Bất bình đẳng giới nhìn từ mâm cơm Tết

14/02/2018 19:39 PM | Kinh doanh

29 Tết. Trong ngày tất niên ở một gia đình, các mẹ các chị luôn tay luôn chân phục vụ từ nhà bếp đến bàn ăn: thêm món này, dọn dĩa kia, thêm bát đũa... Với các chị em, Tết này sẽ lại là một lịch trình dài những ngày nấu nướng, dọn dẹp. Trong khi đó, quanh mâm cơm thịnh soạn, các đấng mày râu ung dung ngồi rung đùi, chén tạc chén thù.

Chẳng cần nhìn đi đâu xa, chỉ nhìn vào mâm cơm ngày Tết của người Việt cũng đủ thấy, những vất vả của người phụ nữ và bất bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng để bàn.

Phụ nữ Việt làm việc không lương 5 giờ/ngày

Đó là kết quả nghiên cứu về công việc chăm sóc không lương (nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…) được thực hiện bởi Vụ Bình đẳng giới và Tổ chức ActionAid tại 9 tỉnh thành tại Việt Nam. Việt Nam hiện có 22 triệu phụ nữ. Tính ra, mỗi năm phái nữ nước ta phải dành ra 13 triệu ngày để làm việc nhà. Nếu mỗi ngày trả công cho các chị em 100.000 - 150.000 đồng thì công sức làm việc nhà cả năm của phụ nữ Việt Nam khoảng 41 tỷ USD – hơn 20% GDP Việt Nam năm 2015.

Trong khi đó, thời gian làm việc nhà trung bình của đàn ông Việt Nam là 2 – 2,5 giờ/ngày. Các đấng mày râu được ưu tiên hơn nữ giới trong những hoạt động mang lại hiệu quả bằng tiền hoặc nghỉ ngơi, học hành.

Theo một khảo sát mới đây trên 600 gia đình tại Hà Nội và TPHCM của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 88% các ông chồng ở hai thành phố lớn trong độ tuổi từ 25-50 vẫn giữ quan niệm xưa cũ rằng bếp núc là công việc đương nhiên của người phụ nữ.

Và thiệt thòi…

Có một sự thật là việc không lương lại bị xem nhẹ bởi cộng đồng, trong đó có cả người phụ nữ. Dù vất vả, dù bị ngốn mất thời gian cho nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc bản thân. Dù với nhiều người, việc nhà lấy đi cơ hội đi làm có lương, học tập, phát triển, tham gia vào xã hội… thì việc không lương bị coi là việc vặt, việc không quan trọng, cũng như công sức phụ nữ bỏ ra dành cho công việc này.

Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã hội (ISDS), một trong những yếu tố chủ chốt quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam là việc xã hội giao trọn nhiệm vụ chăm sóc gia đình cho người phụ nữ.

Ở nông thôn, rất nhiều phụ nữ trẻ mới cưới phải bỏ lỡ cơ hội đi làm có lương để ở nhà chăm con nhỏ. Ở thành thị, than thở về vất vả việc nhà len lỏi vào chốn công sở. Những người phụ nữ có sự nghiệp, công việc ổn định và thu nhập cao vẫn thường xuyên mệt mỏi vì chuyện gia đình. Rất nhiều người trong số họ chỉ có một mong ước bình dị là được nghỉ một ngày: không việc nhà, không con cái, không lo toan. Và vào những ngày Tết, tất nhiên phụ nữ cũng không thể ngơi nghỉ. Lịch trình nấu nướng, dọn dẹp… thậm chí còn dày đặc hơn cả ngày thường.

Theo thông tin về thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong Quý 1/2017, chỉ 71% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào nền kinh tế so với 81% nam giới. Theo con số công bố bởi Tổng cục thống kê, thu nhập của lao động nữ trung bình thấp hơn 12% so với lao động nam. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 25% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả nước.

Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM phát biểu tại một sự kiện trong năm 2017: "Ngày càng có nhiều phụ nữ có học vấn, năng lực và khả năng sáng tạo không kém gì nam giới. Tuy nhiên, trong quá trình thăng tiến và vươn lên trong công việc, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn nam giới, như trách nhiệm với gia đình, sự thiên vị trong thăng tiến và lựa chọn nghề nghiệp."

Một nửa dân số Việt Nam là phụ nữ. Họ có tiềm năng trong việc phát triển thu nhập, thoát khỏi đói nghèo và góp phần quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội. Nhìn rộng ra thế giới thì mỗi năm, phụ nữ tại các nước đang phát triển bị lấy đi khoảng 9000 tỷ - số tiền có thể đem lại lợi ích không chỉ cho phụ nữ mà còn cho các cộng đồng và tạo động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế. Theo một báo cáo năm 2015 của trung tâm nghiên cứu McKinsey, GDP của Ấn Độ có thể cao hơn 60% trong năm 2025 nếu phụ nữ cũng có vai trò tương đương nam giới.

Quay về chuyện mâm cơm Tết, chúng ta hiểu rằng bất bình đẳng giới vẫn còn trong từng nếp ăn nếp ở của các gia đình Việt Nam. Người phụ nữ, dù mệt mỏi, cũng đã tự coi những việc không lương là trách nhiệm đương nhiên của mình. Những bé gái lớn lên trong mâm cơm đó sau này cũng mặc định chuyện dọn dẹp, quét nhà, rửa chén… hết thảy đều là việc "trời sinh" của nữ giới. Cứ như vậy, những mâm cơm Tết đàn ông ngồi rung đùi và phụ nữ bưng bê sẽ còn đến bao giờ?

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM