự nơi công cộng, quan hệ xã hội. Chúng luôn được dạy phải nói lời cám ơn khi ai đó đưa món đồ cho mình, giúp đỡ mình làm việc gì đó hoặc tỏ thái độ vui vẻ với khách đến nhà.

- Cha mẹ Mỹ luôn hướng dẫn trẻ cách chào đón các bạn mới. Nguyên tắc chung mà họ luôn truyền đạt cho trẻ đó chính là nếu trẻ không hòa đồng thì sẽ không thể tham gia vào bất cứ trò chơi tập thể nào khác cùng các bạn.


Cha mẹ Mỹ quan niệm rằng trật tự nơi công cộng là việc cần được duy trì với bất kỳ ai, dù người lớn hay là trẻ nhỏ.

Cha mẹ Mỹ quan niệm rằng trật tự nơi công cộng là việc cần được duy trì với bất kỳ ai, dù người lớn hay là trẻ nhỏ.

- Ở những nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị, thậm chí toilet công cộng, trẻ nhỏ luôn được hướng dẫn phải cư xử như thế nào cho “phải phép”. Chẳng hạn như khi phục vụ đưa đồ ăn ra thì nói lời cảm ơn, đi vệ sinh đúng nơi quy định ở các công viên.

- Tự giác xếp hàng ở nơi đông người: Cha mẹ Mỹ quan niệm rằng trật tự nơi công cộng là việc cần được duy trì với bất kỳ ai, dù người lớn hay là trẻ nhỏ. Xếp hàng chờ đến lượt là một việc không to tát gì nhưng hành động đó thể hiện phẩm chất, đạo đức của con người. Vì thế cha mẹ Mỹ luôn chú ý đến hành vi của con, giúp bé hình thành thói quen xếp hàng ở mọi nơi như: Lấy đồ ăn ở nhà hàng; khi lên xe buýt, tàu điện ngầm; khi đi thang máy... Bên cạnh đó, để tôn trọng không gian riêng tư, họ luôn để con giữ khoảng cách với người khác, tránh tình trạng xô đẩy lẫn nhau và họ luôn là tấm gương tốt cho con cái.

- Không vứt rác bừa bãi: Cha mẹ Mỹ rất chú trọng bảo vệ môi trường, luôn quan tâm đến việc dạy con bảo vệ môi trường bằng các việc như: không vứt rác bữa bãi nơi công cộng, dạy con biết cách phân loại và tái sử dụng rác...

- Không làm ồn ở nơi công cộng: Cha mẹ Mỹ cho rằng, gây mất trật tự ở nơi công cộng là hành vi thiếu văn hóa. Nếu để ý có thể thấy người Mỹ không bao giờ lớn tiếng cười nói hay hò hét ở nơi công cộng. Họ rất chú ý rèn luyện con, thông qua lời nói để làm gương cho con; hoặc dùng những giao ước để con giữ trật tự nơi đông người.

Theo Lý Trang

Cùng chuyên mục
XEM