Bangladesh cắt giảm giờ học và giờ hành chính do giá điện tăng cao

24/08/2022 17:33 PM | Xã hội

Các trường học ở Bangladesh sẽ đóng cửa thêm một ngày mỗi tuần và các văn phòng chính phủ và ngân hàng sẽ rút ngắn ngày làm việc của họ một giờ.

Cắt điện ở khu vực Pilkhana, Dhaka, Bangladesh, ngày 23/8/2022. (Ảnh: AP)

Việc làm trên nhằm mục đích giảm mức sử dụng điện trong bối cảnh lo ngại về giá nhiên liệu tăng và tác động của xung đột tại Ukraine.

Việc cắt giảm số giờ học/làm việc có hiệu lực vào ngày 24/8. Tại Bangladesh, hầu hết các trường học đều đóng cửa vào thứ Sáu, nhưng bây giờ cũng sẽ đóng cửa vào thứ Bảy, Bộ trưởng Nội các Khandker Anwarul Islam cho biết hôm 22/8.

Ông Islam thông tin, các văn phòng chính phủ và ngân hàng sẽ cắt giảm số giờ làm việc/ngày xuống còn 7 giờ so với 8 giờ trước đó, nhưng các văn phòng tư nhân sẽ được phép đặt lịch làm việc của riêng họ.

Sự gián đoạn nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá năng lượng và lương thực thế giới tăng vọt.

Bangladesh đã thực hiện nhiều biện pháp trong những tuần gần đây để giảm bớt áp lực đối với dự trữ ngoại tệ đang suy giảm của mình. Tháng 7, giá nhiên liệu đã tăng hơn 50%. Chính phủ Bangladesh đang tìm kiếm các lựa chọn để có được nhiên liệu rẻ hơn từ Nga theo một thỏa thuận đặc biệt.

Quyết định này đã bị chỉ trích, nhưng Chính phủ Bangladesh cho biết cần phải cắt giảm lỗ trong bối cảnh giá nhiên liệu quốc tế tăng. Các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm phản đối việc tăng giá đã diễn ra trong những tuần gần đây. Chính phủ nước này cho biết, giá trong nước sẽ được điều chỉnh sau khi giá quốc tế hạ nhiệt.

Bangladesh cắt giảm giờ học và giờ hành chính do giá điện tăng cao - Ảnh 1.

Học dưới ánh nến trong thời gian cắt điện ở Dhaka, ngày 19/7. (Ảnh: Dhaka Tribune)

Nước này đã cắt điện thường xuyên hơn sau khi Chính phủ đình chỉ hoạt động của tất cả các nhà máy điện chạy bằng diesel, giảm sản lượng điện hàng ngày 1.000 MW.

Tuy nhiên, chính quyền Bangladesh cam kết sẽ tiếp tục cung cấp điện cho các khu công nghiệp để giúp hỗ trợ nền kinh tế trị giá 416 tỷ USD của đất nước, vốn đang phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua.

Vào tháng 7, Bangladesh đã tìm kiếm một khoản vay không xác định từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trở thành quốc gia thứ ba ở Nam Á làm như vậy gần đây sau Sri Lanka và Pakistan.

Rahul Anand, Trưởng bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cho biết trong một cuộc tham vấn gần đây rằng Bangladesh không ở trong tình trạng khủng hoảng và vị thế đối ngoại của họ "rất khác so với một số quốc gia trong khu vực".

"Bangladesh có nguy cơ mắc nợ thấp và rất khác so với Sri Lanka," ông được tờ The Business Standard Daily có trụ sở tại Dhaka trích lời.

Dự trữ ngoại tệ của Bangladesh đã giảm còn khoảng 40 tỷ USD.

Theo Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM