Bản hợp đồng giúp con người "bốc hơi" sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng

16/02/2022 07:34 AM | Sống

Mỗi năm, Nhật Bản có hàng ngàn người mất tích. Họ không phải nạn nhân của bắt cóc hay giết người, mà là tự biến mất.

Ngôn ngữ Nhật Bản đặt cho những cư dân tự biến mất này danh từ chỉ định: Jouhatsu, với nghĩa "người bốc hơi".

Dịch vụ bốc hơi trong đêm

"Tôi quá mệt mỏi với các mối quan hệ xung quanh mình. Vì thế, tôi mang theo chiếc vali nhỏ và biến mất," - Sugimoto (42 tuổi), một Jouhatsu của Nhật Bản kể lại.

Tại nơi cư trú trước khi đột ngột biến mất, Sugimoto là ông chủ của một cửa hàng truyền thống, được tất cả mọi người trong thị trấn biết đến. Tuy nhiên, vai trò ông chủ lại khiến Sugimoto cảm thấy phiền muộn và áp lực đến mức muốn rũ sạch. Sau nhiều đắn đo, anh quyết định âm thầm bỏ đi, không cho vợ con hay và chẳng hẹn ngày về.

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 1.

Mỗi năm, Nhật Bản có thêm hàng ngàn người bốc hơi


Nhật Bản là quốc gia đáp ứng mọi yêu cầu. Với khách hàng là đối tượng chán người, muốn lánh đời như Sugimoto, họ giới thiệu "dịch vụ bốc hơi trong đêm". Đúng như tên gọi, dịch vụ này kín đáo giúp khách hàng biến mất lúc đêm tối, không để lại bất cứ dấu vết gì.

Từ kẻ trốn nợ cho đến người trốn cuộc sống hôn nhân, trốn bị theo dõi, trốn công việc, học hành... dịch vụ bốc hơi trong đêm của Nhật Bản đều tận tình phục vụ. Họ không bao giờ thắc mắc lý do muốn biến mất của khách hàng, mà chỉ nhanh chóng tìm nơi đến tiềm năng. Đó phải là địa điểm khách hàng của họ có thể mai danh ẩn tích, sống im hơi lặng tiếng đến chán thì thôi.

Sau khi đạt thỏa thuận về nơi đến, dịch vụ bốc hơi trong đêm tiến hành giúp khách hàng biến mất. Họ dùng xe vận chuyển, lợi dụng lúc đêm tối lặng lẽ đưa khách hàng rời đi, cùng với toàn bộ những gì người này muốn mang theo.

Đa dạng khách hàng

"Thông thường, lý do yêu cầu dịch vụ bốc hơi trong đêm là vì mục tiêu tích cực; ví dụ như trốn nhà để vào đại học, tìm kiếm công việc mới, kết hôn với người yêu thật lòng..." - Sho Hatori, ông chủ của một công ty "hỗ trợ mất tích" được thành lập vào thập niên 1990 ở Nhật Bản cho biết.

"Tuy nhiên đôi khi, nó cũng vì những lý do đáng buồn như bỏ học đại học, thất nghiệp, trốn chồng con...".

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 2.

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 3.

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 4.

Dịch vụ bốc hơi trong đêm đảm bảo giúp khách hàng biến mất êm ái, bí mật thông tin suốt đời

Những năm 1990 là thời gian Nhật Bản rơi vào khủng hoảng suy thoái kinh tế sau Thời kỳ Bong bóng (1986-1991). Nhiều công ty, doanh nghiệp bị phá sản và nhiều người bị vỡ nợ. Hatori nghĩ rằng nếu mở dịch vụ bốc hơi trong đêm, ông sẽ chỉ nhận được yêu cầu từ các khách hàng muốn trốn nợ. Sau một thời gian hoạt động, Hatori nhận ra nguyên nhân khiến người Nhật chọn bốc hơi nhiều vô cùng.

Theo thống kê của Yonigeya TS Corporation - tập đoàn dịch vụ hỗ trợ người bốc hơi với 22 chi nhánh trên khắp Nhật Bản, có đến 20% khách hàng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đa phần họ là những người vợ bị chồng ngược đãi. Ngay cả chủ tịch của Yonigeya TS Corporation, Miho Saita (49 tuổi) cũng thế. Cô từng bị chồng đánh đập liên miên, không chịu nổi phải bỏ nhà ra đi, thành lập công ty trong cùng khoảng thời gian với Hatori.

80% Jouhatsu còn lại thì mang đủ các thể loại lý do, trong đó nhiều nhất là trốn nợ cờ bạc. Tiếp đến là trốn kẻ theo dõi, trốn thực tế bất mãn... "Chúng tôi không phán xét nguyên nhân muốn biến mất của khách hàng, cũng không từ chối ai cả, trừ trường hợp họ đang là tội phạm bị truy nã," - Miho nói.

Giá không rẻ mà vẫn đắt khách

Trung bình mỗi ngày, bà chủ của Yonigeya TS Corporation nhận được từ 5-10 yêu cầu tư vấn bốc hơi. Mỗi năm, bà phục vụ từ 100-150 Jouhatsu. Giá thành dịch vụ bốc hơi trong đêm dao động từ 50.000-300.000 yên/người (tương đương 11-65 triệu vnđ). Khách hàng bốc hơi được đảm bảo bí mật thông tin cá nhân và nơi đến trọn đời.

Tại Nhật Bản, quyền riêng tư là tuyệt đối. Cảnh sát chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của công dân trong trường hợp tai nạn, án mạng, tội phạm. Ngay cả cha mẹ cũng không được phép theo dõi vị trí truy cập Internet, lịch sử sử dụng thẻ thanh toán, thẻ rút tiền... của con cái.

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 5.

Quyền riêng tư cho phép người bốc hơi Nhật Bản "lặn mất tăm"

"Tôi vô cùng bàng hoàng," - một bà mẹ người Nhật Bản có con trai 22 tuổi là Jouhatsu bộc bạch. "Thằng bé đã bị cho nghỉ việc 2 lần. Chắc là nó phải đau khổ lắm, nên mới đưa ra quyết định tiêu cực như thế."

Vì muốn sớm tìm thấy con trai, bà đến sở cảnh sát xin trợ giúp nhưng đã bị từ chối vì quyền riêng tư. "Với quy định hiện hành, tôi chỉ có mỗi một quyền là xác nhận mặt, nếu chẳng may thằng bé qua đời mà thôi," - bà bất mãn.

Theo số liệu thống kê vào năm 2015, Nhật Bản có tổng cộng 82.000 người mất tích. Trừ một số ít là nạn nhân của bắt cóc, giết người chưa phát hiện tung tích, tất cả đều là Jouhatsu. Mỗi năm, Nhật Bản lại có thêm hàng ngàn người mất tích. Ước tính hiện tại, họ đang có trên 100.000 Jouhatsu.

Bản hợp đồng giúp con người bốc hơi sau 1 đêm tại Nhật Bản: Hé lộ mặt trái của một xã hội áp lực đến căng thẳng - Ảnh 6.

"Với gia đình có người bốc hơi, họ chỉ có thể chọn 1 trong 2 giải pháp: Thuê thám tử tư tìm kiếm hoặc chờ đợi," - Hiroki Nakamori, nhà xã hội học người Nhật Bản cho biết.

Mặc dù tự bốc hơi, một số Jouhatsu thừa nhận vô cùng hối tiếc. "Từ lúc tôi bỏ nhà đi đến giờ cũng đã một năm rồi" - Sugimoto tâm sự. "Tôi nói dối vợ và các con là đi công tác. Lúc nào, tôi cũng day dứt, thấy mình là kẻ đã làm sai".

Sau một thời mất tích, các Jouhatsu có thể tự động quay về hoặc không. Bất kể lựa chọn của họ là gì, dịch vụ bốc hơi trong đêm vẫn bảo đảm bí mật thông tin vĩnh viễn.

Tham khảo: BBC và Time


Theo Vũ Huế

Cùng chuyên mục
XEM