Băn khoăn giữa một rừng ý tưởng – đâu mới là "giỏ trứng vàng" đáng để đầu tư? Dưới đây là kim chỉ nam cho tất cả những người muốn khởi nghiệp

20/05/2019 15:15 PM | Sống

Bạn là công nhân viên chức, nhân viên công ty hay một nhà đầu tư nhỏ mong muốn đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình. Rất nhiều ý tưởng hiện ra trước mắt bạn, nhưng theo đuổi con đường kinh doanh nào lại là điều đáng cân nhắc. Hãy đọc, chia sẻ và in ngay bài viết này để làm kim chỉ nam cho mình trước khi khởi nghiệp.

Nếu bạn có nhiều sở thích và kỹ năng khác nhau, bạn có thể rơi vào trạng thái băn khoăn không biết khởi nghiệp từ ý tưởng gì. Việc quan trọng của bạn bây giờ là: Thanh lọc ý tưởng kinh doanh.

Một trong những việc cần làm khi xác định con đường kinh doanh nào để đi là tưởng tượng nó sẽ như thế nào trong cuộc sống của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn là một người hướng ngoại và thích ở gần mọi người thì việc điều hành kinh doanh online không phải là lựa chọn tối ưu.

Vì vậy, hãy viết ra cách bạn muốn về một ngày làm việc lý tưởng của mình. Bạn có thể làm việc này theo từng giai đoạn, bởi việc khởi nghiệp không phải ngày một ngày hai, công việc của bạn có thể thay đổi trong 1 năm, 3 năm, hoặc 5 năm tới.

Những điều bạn nên hỏi bản thân:

Vị trí: Bạn muốn có một công ty thực địa hay một doanh nghiệp online?

Giờ giấc: Bạn có đặt giờ cho việc tương tác khách hàng không?

Đồng đội: Bạn muốn làm việc một mình hay có người cộng tác, hoặc các nhân viên?

Công tác: Liệu bạn có phải đi công tác không và tần suất như thế nào?

Thời gian: Bạn sẽ có mặt tại doanh nghiệp của mình bao nhiêu giờ mỗi ngày?

Công việc: Nhiệm vụ thực tế bạn phải tiến hành là gì?

Sau khi liệt kê những yếu tố trên, bạn sẽ lọc ra được ngay những ý tưởng không phù hợp. Với những ý tưởng còn lại, hãy tiếp tục chọn lọc bằng cách trả lời những câu hỏi sau.

Băn khoăn giữa một rừng ý tưởng – đâu mới là giỏ trứng vàng đáng để đầu tư? Dưới đây là kim chỉ nam cho tất cả những người muốn khởi nghiệp - Ảnh 1.

6 câu hỏi để cân nhắc từng ý tưởng kinh doanh khác sau khi bắt đầu công việc kinh doanh.

Chọn một ý tưởng và trả lời các câu hỏi sau. Hãy thành thật với chính mình. Bạn có thể dành thời gian để suy ngẫm và tìm hiểu nếu cần. Sau đó, lặp lại quá trình này với tất cả các ý tưởng còn lại.

1. Ý tưởng đó có phù hợp với quan điểm sống của bạn không?

Nếu bạn coi trọng sự sáng tạo, gia đình, sự phát triển và cộng đồng, liệu ý tưởng của bạn có hỗ trợ những giá trị sống đó không?

Khi bạn sử dụng các giá trị cốt lõi của mình để định hướng kinh doanh, bạn có thể đưa ra những quyết định, những lựa chọn đúng đắn hơn.

Ý tưởng phù hợp với giá trị sống sẽ giúp bạn duy trì cảm hứng và đi đúng hướng.

2. Khách hàng có muốn nó và trả tiền cho nó không?

Nếu bạn bắt đầu một công ty, bạn cần tập trung vào khách hàng tiềm năng và kiếm tiền từ họ. Hãy nhìn vào ý tưởng kinh doanh của bạn và tự hỏi: Liệu mọi người có muốn mua hay sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ này không?

Hãy hỏi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và cả người lạ để nhận được những phản hồi trung thực. Họ có thể thích nó, nhưng đừng quên hỏi họ: Bạn có trả tiền để có nó không? Bạn sẽ trả bao nhiêu cho nó. Ngoài ra, hãy xem xét liệu bạn có thể bán thử nghiệm sản phẩm để xem nó có thị trường hay không, hoặc mức giá mà mọi người sẵn sàng trả cho nó.

Băn khoăn giữa một rừng ý tưởng – đâu mới là giỏ trứng vàng đáng để đầu tư? Dưới đây là kim chỉ nam cho tất cả những người muốn khởi nghiệp - Ảnh 2.

3. Đó có phải là điều bạn biết và có thể làm?

Lý tưởng nhất là ý tưởng kinh doanh đó có thể giúp bạn vận dụng kiến thức và kỹ năng mà mình có sẵn. Hãy tiết kiệm thời gian và công sức để dành cho công việc kinh doanh mới.

Bạn chắc chắn sẽ không muốn phạm sai lầm khi khởi nghiệp. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc là một nhân viên và một doanh nhân. Bạn càng quen thuộc với tất cả những điều mà doanh nghiệp của bạn yêu cầu thì bạn càng tự tin khi tiến về phía trước.

Ngoài ra, hãy cân nhắc những điều sau đây trước khi nghĩ tới một lĩnh vực mới để đầu tư:

Hiện giờ bạn có kiến thức và kỹ năng cho lĩnh vực đó không?

Bạn có thể nhanh chóng và dễ dàng học hỏi tất cả những gì cần để bù đắp vào khoảng trống kiến thức và kỹ năng cho công việc đó không?

Bạn có nguồn tài chính cần thiết để bắt đầu kinh doanh và dòng tiền trong nhiều tháng không?

Bạn làm thế nào để thu xếp các chi phí cá nhân trong khi phát triển doanh nghiệp của bạn?

Nếu bạn không có vốn sẵn, bạn có thể xoay xở chúng ở đâu?

Bạn có và sẵn sàng cam kết thời gian và năng lượng mà dự án này yêu cầu không?

4. Tại sao khách hàng lại chọn dịch vụ hoặc sản phẩm của bạn chứ không phải người khác?

Đừng nghĩ rằng bạn có một sản phẩm hay dịch vụ mới là có một doanh nghiệp thành công. Hãy suy nghĩ.

Làm thế nào để bạn nổi bật?

Nếu ai đó có thể mua một sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự từ nơi khác, tại sao họ phải ủng hộ doanh nghiệp của bạn?

Điều gì làm cho doanh nghiệp của bạn trở nên độc đáo, đặc biệt hoặc tốt hơn so với những doanh nghiệp đang tồn tại?

5. Bạn sẽ xây dựng mối quan hệ với khách hàng như thế nào?

Tìm kiếm khách hàng mới là một thử thách, nhưng giữ chân họ, biến họ thành khách hàng thân thiết sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của bạn.

Xây dựng mối quan hệ tin cậy với khách hàng là rất quan trọng. Nhưng nó cũng mất rất nhiều công sức!

Làm thế nào để tìm ra điều khách hàng muốn?

Bạn có lắng nghe họ không?

Bạn có thể giúp khách hàng giải quyết vấn đề gì?

Bạn sẽ không thể biết được những điều đó nếu không tương tác với khách hàng và tìm hiểu nhu cầu của họ.

Băn khoăn giữa một rừng ý tưởng – đâu mới là giỏ trứng vàng đáng để đầu tư? Dưới đây là kim chỉ nam cho tất cả những người muốn khởi nghiệp - Ảnh 3.

6. Ý tưởng kinh doanh này sẽ khiến bạn hứng khởi trong nhiều năm chứ?

Trừ khi bạn có kế hoạch kiếm tiền nhanh và bán nhanh doanh nghiệp, bạn cần phải xem xét vấn đề này một cách cẩn thận. 

Cơ hội để trở thành một doanh nhân "thành công sau một đêm" là rất mong manh. Các doanh nghiệp nhỏ mất nhiều thời gian và công sức hơn nhiều so với điều họ tưởng tượng. Liệu bạn sẽ hào hứng với doanh nghiệp này sau 1 năm, 3 năm, hay 5 năm không?

Ngay cả khi bạn đạt được những thành công ban đầu và có thể thuê người hỗ trợ ở một số bộ phận, bạn vẫn cần phải thường xuyên giam gia vào công việc. Nếu không, bạn sẽ phải thuê người để duy trì doanh nghiệp của mình.

Bạn nên biết rằng sở thích và động lực của bạn dành cho việc kinh doanh có thể tiêu tan nhanh chóng, nên hãy đảm bảo ý tưởng kinh doanh đó không chỉ phù hợp với giá trị sống của bạn mà còn là thứ bạn siêu đam mê và quan tâm.

Và giờ là những trở ngại bạn cần phải xác định trên con đường khởi nghiệp.

Mặc dù bạn có thể đã nghe hoặc đọc thấy thông tin rằng hầu hết doanh nghiệp nhỏ đều thất bại trong năm đầu tiên, thực tế có thể còn phũ phàng hơn. Tạp chí Forbes dẫn báo cao của Văn phòng hỗ trợ quản trị doanh nghiệp nhỏ của Mỹ (SBA) cho biết, gần 80% công ty chỉ tồn tại trong năm đầu tiên. Nhưng số còn lại cũng không may mắn hơn. Sau 5 năm, chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp còn trụ lại, và số ít trong đó đã kiếm được lợi nhuận. SBA ước tính chỉ khoảng một phần ba doanh nghiệp nhỏ tồn tại được 10 năm.

Đó là lý do bạn nhất thiết phải cân nhắc trước khi đầu tư quá nhiều tiền của và công sức vào một ý tưởng kinh doanh mới.

Hãy nhớ rằng sở thích không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của bạn.

Hãy tham khảo bạn bè, gia đình và đặc biệt là các chủ doanh nghiệp - họ có thể chia sẻ kinh nghiệp thành bại và những ý tưởng tốt dành cho bạn.

Đôi khi ý tưởng kinh doanh ban đầu không phải là ý tưởng tốt nhất. Thất bại là mẹ thành công, nhiều doanh nghiệp đã thành công với ý tưởng kh ác

Trở thành ông chủ của chính mình là một công việc đầy rẫy khó khăn, nhưng bằng sự cân nhắc kỹ lưỡng, kế hoạch rõ ràng và sẵn sàng theo đuổi, bạn có thể đạt được mục tiêu và tạo ra sự khác biệt!

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM