Băn khoăn dự án đội vốn gấp 5 lần

04/08/2016 11:00 AM | Kinh tế vĩ mô

Cầm trên tay danh mục các dự án nhóm B đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tại TP.HCM, nhiều đại biểu HĐND đã tỏ ý băn khoăn.

Cầm trên tay danh mục các dự án nhóm B đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tại TP.HCM, nhiều đại biểu HĐND đã tỏ ý băn khoăn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ hai HĐND TP khóa IX ngày 3-8, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đặt ra yêu cầu: các đại biểu không được né tránh thực tế cuộc sống.

Bà Tâm đề nghị các đại biểu HĐND TP phát huy tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sáng suốt quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp này. Không né tránh các vấn đề cuộc sống đặt ra, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân...

Băn khoăn dự án đội vốn gấp 5 lần

Cầm trên tay danh mục các dự án nhóm B đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đại biểu Trần Thanh Trí phân tích:

“Dự án xây dựng cầu Tăng Long (quận 9) do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu chỉ 91 tỉ đồng, nhưng giờ xin điều chỉnh lên hơn 450 tỉ đồng.

Rồi dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định cũng từ 645 tỉ đồng đội lên hơn 1.145 tỉ đồng. Tăng nhiều như vậy nhưng nguyên nhân vì sao lại chưa được giải trình chi tiết!”.

Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh góp thêm: “Trong danh mục dự án cần thu hồi đất có dự án khu trung tâm dân cư Tân Tạo với diện tích cần thu hồi đến hơn 300ha.

Tính khả thi của dự án như thế nào? Năng lực của chủ đầu tư ra sao? Liệu họ có đủ khả năng thực hiện không hay chỉ “xí đất” rồi quy hoạch treo? TP ta đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu với dự án treo rồi!”.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho hay dự án khu trung tâm dân cư Tân Tạo hiện đã bồi thường được khoảng 50% diện tích.

Sở Tài nguyên - môi trường đã thẩm tra cơ sở pháp lý của dự án. Ban thường vụ Quận ủy Bình Tân cũng có mời chủ đầu tư lên trình bày kỹ về phương án đầu tư, phương án bồi thường.

Nghe đến đây, ông Trương Lâm Danh vẫn chưa đồng tình. Ông Danh cho rằng phải làm rõ lộ trình bồi thường, lộ trình thực hiện. Tại sao tỉ lệ bồi thường dừng lại ở con số 50%? Phải chăng vì nếu dưới 50% thì UBND TP chắc chắn không để yên, sẽ thu hồi dự án?

“Nếu HĐND TP không thông qua thì không thu hồi đất được. Nhưng nếu đại biểu chúng ta giơ tay biểu quyết thông qua thì chúng ta phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra, phải chịu trách nhiệm trước dân” - ông Danh nói.

Không để xuất hiện “Đại học Hùng Vương 2”

Góp ý cho mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020, trong đó có việc đưa TP.HCM trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao khu vực Đông Nam Á, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - bí thư Thành đoàn TP.HCM - cho rằng cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, kể cả trường tư thục trên địa bàn TP.HCM.

Ví dụ điển hình được ông Cường nêu ra là câu chuyện của ĐH Hùng Vương bị đình chỉ tuyển sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến hàng ngàn sinh viên.

“Có nhiều sinh viên ĐH Hùng Vương đã được cấp bằng tốt nghiệp, dù họ học hành nghiêm túc nhưng góc nhìn của xã hội cũng có vấn đề với tấm bằng của họ vì những vấn đề của trường” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói và tiếp tục nhấn mạnh việc tăng cường quản lý nhà nước với các trường đại học, cao đẳng... sẽ giúp hạn chế mặt tiêu cực và phát huy mặt mạnh, giúp TP đạt được mục tiêu giáo dục mong muốn.

Đi vào một sự việc cụ thể, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết dù Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu năm học 2016-2017 phải mở lớp 10 tại đảo Thạnh An, tiến tới mở trường cấp III tại đây nhưng đến nay Cần Giờ vẫn chưa nhận được kinh phí mở lớp.

Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết vào tháng 6-2016, UBND huyện đã có công văn gửi UBND TP.HCM xin kinh phí sửa chữa hè cho các trường trong huyện, trong đó có kết hợp với sửa chữa một phòng học và hệ thống nhà vệ sinh tại Trường THCS Thạnh An, nhằm đáp ứng việc mở một lớp 10 trên đảo Thạnh An như yêu cầu của bí thư Thành ủy.

Đến ngày 22-6, đoàn công tác liên sở Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Giáo dục - đào tạo đã đến Thạnh An làm việc.

“Chúng tôi rất mừng khi nghe ba sở này thông tin Cần Giờ sẽ được cấp 13 tỉ đồng sửa chữa hè, trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc mở lớp 10 tại Thạnh An. Tuy nhiên, đến nay đã sắp khai giảng mà kinh phí vẫn chưa được cấp. Rất khó khăn” - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết.

Trả lời vấn đề này tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM - thừa nhận công tác chuẩn bị năm học mới tại Thạnh An đã tương đối hoàn tất.

Tuy nhiên phòng học để đón các học sinh lớp 10 còn phải chỉnh sửa, đặc biệt là hệ thống cống thoát nước, vệ sinh còn nhếch nhác. Sở Kế hoạch - đầu tư đã trình kinh phí sửa chữa theo yêu cầu của Cần Giờ lên UBND TP và sẽ sớm phân bổ cho Cần Giờ thực hiện.

Lo ngại về tai nạn giao thông

Trước chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) TP - đã thẳng thắn nêu ra một số nguyên nhân. Lý do đầu tiên, theo ông Tường, là ôtô đăng ký mới tăng vọt nhưng tài xế lại tăng rất ít.

Ông Tường cho biết sáu tháng đầu năm trở về trước, bình quân một ngày tăng 1.000 xe máy, 100 ôtô; nhưng sáu tháng đầu năm 2016 số ôtô như đầu kéo, xe tải tăng 180 chiếc/ngày, có ngày tới 250 chiếc.

“Có doanh nghiệp có 50 xe nhưng chỉ có 30 tài xế. Làm sao điều khiển được thì bắt buộc một ngày tài xế chạy hơn 8 tiếng. Kéo dài ngày này qua ngày khác thì chắc chắn tài xế sẽ gây tai nạn giao thông” - ông Tường cho biết.

Lấy sự cố môi trường ở Hà Tĩnh mà cảnh giác

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn khi TP đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 xử lý 100% chất thải y tế và nước thải công nghiệp. Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Toàn Thắng thông tin về quy trình xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải nguy hại trên địa bàn TP.

Đại biểu Trương Lâm Danh cảnh báo: “Nghe các anh báo cáo như vậy đại biểu chúng tôi mới yên tâm có phân nửa. Quy định, quy trình chặt chẽ nhưng quan trọng là khâu giám sát, hậu kiểm của ta như thế nào.

Vụ chôn lấp chất thải nguy hại ở Hà Tĩnh mới đây là một bài học. Hãy lấy sự cố môi trường ở Hà Tĩnh mà cảnh giác!”.

Theo VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG - MAI HOA

Cùng chuyên mục
XEM