Bất ổn thế giới gia tăng, VNDirect hạ dự báo GDP 2022 của Việt Nam

16/04/2022 13:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia của VNDirect quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ. Song, các chuyên gia lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Sóng gió bên ngoài đang nổi lên

Báo cáo cập nhật vĩ mô của CTCK VNDirect (VND) cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi trong quý 1/2022. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá cả hàng hóa leo thang để ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.

Trong ba trụ cột của nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động mạnh bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng, qua đó ghi nhận tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động do các ca nhiễm COVID-19 bùng nổ và gián đoạn chuỗi cung ứng là những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo chậm lại trong quý đầu tiên của năm 2022. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quý 1/2022 giảm xuống mức 2,6% so với cùng kỳ, từ mức tăng trưởng 6,5% trong quý 1/2021.

Bất ổn thế giới gia tăng, VNDirect hạ dự báo GDP 2022 của Việt Nam - Ảnh 1.

GDP Việt Nam tăng trưởng 5,0% so với cùng kỳ trong quý 1/2022. Nguồn: VND.

Trong quý 1/2022, tỷ suất lợi nhuận của các công ty xây dựng đã bị thu hẹp do giá vật liệu xây dựng tăng, khiến cho tiến độ một số dự án bị chậm lại. Về mặt tích cực, phân ngành khai khoáng tăng 1,8% so với cùng kỳ nhờ giá nguyên liệu cơ bản tăng, đặc biệt là than và dầu thô. VND nhận định, đây là quý đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương khi so sánh với cùng kỳ kể từ quý 4/2019.

VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1%

Qua đó, báo cáo cho rằng, đà phục hồi kinh tế trong nước đang được hỗ trợ, bởi vì Việt Nam dần dịch chuyển trạng thái sang sống chung với COVID-19 và coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy vậy, nền kinh tế lại phải đối mặt với những bất ổn bên ngoài gia tăng.

Đầu tiên, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới do khủng hoảng Nga-Ukraine có thể thu hẹp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, nhiều tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 để phản ánh những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Cụ thể, Economist Intelligence (EIU) đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực châu Âu trong năm 2022 xuống mức 2%, từ dự báo trước đó là 3,9%.

Triển vọng tăng trưởng suy yếu tại châu Âu cũng kéo theo tăng trưởng chậm lại trên quy mô toàn cầu. Theo đó, Tổ chức Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn một điểm phần trăm trong năm đầu tiên.

Trong bối cảnh người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản thắt chặt chi tiêu, VND đánh giá nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể sẽ giảm, đặc biệt là hàng lâu bền và hàng tiêu dùng.

Thứ hai, đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chậm lại do giá vật liệu xây dựng và chi phí logistic gia tăng. Theo IHS Markit, tổ chức cung cấp chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam hàng tháng, đã chỉ ra rằng trong tháng 3 vừa qua, giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 11 năm qua.

Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số PMI của Việt Nam tháng vừa qua giảm xuống mức 51,7 điểm từ mức 54,3 điểm của tháng trước đó. Vì vậy, chuyên gia của VND quan ngại rằng, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong quý 2/2022 do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bất ổn thế giới gia tăng, VNDirect hạ dự báo GDP 2022 của Việt Nam - Ảnh 2.

Các dự báo vĩ mô chính cho năm 2022. Nguồn: VND.

Thứ ba, Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến, làm điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, làm thu hẹp dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cuối cùng, việc Trung Quốc duy trì chính sách zero-Covid có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 165,9 tỷ USD vào năm 2021.

Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD (chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Do đó, báo cáo đánh giá, diễn biến dịch bệnh và chính sách zero-COVID của Trung Quốc có thể sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những quý tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá hàng hóa leo thang và FED thắt chặt chính sách tiền tệ, các chuyên gia của VNDirect quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ (dự báo trước đó là 7,5%). Song, các chuyên gia lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Riêng với quý 2/2022, báo cáo nhận định, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, cải thiện từ mức 5,0% trong quý 1/2022 và CPI bình quân quý 2/2022 ước tăng 3,1% so với cùng kỳ do giá hàng hóa tăng cao.

Theo Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM