“Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm

17/04/2023 10:36 AM | Xã hội

"Bảo hiểm" là một từ khóa được báo chí nhắc đến nhiều và dư luận quan tâm trong tuần.

Một nghệ sĩ livestream cho rằng mình đã bị lừa mua bảo hiểm với một số điều khoản không được tư vấn rõ ràng. Dù chỉ là một câu chuyện lùm xùm của một người nổi tiếng nhưng thực tế, sau sự việc này, nhiều khía cạnh của kinh doanh bảo hiểm hay tư vấn bảo hiểm cần được phân tích, đánh giá lại. Nhiều người đã phải giật mình tìm lại hợp đồng bảo hiểm của họ để đọc lại các điều khoản, hoặc liên hệ với nhân viên tư vấn. Trên nhiều tờ báo, từ "bẫy ngẫm" trong các hợp đồng bảo hiểm được nhắc đến.

Phản ánh về nhiều loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cách đóng phí kéo dài đều đặn 10 - 20 năm, báo Tuổi trẻ cho rằng không phải ai cũng có đủ hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ nên mới cần tư vấn. Nếu tư vấn bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư sinh lời sẽ dễ khiến khách xuống số tiền lớn để mua. Tuy nhiên, tư vấn như vậy là sai bản chất, khách có thể đóng phí năm thứ nhất, nhưng các năm tiếp theo thì chưa chắc, vì nhiều biến cố có thể xảy ra khiến khách khó duy trì đóng phí.

"Bẫy ngầm" trong hợp đồng bảo hiểm: "Sập hầm" ở phần phụ lục

“Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 1.

Sau những lùm xùm mua bảo hiểm, khách hàng cần đặc biệt cẩn thận hơn khi đặt bút ký hợp đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Báo Thanh Niên cho rằng, một hợp đồng thường dày cộm, nên đa số có thói quen phó thác hết cho đại lý tư vấn. Tuy nhiên ngay cả người đọc kỹ vẫn có thể dính bẫy bởi hợp đồng bảo hiểm có nhiều trang phụ lục và nhiều quy định bẫy người mua nằm ở đây, xoay kiểu gì người mua cũng bị thiệt hại khi xảy ra sự cố. Ví dụ hợp đồng quy định mua sau 1 năm, 2 năm hay 5 năm có thể thanh lý và không nêu rõ khoản thu về còn lại bao nhiêu, nhưng trong phụ lục ghi chỉ thu lại được 25 - 30% khoản đã đóng.

Theo báo chí phản ánh, nhiều trường hợp đại lý tư vấn bị ép về số lượng nên dẫn đến việc phải tìm mọi cách để khách hàng ký hợp đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm đừng đẩy khó cho khách hàng

Theo báo Nông thôn ngày nay, thực tế, một số ít trường hợp người tư vấn đã tư vấn hay thông tin chưa chính xác cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

Điều này một phần là do chưa hiểu biết đủ sâu về sản phẩm, cũng có những người cố tình tư vấn mập mờ khiến khách hàng hiểu sai về các điều khoản và quyền lợi khi bán bảo hiểm cho khách. Thậm chí có tình trạng xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Vấn đề ở đây là đạo đức của người tư vấn bảo hiểm.

Vì vậy, trong nhiều góp ý để tránh những lùm xùm về việc mua bảo hiểm nhân thọ, theo các chuyên gia, việc kiểm soát chất lượng đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa.

Theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, các doanh nghiệp bảo hiểm ngoài việc thường xuyên đào tạo, đào tạo lại nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ tư vấn viên, cần có các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn của tư vấn viên. Đối với hoạt động tư vấn những sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, cần yêu cầu ghi âm lại quá trình tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Đây cũng là quy định mới tới đây Bộ Tài chính sẽ yêu cầu áp dụng.

Chuyện gì xảy ra nếu người dân tẩy chay bảo hiểm nhân thọ?

Một số ý kiến cho rằng, nhiều khách hàng đã đọc không kỹ hợp đồng, nhưng vì khách hàng không rành nên mới cần đại lý tư vấn.

Do đó, tờ Tuổi trẻ bình luận: "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng và thật vào những con số hào nhoáng tăng trưởng tốt, tăng trưởng bất chấp khủng hoảng của ngành bảo hiểm nhân thọ để nhìn lại: Chúng ta cần phát triển thị trường hay chỉ đơn thuần là tăng trưởng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người dân tẩy chay bảo hiểm nhân thọ, để rồi khi họ gặp cảnh hiểm nghèo không ai giúp đỡ và chỉ còn biết nói "phải chi...". Ngành bảo hiểm không sai, khách hàng không sai, chủ trương Nhà nước không sai. Chỉ có những người làm nghề bất nhân là sai!".

Thực tế, những trường hợp tư vấn hời hợt cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Nhìn chung, bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai. Do đó, sau những lùm xùm mua bảo hiểm, khách hàng cần đặc biệt cẩn thận hơn khi đặt bút ký hợp đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tăng cường kiểm tra, giám sát các đại lý

Còn về phía cơ quan quản lý, trong động thái mới nhất, theo tờ Thời báo tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm; đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Còn khách hàng, trong quá trình được tư vấn về sản phẩm, cần chủ động yêu cầu đại lý tư vấn, giải thích cặn kẽ các nội dung điều khoản, đừng vì tâm lý ngại làm phiền vì mua ủng hộ người quen, hay ngại đọc, ngại tìm hiểu mà ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Theo Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM