Bán tiêu và cà phê đi khắp thế giới, một doanh nghiệp Việt thu về 250 triệu USD/năm, giúp nông dân Sơn La gửi tiết kiệm 2.500 tỷ đồng giữa mùa Covid

07/04/2023 16:01 PM | Kinh doanh

Đầu tư vào nhà máy sản xuất, chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu kết hợp quảng bá thương hiệu là cách giúp Phúc Sinh vươn lên vị trí đầu ngành, đồng thời mang lại sinh kế cho nông dân.

Bán tiêu và cà phê đi khắp thế giới, một doanh nghiệp Việt thu về 250 triệu USD/năm, giúp nông dân Sơn La gửi tiết kiệm 2.500 tỷ đồng giữa mùa Covid - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Phúc Sinh ra đời năm 2001, là một trong những công ty xuất khẩu nhiều tiêu nhất trên thế giới tới 102 quốc gia. Làm giàu từ nông nghiệp, Phúc Sinh ghi nhận doanh số 250 triệu USD mỗi năm. Riêng tháng 3/2023, ngay trong giai đoạn nền kinh tế gặp thách thức, doanh nghiệp này vẫn thu về 29 triệu USD từ bán, xuất khẩu nông sản, tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ.

Tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" vừa được báo Thanh Niên tổ chức, ông Phan Minh Thông - CEO Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã chia sẻ cách doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là với tiêu và cà phê.

Câu chuyện thứ nhất, con đường xuất khẩu tiêu tới 102 quốc gia

Thời điểm doanh nghiệp mới thành lập (năm 2001), thị trường tiêu tại Việt Nam còn rất nhỏ bé, sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 60.000 tấn. Khi đem hàng đi xuất khẩu, Phúc Sinh gặp nhiều khó khăn về chất lượng sản phẩm. Ông Phan Minh Thông nhận ra, nếu không cải tiến chất lượng thì "sẽ không đi đến đâu".

Bán tiêu và cà phê đi khắp thế giới, một doanh nghiệp Việt thu về 250 triệu USD/năm, giúp nông dân Sơn La gửi tiết kiệm 2.500 tỷ đồng giữa mùa Covid - Ảnh 2.

Ông Phan Minh Thông - CEO Công ty Cổ phần Phúc Sinh

Từ đó, Phúc Sinh bắt đầu sản xuất tiêu sạch và là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đi theo con đường này. Sau đó, công ty mở rộng, làm thêm về tiêu tiệt trùng.

Đặc biệt, một trong những điều kiện tiên quyết nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu hay Mỹ là phải tuân thủ các điều kiện phát triển bền vững và an toàn thực phẩm. Thời điểm đó, phát triển bền vững vẫn còn là khái niệm rất xa vời với các doanh nghiệp tư nhân.

"Năm 2010 chúng tôi đã bắt đầu làm các dự án phát triển bền vững, ví dụ như Rainforest Alliance. Khi mà cách đây vài năm, mọi người mới nói về phát triển bền vững thì Phúc Sinh đã làm từ 2010. Năm 2014, chúng tôi đã có chứng thư về phát triển bền vững" , ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Bán tiêu và cà phê đi khắp thế giới, một doanh nghiệp Việt thu về 250 triệu USD/năm, giúp nông dân Sơn La gửi tiết kiệm 2.500 tỷ đồng giữa mùa Covid - Ảnh 3.

CEO Phúc Sinh nhớ lại, năm 2010, khách hàng từ Canada nhận xét rằng Việt Nam đã phát triển tiêu quá xuất sắc. Indonesia hay Brazil đã phát triển cả trăm năm, Việt Nam phát triển chưa đến 20 năm nhưng hạt tiêu của Việt Nam đã có khắp nơi trên thế giới. Ông Phan Minh Thông tiết lộ, hạt tiêu của nước ta hiện có giá cao hơn rất nhiều so với tiêu của Brazil. Thậm chí, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu một lượng khổng lồ tiêu của Brazil, chế biến sâu rồi lại tái xuất.

 Câu chuyện thứ hai, phát triển cà phê Sơn La.

Trong một lần đến tỉnh Sơn La, ông Phan Minh Thông phát hiện nơi đây có một vùng trồng cà phê arabica rất rộng lớn. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao phía Nam cạnh tranh rất dữ dội như vậy mà ở đây (Sơn La) lại không có các nhà máy?" .

Tuy nhiên, thực tế, thương hiệu Arabica của Việt Nam không phải thế mạnh. Vậy để tạo ra lợi thế cạnh tranh, cần đứng trên vai người khổng lồ. Với tư duy này, ông Thông đi tìm nhà cung cấp máy móc của Colombia, mời chuyên gia sang để xây dựng nhà máy ở Sơn La.

Nhà máy hoàn thành sau 8 tháng. Ngày khai trương, CEO Phúc Sinh mời các đối tác khách hàng trên thế giới đến thăm. Ông giới thiệu về cà phê có chất lượng đồng đều và được kiểm soát, làm video giới thiệu chi tiết đến khách hàng. Việc phát triển cà phê chất lượng cũng giúp người nông dân bán được giá tốt.

"Lúc đầu, chúng tôi mua cà phê với giá 6.500 đồng/kg cà phê tươi. Bây giờ, có lúc người nông dân bán được 15.000đ/kg. Cách đây một năm, tôi gặp lại Chủ tịch, Bí thư tỉnh Sơn La, hiện đã về hưu. Các anh có nói một câu rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, trong lúc dịch Covid-19, nông dân Sơn La gửi tiền tiết kiệm 2.500 tỷ đồng. Đó là những kết quả rất thiết thực", ông Thông chia sẻ.

Công ty Phúc Sinh đã và đang phát triển thương hiệu Cà phê Blue Sơn La, được thị trường nội địa đón nhận. Giá cà phê Blue Sơn La thậm chí có giá bán ngang với dòng Honduras của Nam Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các dòng cà phê nội địa Việt Nam.

Bán tiêu và cà phê đi khắp thế giới, một doanh nghiệp Việt thu về 250 triệu USD/năm, giúp nông dân Sơn La gửi tiết kiệm 2.500 tỷ đồng giữa mùa Covid - Ảnh 4.

Từ hai câu chuyện, ông Phan Minh Thông cho rằng, doanh nghiệp làm nông nghiệp cần thực sự đầu tư vào nhà máy sản xuất, chỉ mua đi bán lại thì không có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, kiên định với con đường chế biến sâu và làm thương hiệu.

"Chúng luôn có sản phẩm mới, luôn tập trung chế biến sâu. Quảng bá, làm thương hiệu rất cần thiết nhưng chất lượng là quan trọng, là sống còn trong một thế giới đa dạng như hiện tại. Phải làm gì đó khác biệt, chất lượng để thu hút người mua. Tôi nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào tư duy người lãnh đạo", CEO Phan Minh Thông nhắn nhủ. 

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM