Bảo hiểm thất nghiệp trở thành "bệ đỡ" cho lao động mất việc mùa dịch

03/05/2020 13:49 PM | Xã hội

Không chỉ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm với mong muốn tư vấn, giới thiệu việc làm mới.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, chỉ riêng trong tháng 3 năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nước có 59.276 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 1 năm 2020 lên 132.320 người, tăng 10% so với quý 1 năm trước.

Nguồn chi trong ba tháng đầu năm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 2.744 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động là 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Bảo hiểm thất nghiệp trở thành bệ đỡ cho lao động mất việc mùa dịch - Ảnh 1.
Số lượng người đến các Trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh.(Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... là những địa phương có số người hưởng trợ cấp xã hội cao.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để hạn chế việc tập trung đông người, các Trung tâm dịch vụ việc làm đã chủ động thông báo cho người lao động không phải trực tiếp đến thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người lao động vẫn trực tiếp đến trung tâm để làm các giao dịch này. Ở một số địa bàn, có thời điểm, số lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm còn tăng hơn so với thời gian trước. 

 Cụ thể, trong tháng 3- thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19, tại Quảng Ninh, tỷ lệ người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 255% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Khánh Hòa, tỷ lệ này tăng 237%, Đà Nẵng tăng 220%, Hưng Yên tăng 213%, An Giang và Quảng Trị tăng gấp đôi.

Không chỉ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trực tiếp đến Trung tâm với mong muốn tư vấn, giới thiệu việc làm. Bởi vậy, ở nhiều địa phương, số lao động trung bình mỗi ngày đến thực hiện các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tăng cao, thậm chí quá tải. Tại Thành phố Hồ Chí Minh là 2.713 người/ngày, tại Bình Dương là 1.404 người/ngày, tại Đồng Nai là 1.459 người/ngày…

Thực tế cho thấy, bảo hiểm thất nghiệp đã phần nào giúp người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giảm áp lực về tài chính với người sử dụng lao động vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động, giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước vì không phải cấp kinh phí hỗ trợ cho đối tượng này.

Sau hơn 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là sau khi triển khai theo Luật Việc làm từ năm 2015 đến nay, chính sách này đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp trở thành bệ đỡ cho lao động mất việc mùa dịch - Ảnh 2.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, làm gia tăng tỷ lệ mất việc làm. (Ảnh minh họa)

Năm 2009, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ có 5,9 triệu người. Sau 11 năm, đến hết năm 2019, cả nước có 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Người thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Gần sáu triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp có thể coi là “giá đỡ” an toàn cho người lao động khi họ bị mất việc làm, kịp thời hỗ trợ họ trong thời điểm khó khăn về tài chính lúc thất nghiệp. Do đã được luật hóa, việc thực hiện các chế độ cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm được tự động thực hiện theo các quy định hiện có, không cần bộ máy Nhà nước phải hoạt động can thiệp.

Những kết quả đáng khích lệ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp có được nhờ sự triển khai đồng bộ, kịp thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan. Trong đó, không thể thiếu vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng như các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương.

Để hỗ trợ người lao động trong mùa dịch, trong thời gian vừa qua, các trung tâm dịch vụ việc làm vừa bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, vừa phải bố trí cán bộ thường trực để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, các trung tâm đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Ngay từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, Cục Việc làm đã tiến hành thu thập, cập nhật thường xuyên và báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; thị trường lao động, cung cầu lao động cả nước. Đặc biệt, thông tin ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước được chú trọng.

Với thông tin của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương, cơ quan này đã có những báo cáo sát thực về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động. Từ đó, xây dựng các báo cáo dự báo hoạt động của thị trường lao động; chủ động đề xuất, tham mưu về các giải pháp đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19./.

Theo Nguyễn Trang

Cùng chuyên mục
XEM