Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế

28/03/2023 13:34 PM | Xã hội

Từ câu chuyện "bánh không đường" mà lại "có đường" phản ánh trên Chuyển động 24h, mục "Chuyện nóng" hôm nay sẽ bàn luận về khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế.

Câu chuyện nhiều cửa hàng bánh online bị nghi là gian dối với người tiêu dùng, khi bánh có đường mà lại quảng cáo là không đường, thậm chí dành cho người tiểu đường, ăn kiêng... đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Hóa ra bí quyết để có một chiếc bánh "giảm cân, không đường" nhưng hương vị vẫn thơm ngậy như bình thường là vì đó chính là một chiếc bánh bình thường. Sự thật này tại một tiệm bánh ở Hà Nội đang làm nhiều người tiêu dùng cảm thấy bị phản bội.

Vậy tại người bán hàng quá khéo truyền thông cho sản phẩm của mình hay tại người dùng quá dễ tin vào những lời quảng cáo có cánh?!

Trong nghệ thuật bán hàng, người ta có câu "Đừng bán cho khách hàng sản phẩm, hãy bán câu chuyện". Bởi câu chuyện luôn khơi tạo nên cảm xúc và cảm xúc sẽ điều khiển hành vi mua hàng. Chuyện mua bánh "giảm cân, không đường" cũng thế. Chỉ có điều người bán hàng lại không nói rõ: chuyện họ đang kể là chuyện thực tế hay chỉ là hư cấu mà thôi.

Mục Chuyện nóng của Chuyển động 24h trưa nay sẽ nói về khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế.

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 1.

Sau khi vụ việc bánh "giảm cân không đường" lên sóng Chuyển động 24h, đến thời điểm này, tiệm bánh đã đóng cửa với lý do "bảo trì", các số điện thoại (hotline) đều không liên lạc được. Còn trên mạng xã hội, bên cạnh những bằng chứng về việc lấy cắp hình ảnh để quảng cáo sản phẩm, là liên tiếp những lời tự trách bản thân của nhiều người tiêu dùng - Sao lại quá cả tin mà ăn nhiều bánh đến vậy.

Vẫn biết rằng, quảng cáo luôn ít nhiều có sự "nói quá" trong đó để kích thích nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, nhưng khi giữa quảng cáo và thực tế có một khoảng cách quá lớn thì ranh giới "quảng cáo sai sự thật" cũng dần xuất hiện.

Dở khóc dở cười khi tin vào quảng cáo

Nói thêm về việc quảng cáo, xưa nay, đôi khi việc sử dụng một sản phẩm nào đó chỉ bởi tin vào quảng cáo cũng giống như việc đồng ý hẹn hò với một ai đó chỉ qua ấn tượng của những bức ảnh trên mạng xã hội vậy. Người ta vẫn biết có sự xuất hiện của phần mềm chỉnh ảnh, nhưng vẫn hi vọng rằng thực tế và trên hình không khác nhau là bao, để rồi sau đó rất có thể là sự bất ngờ không mong muốn ở lần hẹn hò đầu tiên.

Ý thức được việc này, nhiều thương hiệu cũng đã cố gắng kéo giảm kỳ vọng của người tiêu dùng sau quảng cáo về sản phẩm của mình bằng cách nói rõ "Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ", hoặc chú thích rõ ràng rằng "Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh" với các sản phẩm như thực phẩm chức năng... Chỉ tiếc là những thông tin này thường chỉ là một dòng bé xíu hoặc một câu nói được tua nhanh trong phần quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, một chút thông tin nhỏ như thế cũng đủ để kéo gần khoảng cách giữa thực tế và quảng cáo. Nếu không những tình huống dở khóc dở cười lại có cơ hội được diễn ra, chẳng riêng gì Việt Nam, trên thế giới cũng vậy.

Đầu tiên phải nói tới thời trang. Thảm họa thời trang không đến từ cách phối đồ, thảm họa đến ngay từ khi nhận đồ trên tay rồi. Trên hình quảng cáo thì đẹp hút hồn là thế, còn khi nhận về thì lại: Ttừ áo khoác cá tính thành như áo chống nắng, áo mưa; từ váy xinh dịu dàng thành váy ngủ; từ đầm đi tiệc thành những lớp vải quấn vội lên người...

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 2.

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 3.

Mảng ẩm thực còn tệ hơn thế. Có thể do cách vận chuyển, nhiệt độ môi trường, hoặc lỗi của người chụp ảnh làm bao bì mà chẳng thể nhận ra những món ăn này nữa.

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất phải kể tới những sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khoẻ. Như tại Philippines trong thời gian gần đây, một sản phẩm xà phòng vệ sinh phụ nữ đang được quảng cáo rầm rộ rằng có tác dụng điều trị cả những bệnh da liễu. Tuy nhiên, trên bao bì của sản phẩm này không hề có thông tin về thành phần và sản phẩm cũng chưa hề được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines cũng chưa cấp phép.

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 5.

Công bố danh sách trắng

Trở lại câu chuyện quảng cáo tại Việt Nam, ngày 23/03 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản về việc tuân thủ pháp luật hoạt động quảng cáo trên mạng. Bên cạnh đó cũng công bố "sách trắng" (white list) về các kênh, trang "sạch" để khuyến nghị các nhãn hàng chạy quảng cáo trên các trang, kênh này. Trong thời gian tới, "sách trắng" sẽ liên tục được cập nhật, việc làm việc với các nền tảng xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook sẽ được tăng cường cùng nhiều biện pháp chế tài nghiêm khắc khác để dọn dẹp những quảng cáo rác, quảng cáo có nội dung xấu độc tại Việt Nam.

Giới hạn cho phép của quảng cáo và thực tế với một sản phẩm

Với sự kết nối thông tin trực tiếp như ngày nay, có một cách quảng cáo thậm chí còn nhanh hơn và cũng không kém phần uy tín, đó chính là những bài đăng lên mạng xã hội - còn gọi là review sản phẩm của chính những người dùng chúng ta. Vậy nên, chính chúng ta cũng có thể bảo vệ những người xung quanh mình bằng việc review trung thực về những trải nghiệm sử dụng sản phẩm của chính mình để làm thông tin tham khảo cho người khác. Tất nhiên, đây không phải là việc dễ, bởi việc gặp những sai sót khi quảng cáo quá mức các sản phẩm còn gặp phải ở ngay các KOLs, KOC - những người đã quá chuyên nghiệp trong việc nhận quảng cáo cho các thương hiệu.

Bánh không đường mà lại có đường: Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế - Ảnh 6.

BTV Sơn Lâm đã có cuộc trò chuyện với các KOLs, KOC về chủ đề này trong phần cuối của "Chuyện nóng".

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM