Bất ngờ tại phiên xử Đường "Nhuệ": Nhiều luật sư bào chữa đứng dậy ra về

17/11/2021 17:00 PM | Xã hội

Luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Dương đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại vì cho rằng "có nhiều lời khai không khách quan". Nhiều luật sư khác cùng quan điểm.

Sáng 17/11, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình quyết định cho phiên xử Nguyễn Xuân Đường ( Đường "Nhuệ ") tiếp tục sau những đề nghị tạm hoãn của bị cáo và các luật sư bào chữa.

Trong phần công bố khai mạc phiên tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (tức Tiến "Trắng" ) đã từ chối các luật sư được mời bảo vệ quyền lợi cho mình. Bị cáo nhiều lần không trả lời các câu hỏi của chủ tọa.

Khi được cho phép trình bày tâm tư nguyện vọng, Tiến giơ tờ giấy lên đọc và khẳng định sai phạm đến đâu xin chịu đến đó, nhưng cho rằng mình không có tội. Bị cáo này cho rằng, bản thân đã bị bố nuôi đổ trách nhiệm trong nhiều vụ án.

Còn Nguyễn Xuân Đường đề nghị HĐXX triệu tập những người liên quan trong vụ án, cụ thể, đó là những bị hại (chủ cơ sở dịch vụ tang lễ) mà Đường nói họ chỉ là đối tác làm ăn và muốn thay đổi kiểm sát viên.

Một luật sư khác là người bào chữa cho Nguyễn Thị Dương đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại vì "có nhiều lời khai không khách quan". Các luật sư khác bảo vệ cho 7 bị cáo cùng quan điểm, họ cho rằng vụ án vi phạm quy định tố tụng.

Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa nêu quan điểm, yêu cầu thay đổi kiểm sát viên của bị cáo Đường không có cơ sở chấp nhận. Các bị hại, nhân chứng, người liên quan vắng mặt nhưng đã có lời khai tại giai đoạn điều tra, nếu cần sẽ công bố nên HĐXX quyết định tiếp tục làm việc.

Đáp lại quyết định của tòa, 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng HĐXX vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng, không tôn trọng pháp luật nên cùng ra về, không tham gia phiên tòa. Chỉ còn luật sư của bị cáo Úy ở lại.

Gần trưa, bản cáo trạng truy tố tội danh các bị cáo mới được các cơ quan tiến hành tố tụng công bố.

Theo đó, năm 2017, Nguyễn Đường được một người ở Thái Bình nhờ giúp đỡ để mở cơ sở tang lễ nên tới gặp ông Trần Đình Giao, Chủ tịch đơn vị sở hữu Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở Nam Định, bàn hợp tác. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2017, Đường cùng đồng bọn ép đại diện Đài hóa thân Thanh Bình phải ngừng hoạt động ở tỉnh Thái Bình.

Đường còn tự xưng là "Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình". Ông ta cùng con nuôi Tiến "Trắng" tổ chức gặp các chủ cơ sở làm dịch vụ tang lễ, yêu cầu chỉ hoạt động trong địa bàn anh ta cho phép và phải nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng . Những ai chống đối sẽ bị người của Đường đe dọa. Những người muốn kinh doanh dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình buộc phải chấp nhận các yêu cầu trên, tham gia "Hiệp hội tang lễ Thái Bình".

Cơ quan tố tụng cáo buộc, từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, nhóm của Đường "Nhuệ" cưỡng đoạt của 25 chủ cơ sở tang lễ, tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Trong vụ án, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", SN 1971, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) bị truy tố tội "cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự. Ông ta bị cho là chủ mưu, chỉ đạo đàn em "đàn áp, thu tiền".

Hầu tòa cùng tội danh có Ninh Đức Lợi (SN 1974, trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình); Phạm Văn Uý (SN 1989, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú tại huyện Kiến Xương, Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, thường gọi là Tiến "trắng", con nuôi Đường "Nhuệ"); Nguyễn Việt Cường (SN 1974, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) và Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ Đường "Nhuệ").

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM