Bank of America: Doanh nghiệp châu Âu và Mỹ sẽ mất 1.000 tỷ USD nếu muốn dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc

19/08/2020 11:15 AM | Xã hội

Tuy nhiên BofA cũng nhấn mạnh rằng dù tốn nhiều chi phí nhưng động thái này sẽ có lợi ích trong dài hạn.

Theo nghiên cứu của Bank of America (BofA), những doanh nghiệp nước ngoài muốn dời bỏ nhà máy khỏi Trung Quốc trong mùa dịch Covid-19 có thể đối mặt thiệt hại lên đến 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên BofA cũng nhấn mạnh rằng dù tốn nhiều chi phí nhưng động thái này sẽ có lợi ích trong dài hạn.

Các nghiên cứu của BofA trước khi dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy doanh nghiệp ngày nay đang từ bỏ toàn cầu hóa và hướng đến địa phương hóa trong chuỗi cung ứng của họ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều yếu tố, từ chiến tranh thương mại, tranh cãi về an ninh quốc gia, vấn đề biến đổi khí hậu hay thậm chí xu thế tự động hóa khiến giá sản xuất rẻ hơn cả thuê ngoài (outsourcing).

Bank of America: Doanh nghiệp châu Âu và Mỹ sẽ mất 1.000 tỷ USD nếu muốn dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc - Ảnh 1.

Dẫu vậy, nghiên cứu của BofA chỉ ra phải đến khi dịch Covid-19 bùng nổ thì mới kích thích kế hoạch dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Phương Tây ra khỏi Trung Quốc khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, tạo thời gian cho các công ty hoàn thành kế hoạch chuyển nhà máy.

Báo cáo của BofA cho thấy dịch Covid-19 đã khiến 80% ngành nghề kinh doanh đối mặt với rắc rối gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc hơn 75% doanh nghiệp phải tìm cách chuyển nhà máy về nước nhằm đáp ứng người tiêu dùng chính và tránh tình trạng tương tự diễn ra một lần nữa.

Theo giám đốc nghiên cứu Candace Browning của BofA, dù dịch Covid-19 là ngòi nổ cho sự dịch chuyển này nhưng nguyên nhân cốt lõi là mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của các cổ đông, người tiêu dùng và chính phủ nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Dù động cơ của cổ đông, người tiêu dùng hay chính phủ có khác nhau thì họ đều nhất trí rằng các công ty nên dịch chuyển nhà máy về nước hoặc những thị trường đồng minh nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng không bị ảnh hưởng.

Khảo sát của BofA cho thấy khoảng 67% số nhà quản lý các quỹ đầu tư nhận định rằng dịch chuyển nhà máy về nước sẽ là sự thay đổi chủ chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Tốn kém 1.000 tỷ USD

Tuy nhiên bất cứ sự thay đổi nào cũng có cái giá của nó. Nghiên cứu của BofA cho thấy việc dịch chuyển về nước những nhà máy sản xuất các sản phẩm không bán chủ yếu tại Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Phương Tây mất khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Hệ số Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của những doanh nghiệp này có thể giảm khoảng 70 điểm phần trăm còn Tỷ suất dòng tiền tự do (FCFM) giảm khoảng 110 điểm phần trăm. Tuy nhiên mức rủi ro của các doanh nghiệp sẽ giảm nên những tác động tiêu cực sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Bank of America: Doanh nghiệp châu Âu và Mỹ sẽ mất 1.000 tỷ USD nếu muốn dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc - Ảnh 2.

Nghiên cứu của BofA cho thấy xu thế tự động hóa tăng cao nhờ công nghệ phát triển đang khiến ưu thế nhân công rẻ từ Outsourcing đang dần mất đi. Thêm vào đó, hàng loạt những chính sách hỗ trợ kinh tế như giảm thuế, hạ lãi suất cùng nhiều ưu đãi khác của một loạt các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Liên minh Châu Âu (EU) đang thu hút doanh nghiệp rút nhà máy về nước.

Mặc dù vậy, Chuyên gia kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS Global Wealth Management nhận định việc các doanh nghiệp có dịch chuyển nhà máy hay không phụ thuộc vào từng trường hợp thay vì chỉ dựa vào các yếu tố như chính sách thuế hay chiến tranh thương mại.

Theo Chuyên gia Donovan, hàng rào thuế quan mà Mỹ áp lên các mặt hàng Trung Quốc sẽ chỉ khiến mức lợi nhuận biên của các doanh nghiệp Mỹ suy giảm khi họ thuê ngoài từ thị trường này hoặc nhập nguyên vật liệu, thiết bị từ đây. Những doanh nghiệp Trung Quốc đương nhiên sẽ tăng giá và chính doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải chịu khoản thuế này.

Bởi vậy, yếu tố hàng rào thuế quan do chiến tranh thương mại sẽ dần suy giảm khi chính phủ Mỹ nhận ra nó không có nhiều tác dụng. Trong khi đó, chỉ ưu đãi về thuế là không đủ để các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy vốn đã tốn công sức đầu tư và cũng nhận được nhiều ưu đãi từ chính quyền địa phương.

Chuyên gia Donovan cho rằng những yếu tố như tự động hóa, thương mại điện tử, công nghệ robot cùng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng về gần thị trường chính trong nước mới là nguyên nhân chính tác động đến quyết định có rút nhà máy về nước hay không.

"Nếu các công ty nhận thấy việc sản xuất tại những nơi như Thâm Quyến-Trung Quốc không còn hiệu quả như ở New York chẳng hạn thì họ sẽ quyết định rút nhà máy về nước bởi đây là quyết định đúng đắn", Chuyên gia Donovan nhấn mạnh.

AB

Cùng chuyên mục
XEM