img
Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 1.

Trong Hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: "Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số" vừa diễn ra, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 97% trong số đó là doanh nghiệp SME. Trên thực tế trong giai đoạn trước khi Covid - 19 xuất hiện, nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn luôn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh phức tạp khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà gần như trở thành điều kiện tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện mới.

"Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Có như vậy doanh nghiệp mới thích ứng được với điều kiện thị trường mới", Ông Đào Việt Hùng - Trưởng đại diện của Akamai Technologies Việt Nam khẳng định.

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 2.

Lấy ví dụ từ thị trường thương mại điện tử (TMĐT) có thể thấy rõ tác động của quá trình chuyển đổi số lên chất lượng dịch vụ trong mùa dịch. Sách trắng thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 đã cho thấy tốc độ tăng trưởng của TMĐT ổn định ở mức 18% với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD, hiện có khoảng 53% dân số đã tham gia mua bán bằng hình thức TMĐT. Dựa trên sự chuyển động thực tế của thị trường, báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 của VECOM đã dự báo rằng tới năm 2025, quy mô của ngành TMĐT Việt Nam cán mốc 52 tỷ USD.

Hay như trong lĩnh vực thanh toán online, báo cáo "SYNC Đông Nam Á" của Facebook và Bain & Company dựa trên khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 Giám đốc điều hành cấp C tại 6 quốc gia ASEAN đã đưa ra những thông tin mới cho thấy thị trường giàu tiềm năng phát triển. Báo cáo này chỉ ra rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch, 70 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số tại Đông Nam Á và ước tính đã đạt 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số vào cuối năm 2021. Tại Việt Nam, cứ 10 người tiêu dùng thì có 7 người sử dụng kỹ thuật số, dự báo đến cuối năm 2021 có 53 triệu người tham gia thanh toán online. Hiện tại thanh toán trực tuyến đang tăng nhanh với tốc độ trung bình 80%/năm và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa qua thương mại điện tử (GMV) ước tính đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, lớn hơn 4,5 lần so với con số dự báo vào năm 2021.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành TMĐT và thanh toán online để thấy rằng chuyển đổi số đang là yêu cầu tất yếu của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mới. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công và mang lại trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng thì doanh nghiệp sẽ phải đồng thời giải quyết được bài toán về đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Theo chia sẻ của đại diện Akamai Technologies, tội phạm mạng thường nhắm đến đánh cắp dữ liệu cá nhân trong ngành bán lẻ, du lịch và khách sạn; tấn công DDoS vào các ứng dụng và website trong những đợt cao điểm mua sắm; sử dụng bot nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 3.

Cùng với quá trình phát triển nhanh chóng của công nghệ, các cuộc tấn công mạng diễn ra cũng ngày càng tinh vi hơn, gia tăng mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng sâu rộng hơn. Báo cáo về Tình trạng Internet/Thông tin Bảo mật năm 2021 của Akamai Technologies cho thấy, 63% các cuộc tấn công là nhồi nhét thông tin danh tính, 41% là các cuộc tấn công ứng dụng web. Trong số các lĩnh vực kinh tế thì ngành tài chính và TMĐT vẫn là các mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công an ninh mạng. Dữ liệu thực tế từ các cuộc tấn công được Akamai Technologies ngăn chặn ước tính có hơn 1,3 triệu cuộc tấn công mỗi giờ.

Việc thông tin khách hàng bị đánh cắp, dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp bị rò rỉ không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp mà còn làm sụt giảm lòng tin của khách hàng. Có nhiều doanh nghiệp đã phải bồi thường cho khách hàng, thậm chí nghiêm trọng hơn còn dẫn đến những tranh chấp pháp lý phức tạp. Bởi vậy, sẽ thật dễ hiểu khi chứng kiến sự rời bỏ của người dùng khi họ gặp phải những vấn đề liên quan đến an toàn dữ liệu khi giao dịch điện tử.

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 4.

Nhận biết trước nguy cơ và triển khai kịp thời biện pháp bảo mật hữu hiệu là giải pháp dành cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Là doanh nghiệp công nghệ đến từ Mỹ, Akamai Technologies với hơn 22 năm hoạt động trên thị trường quốc tế đã trở thành đơn vị uy tín về phát triển các giải pháp bảo mật API và ứng dụng website. Giải pháp của Akamai Technologies đảm bảo đồng thời an toàn thông tin từ bên ngoài và từ bên trong nội bộ doanh nghiệp.

Sở hữu nền tảng Akamai Intelligent Edge với hơn 340.000 máy chủ tại hơn 135 quốc gia, Akamai Technologies có thể thu thập thông tin chi tiết từ những cuộc tấn công mạng mỗi ngày, kết hợp cùng hệ thống học máy (machine learning) thông minh giúp phân tích và ngăn chặn kịp thời các mối đe dọa tiềm ẩn trên mạng. Akamai Cloud Security Intelligent (CSI) thông qua việc phân tích big data sẽ giúp cập nhật các mối đe dọa tiềm ẩn trên hệ thống. Xuất phát từ những dự báo rủi ro, Akamai Technologies liên tục update để cung cấp giải pháp mới chống tấn công vào website, app, API, BOT, từ chối dịch vụ DDoS...

Đồng thời với quá trình tiếp cận nhiều lớp, hệ thống sẽ phân tích được hành vi, nhật ký DNS của khách hàng, từ đó thúc đẩy lưu lượng người tiêu dùng và doanh nghiệp. Được Gartner đánh giá cao bởi hệ thống bảo vệ Kona Site 7 lớp, Akamai Technologies hiện là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tường lửa website, ứng dụng và API.

Công nghệ và lý thuyết về bảo mật ngày nay đã tiến hoá rất nhiều, kịp thời đáp ứng những sự leo thang phát triển của tội phạm mạng. Doanh nghiệp không những phải đối phó với các rủi ro từ bên ngoài, mà còn những nguy cơ tiềm ẩn, những lỗ hổng tới từ bên trong nội bộ. Đó là lý do ngày nay mô hình bảo mật Zero Trust trở nên ngày càng phổ biến, được công nhận và áp dụng rộng rãi trên thế giới. 

Đại diện Akamai Technologies cho biết, Zero Trust là mô hình hàng đầu mà doanh nghiệp nên áp dụng, thay thế cho các mô hình truyền thống. Tại đó, mọi truy cập vào hệ thống đều cần được định danh và phân quyền rõ ràng theo hình thức xác thực đa lớp (multi factor authentication - MFA) và phải liên tục được kiểm chứng. Các giải pháp Enterprise Security của Akamai cho phép doanh nghiệp xây dựng mô hình bảo mật Zero Trust của mình một cách tốt nhất.

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 5.

Thông qua mạng lưới phân phối của đối tác Viettel IDC, các giải pháp bảo mật của Akamai Technologies hiện nay đã tiếp cận được nhiều doanh nghiệp trong nước. Giải pháp bảo mật thông minh từ nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Mỹ được khách hàng đánh giá cao bởi có độ tương thích cao với hạ tầng công nghệ Việt Nam, hệ thống được triển khai nhanh chóng trong vài cú nhấp chuột và cập nhật tự động phiên bản mới. Ngoài ra, websites, ứng dụng và API của khách hàng vẫn có khả năng hoạt động tốt ngay cả khi bị tấn công nhờ hệ thống nền tảng biên thông minh (Akamai Intelligent Edge Platform) mạnh mẽ…

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 6.

Được cảm thấy an toàn là nhu cầu cơ bản trong tháp Maslow. Doanh nghiệp cần đảm bảo nhu cầu đó và làm tốt hơn bằng cách thỏa mãn người dùng ở mức độ cao hơn: được trân trọng, được cá thể hóa và trải nghiệm cảm giác hài lòng với những dịch vụ mà họ chọn. Số liệu thống kê của WARC cho thấy nhu cầu sử dụng Internet và các dịch vụ nội dung số gia tăng tới 4 lần trong vòng 2 năm trở lại đây bởi Covid-19.

Trang Statista dự đoán doanh thu của dịch vụ VOD (xem video theo yêu cầu thông qua Internet) tại Việt Nam sẽ đạt 162 triệu USD vào cuối năm nay và sẽ cán mốc 302 triệu USD vào 2025. Nhu cầu thị trường gia tăng hàng năm nhưng để giữ chân khách hàng, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh, các đơn vị cung cấp dịch vụ không chỉ phải đảm bảo chất lượng truyền tải video phát sóng, mà còn cần nâng cao trải nghiệm của người dùng, đặc biệt ở những sự kiện phát sóng quy mô lớn.

Trước đó Akamai Technologies và Sensum đã có một cuộc thử nghiệm đo lường phản ứng của 1.000 người xem với chất lượng của video. Qua những phân tích trên khuôn mặt cho thấy, cảm xúc tiêu cực của khách hàng tăng cao khi xuất hiện hiện tượng đứng hình, giật lag, có tới hơn 75% số người tham gia cho biết sẽ ngừng sử dụng dịch vụ nếu vấn đề này xảy ra nhiều lần.

Bảo mật thông tin, gia tăng trải nghiệm khách hàng – Phương thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt trong thời đại số - Ảnh 7.

Trong trường hợp này, lời khuyên của Akamai Technologies dành cho doanh nghiệp là nên sử dụng mạng lưới phân phối nội dung (CDN) đủ lớn kết hợp hệ thống đo lường chính xác chất lượng và hiệu suất video, từ đó cải thiện kịp thời nội dung, nâng cao trải nghiệm người xem. Hiện nay nhà cung cấp này dựa trên chỉ số QoP (Quality of Perfomance – chất lượng trải nghiệm) kết hợp với hệ thống CDN để đánh giá chất lượng video và trải nghiệm người dùng. Dựa trên các dữ liệu được cập nhật chính xác, nhanh chóng, nhiều sự kiện streaming của doanh nghiệp đã kịp thời cải thiện chất lượng truyền tải, góp phần tạo nên thành công cho chương trình.

Nền tảng công nghệ là một điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ bởi khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ VPN và proxy DNS thì VOD luôn phải đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền địa lý. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ sở hữu bản quyền bởi sẽ làm suy yếu mô hình kinh doanh theo lãnh thổ, gây thất thoát doanh thu cho doanh nghiệp, các nhà cung cấp nội dung còn có thể đối mặt với vấn đề vi phạm hợp đồng. Để giải quyết bài toán này, Akamai Technologies đã hợp tác cùng GeoGuard, cung cấp tính năng Enhanced Proxy Detection nhằm cập nhật liên tục các địa chỉ IP sử dụng VPN và DNS. Việc đưa ra các giải pháp phù hợp để ngăn chặn vấn đề vi phạm bản quyền địa lý thông qua hệ thống có tính năng nâng cao sẽ giúp doanh nghiệp tránh nguy cơ bị đánh cắp bản quyền, vừa giúp tránh tình trạng chặn nhầm các lưu lượng truy cập hợp pháp dựa trên dữ liệu từ bên thứ ba.

Trong bối cảnh Covid-19 tác động sâu rộng đến quá trình vận hành doanh nghiệp, doanh nghiệp SME, các startup, sàn TMĐT chính là nhóm cần "update" công nghệ để đảm bảo an ninh mạng và tìm kiếm cơ hội phát triển thời hậu dịch thông qua gia tăng trải nghiệm khách hàng. Do đó, với các gói giải pháp bảo mật thông tin và nâng cao nền tảng công nghệ số đa dạng, linh hoạt với quy mô doanh nghiệp, Akamai Technologies đang kỳ vọng lớn vào sự tăng tốc của thị trường Việt Nam trong thời gian tới.


Linh Trần
Linh Yoo
Theo Trí Thức Trẻ01/2022


Trí Thức Trẻ