Bất chấp tác động của Covid-19, TECHFEST VIETNAM đem lại gần 700 lượt kết nối với tổng giá trị cam kết đầu tư gần 20 triệu USD

12/11/2020 12:19 PM | Công nghệ

Sau các kỳ tổ chức, TECHFEST VIETNAM đã có sự tham gia của hơn 500 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế với gần 700 lượt kết nối đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư gần 20 triệu đô la Mỹ.

Được khởi xướng từ năm 2015, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST VIETNAM) bao gồm chuỗi các hoạt động kết nối và quy tụ các thành phần của hệ sinh thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được tổ chức thường niên từ quy mô cấp địa phương, cấp vùng, quốc gia và quốc tế. Trong 5 năm triển khai, TECHFEST đã có 15 địa phương đăng cai tổ chức ở cấp. Với quy mô quốc , sự kiện đã thu hút được khoảng 30.000 lượt người tham dự trong đó tỷ lệ chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế luôn đạt trên 40%.

Năm 2018 là lần đầu tiên Bộ KH&CN phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp – Một diễn đàn dành riêng cho cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đối thoại với Thường trực Chính phủ trong khuôn khổ TECHFEST. Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đã đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đột phát cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Năm 2019, lần đầu tiên TECHFEST được tổ chức ở quy mô quốc tế tại 3 hệ sinh thái phát triển là Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore, tạo cơ hội cho 20 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nổi bật của Việt Nam tiếp cận với thị trường và hơn 100 nhà đầu tư quốc tế.

Năm 2020, cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả trong những lúc khó khăn này, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chứng tỏ được khả năng thích ứng và đột phá không chỉ trong tăng trưởng mà còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành cùng Bộ KHCN tổ chức TECHFEST 2020 với thông điệp "Thích ứng - Chuyển đổi – Bứt phá" nhằm chào đón các chuyên gia, nhà đầu tư trong khu vực và thế giới đến với Việt Nam - một hệ sinh thái đang từng bước được khẳng định trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới.

Diễn đàn sẽ tập trung chia sẻ, thảo luận về một số nội dung sau: (1) Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; (2) Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; (3) Nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; (4) Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện.

TECHFEST vẫn được tổ chức theo mô hình Làng công nghệ, vừa thể hiện được sự gắn kết cộng đồng - yếu tố then chốt để hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như đảm bảo sự thuận lợi trong việc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nhà đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo từng lĩnh vực cụ thể. 

Năm 2020, TECHFEST được thiết kế gồm 12 Làng công nghệ. Ngoài các Làng công nghệ theo mô hình trước đây, năm nay TECHFEST bổ sung thêm Làng công nghệ tiên phong (Frontier Tech) với mục tiêu nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các giải pháp công nghệ tiên tiến của thế giới, trong đó có cả các công nghệ do chính người Việt Nam tạo ra. Làng công nghệ tác động xã hội do UNDP điều phối vẫn được thiết kế để khẳng định vai trò của sự sáng tạo bền vững, có tác động tích cực với cộng đồng.

TECHFEST 2020 cũng ghi nhận sự tham gia lần đầu tiên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp với 2 hội nghị lớn do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao tổ chức.

Chuỗi hoạt động kết nối đầu tư của TECHFEST sẽ được diễn ra thông qua 04 hoạt động bao gồm: Hội thảo "Đầu tư tác động"; Chuỗi Mini Matching Online 1-1 trước thềm sự kiện (Gồm 2 buổi Mini Matching giữa 1 nhà đầu tư gặp 1 startup trong 1 phiên); Investing Matching - Ngày hội kết nối đầu tư. Sau các kỳ tổ chức, TECHFEST VIETNAM đã có sự tham gia của hơn 500 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế với gần 700 lượt kết nối đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư gần 20 triệu đô la Mỹ.

Bất chấp tác động của Covid-19, TECHFEST VIETNAM đem lại gần 700 lượt kết nối với tổng giá trị cam kết đầu tư gần 20 triệu USD - Ảnh 1.

Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn khổ TECHFEST là cuộc thi chính thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam để lựa chọn ra đại diện tham gia cuộc thi toàn cầu Startup Worldcup. Năm 2018, startup Abivin sau khi giành giải nhất TECHFEST đã được tham gia và gianh ngôi vô địch thế giới, đây là niềm tự hào cũng như động lực thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chất lượng nhất tham gia.

 Bên cạnh đó là các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức như Vòng Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Startup Hunt 2020 với chủ đề "Chuyển đổi số Nông nghiệp", Tổng kết Hành trình Thanh niên khởi nghiệp 2020 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch" và Hội thảo "Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi  nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên".

Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST VIETNAM với chủ đề "Thích ứng - Chuyển đổi – Bứt phá" và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 - "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" sẽ diễn ra tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội vào chiều ngày 27/11; cùng với đó hơn 40 hoạt động hội nghị, hội thảo, cuộc thi, kết nối đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ diễn ra từ ngày 26 -29/11 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cá nhân, tổ chức, mạng lưới uy tín hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước, quốc tế.

Đại học Kinh tế Quốc Dân đang được định hướng trở thành trung tâm, đầu mối hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học và liên kết với mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế. Vừa qua, Bộ KHCN đã có hợp tác toàn diện với nhà trường để từng bước hình thành mô hình kết hợp giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp, tận dụng các chính sách ưu đãi, cơ sở vật chất sẵn có cùng với nguồn lực sáng tạo phong phú của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên và đội ngũ doanh nghiệp có liên kết để thực sự trở thành cái nôi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng cho các trường đại học, cao đẳng khác trên cả nước, góp phần vào quá trình tự chủ đại học cũng như hình thành các trường đa ngành, tạo môi trường cho sinh viên chủ động, sáng tạo, vừa học, vừa làm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM