Bắt tay Amazon, lượng nhà buôn Việt đạt doanh thu từ 1 triệu USD tăng gấp 3 lần sau 1 năm

16/06/2021 15:31 PM | Kinh doanh

Rất nhiều nhà buôn Việt Nam đang làm giàu trên sàn TMĐT lớn nhất thế giới.

Tờ Nikkei đưa tin, Amazon – sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới đang đẩy mạnh việc tuyển người bán hàng tại Việt Nam. Đây được cho là bước đi nhằm giúp Amazon cạnh tranh với Alibaba.

Sự tập trung hướng vào Việt Nam như một phần trong chiến lược mở rộng ra nước ngoài của Amazon trong việc tiếp cận các nhà cung ứng ở châu Á. Và chiến lược này dường như đã bắt đầu mang lại trái ngọt. Phía công ty nói rằng số lượng các nhà buôn xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá ít nhất 1 triệu USD từ Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái khi nhiều khách hàng buộc phải bị mắc kẹt ở nhà do các lệnh phong tỏa.

Amazon từ chối câu hỏi của Nikkei về vấn đề cụ thể có bao nhiêu nhà buôn ở Việt Nam đã vượt mốc doanh số 1 triệu USD nhưng họ nói rằng con số này đã tăng nhờ nhu cầu lớn với các dụng cụ, đồ nhà bếp, quần áo.

"Các nhà buôn Việt Nam đã làm phong phú chọn lựa sản phẩm toàn cầu của chúng tôi", ông Gijae Seong – Chủ tịch Amazon Global Selling Việt Nam nói.

Nikkei cũng nhận định hiện Việt Nam đang là nguồn cung ứng quần áo, cà phê và hải sản hàng đầu của thế giới, làm việc với những nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự nổi lên của thương mại điện tử có nghĩa là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn có thể gửi hàng hóa thẳng tới cho khách hàng ở nước ngoài. Xu hướng này được Amazon nhận định sẽ còn thúc đẩy nhanh hơn nữa.

Amazon Global Selling đã mở văn phòng tại nhiều địa điểm ở châu Á gồm Trung Quốc, Thái Lan… Hồi tháng 3, họ đã thiết lập văn phòng tại Hà Nội và sau đó bổ sung thêm chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Seong nói rằng các công ty "có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất" ở Việt Nam – nơi làn sóng tái định vị lại địa điểm sản xuất từ Trung Quốc đang bắt đầu. Việt Nam là nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 của Mỹ vào năm 2015 và năm 2020, họ đã vươn lên vị trí thứ 6.

Trong khi đó, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, sự thật càng được củng cố trong bối cảnh người Mỹ bị mắc kẹt ở nhà vì đại dịch và họ cần những hàng hóa từ Việt Nam.

"Nếu có nhiều nhà cung ứng hơn trên nền tảng, sự cạnh tranh sẽ đẩy lên cao hơn. Điều đó thúc đẩy giá giảm và thu hút nhiều khách hàng hơn. Họ cũng sẽ gắn bó hơn".

Điều đó tạo ra "vòng quay không ngừng" khi nhiều người mua thu hút nhiều người bán hơn và ngược lại.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều công ty Việt Nam mở kinh doanh online hơn. Một nghiên cứu trong năm nay cho thấy 22% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng online vào năm 2020, tăng từ 13% vào năm 2015.

Tuy nhiên, Amazon và cả đối thủ Alibaba đều đang gặp chung 1 vấn đề. Cả 2 đã đối mặt với chỉ trích nặng nề về vấn đề giải quyết hàng nhái và chính sách với người bán hàng.

Để cải thiện tình hình, phía Amazon và cả Alibaba đã tổ chức những khóa đào tạo cho hàng trăm doanh nghiệp trên khắp cả nước, giúp họ học cách làm mọi thứ từ niêm yết sản phẩm, đăng ký thương hiệu đến chuyển hàng thông qua hệ thống Fulfillment...

Nguồn: Nikkei

Vân Đàm

Từ khóa:  amazon
Cùng chuyên mục
XEM