Bán hàng qua livestream Facebook bùng nổ thời dịch Covid và lời giải cho bài toán 'khách bùng đơn' của shark Bình

05/11/2020 19:00 PM | Kinh doanh

Theo ước lượng của shark Bình, tổng giá trị sản lượng giao dịch thương mại điện tử thông qua các nền tảng chiếm khoảng 40%. Phần lớn các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua mạng xã hội với tổng sản lượng ước đạt 60%.

Thời của bán hàng qua mạng xã hội

Người Việt dành trung bình 6 giờ 42 phút mỗi ngày cho Internet và có mức độ quen thuộc cao với công nghệ số và mua sắm online, đặc biệt tại khu vực thành thị. Đây là những số liệu mới được ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam chia sẻ với báo chí.

Hiện thương mại điện tử hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt mức 35% mỗi năm. Thị trường thương mại điện tử trong nước cũng đang có hơn 46,5 triệu người dùng, tăng 15,1% so với năm 2019. Việt Nam còn được biết đến như một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, bởi thị trường thương mại điện tử năng động, thu hút sự chú ý của cả những tay chơi trong và ngoài nước. Ước tính, có khoảng 1 tỷ USD được đầu tư cho kênh bán lẻ này từ năm 2016-2019.

Sự bùng phát của COVID-19 đã giúp thương mại điện tử tiếp cận nhiều người Việt trước đây không quan tâm đến việc mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử. Theo khảo sát của Nielsen, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng thêm 25%.

Việc cách ly xã hội cũng khiến người dùng hạn chế mua hàng ở cửa hàng. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu mua hàng trực tuyến đối với các sản phẩm tạp hoá, vốn không phải là sản phẩm chủ lực của thương mại điện tử. Điển hình, thời gian mua sắm của người tiêu dùng Việt trên Shopee đã tăng hơn 25% từ thời điểm dịch bùng phát. Hầu hết các giao dịch của họ đều xoay quanh các sản phẩm thuộc ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, đồ trẻ em, gia dụng và thiết bị điện tử.

Chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa Visa và tập đoàn NextTech nhằm thúc đẩy thanh toán số cho việc kinh doanh trên các nền tảng xã hội, Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình cho biết, thị trường thương mại điện tử có thể chia thành 2 mảng: TMĐT nền tảng với các website bán hàng, sàn TMĐT như Tiki, Shopee và TMĐT mạng xã hội với Facebook, Tiktok, Instagram,…

Theo ước lượng của ông Bình, tổng giá trị sản lượng giao dịch thương mại điện tử thông qua các nền tảng chiếm khoảng 40%. Phần lớn các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua mạng xã hội với tổng sản lượng ước chiếm 60%.

Trong vài năm gần đây, hình thức mua sắm qua mạng xã hội ngày càng nở rộ với các hình thức từ livestream, bán hàng qua trang cá nhân, trang của nhóm cư dân, nhóm cộng đồng. Theo ông Bình, có 3 lý do khiến người mua lẫn người bán ưa chuộng mua hàng qua mạng xã hội bao gồm: Yếu tố cảm xúc, Độ cởi mở trong giao dịch, Đơn giản.

Theo đó khi người tiêu dùng lướt Facebook hay Instagram bắt gặp quảng cáo chạm đúng cảm xúc thì họ dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng. Điều này khác với sự chủ động mua sắm thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra với việc chỉ cần sở hữu tài khoản mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người bán hàng mà không cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với các nền tảng thương mại điện tử.

Ác mộng khách bùng đơn

Một điều thú vị là mặc dù thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có xu hướng bùng nổ và phát triển nhưng hình thức giao hàng nhận tiền mặt (COD) rất được ưa chuộng. Tại các nước như Thái Lan hay Trung Quốc, tỷ lệ COD chỉ chiếm dưới 40%, nhưng tỷ lệ này lên tới 88% tại Việt Nam theo số liệu của Bộ công thương năm 2019. Đây cũng là một vấn đề rất lớn đang tồn tại với TMĐT Việt Nam. 

Hình thức thanh toán COD gây rủi ro cho cả khách hàng lẫn người kinh doanh khi tham gia thương mại điện tử. Cụ thể theo số từ tập đoàn NextTech, tỷ lệ hoàn đơn với các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử trên hệ sinh thái của tập đoàn này trung bình từ 8-10%, cá biệt có những shop lên tới 25-30%. Đây là những chi phí tổn thất không nhỏ với người kinh doanh. Theo đó có vô số lý do khiến khách hàng có thể "bùng đơn" như điện thoại không liên lạc được, hết tiền, chán không muốn mua sản phẩm nữa…

Về phía ngược lại, người tiêu dùng cũng gặp rủi ro khi tham gia thương mại điện tử là hàng kém chất lượng hoặc chủ cửa hàng cố tình lừa đảo nhưng với giá trị giao dịch nhỏ khiến họ ngại khiếu nại để đòi lại tiền.

Để giải quyết bài toán giảm thiểu rủi ro cho người mua và người bán trên mạng xã hội, Visa và NextTech đã hợp tác ba năm nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ tăng cường ứng dụng các phương thức thanh toán số. Theo đó 2 công ty công nghệ này sẽ cùng triển khai các sáng kiến ​​mở rộng mạng lưới người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm xây dựng phương thức thanh toán trực tuyến tiện lợi và dễ sử dụng thông qua các liên kết thanh toán trực tuyến.

Hợp tác với Tập đoàn NextTech, Visa sẽ có thêm một đối tác thương mại điện tử uy tín với hơn 120.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, 6 triệu người dùng và hệ sinh thái thương mại điện tử đa dạng. Hệ sinh thái này bao gồm cổng thanh toán trực tuyến Nganluong.vn, nền tảng chatbot bán hàng tự động đa kênh BotBanHang.vn và hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp dành cho các nhà bán lẻ trực tuyến PushSale.vn.

Bán hàng qua livestream Facebook bùng nổ thời dịch Covid và lời giải cho bài toán khách bùng đơn của shark Bình - Ảnh 1.

Bằng sự kết hợp các công cụ này, đơn vị kinh doanh có thể dễ dàng cung cấp cho người tiêu dùng liên kết thanh toán trực tuyến qua ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger, SMS hoặc các nền tảng OTT khác cho bất kỳ giao dịch trực tuyến nào và sau đó người dùng có thể ngay lập tức hoàn tất thanh toán bằng thông tin đăng nhập.

Các đơn vị kinh doanh sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình ưu đãi và được đào tạo về cách thức sử dụng, tuân thủ các yêu cầu và thúc đẩy thanh toán số. Ngoài ra, người dùng thanh toán qua thẻ Visa sẽ nhận ưu đãi hoàn tiền 10%, tối đa 30.000 VNĐ cho mỗi giao dịch thành công.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM