Bản đồ của WHO: Hiện tại Hà Nội đang ô nhiễm nhất Việt Nam

07/10/2016 11:17 AM | Công nghệ

Trong đó, mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội được gắn thang màu đỏ - nguy hiểm hơn TP. HCM được gắn thang màu cam nhạt.

Bản đồ thống kê chỉ số ô nhiễm không khí toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây cho thấy, thành phố Hà Nội hiện đang ô nhiễm nhất Việt Nam, thậm chí là hơn cả TP. HCM.

Trong đó, mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội được gắn thang màu đỏ - nguy hiểm hơn TP. HCM được gắn thang màu cam nhạt.

Bản đồ được WHO thống kê dựa trên dữ liệu từ vệ tinh, kết hợp với các thiết bị đo lường được đặt ở mặt đất, hiển thị mức độ vật chất trong không khí.

Các thang màu từ vàng, cam nhạt, cam đậm, đỏ, tím đánh giá chất lượng không khí theo chuẩn của WHO. Các màu vàng, cam nhạt đánh giá độ ô nhiễm nhẹ nhất, tiếp đó các vùng được tô màu cam đậm, đỏ và tím thể hiện các mức độ cao hơn.

Link truy cập bản đồ thống kê chỉ số ô nhiễm không khí toàn cầu, thực hiện bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cũng cho thấy, ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ngưỡng cao, đặc biệt ở Hà Nội và địa phương hoạt động công nghiệp mạnh.

Cụ thể, nồng độ bụi PM10 tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) trong 5 năm đều vượt quy chuẩn 1-1,2 lần, năm 2014 chỉ số này gấp 1,4 lần.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cũng tăng cao, nhiều đô thị lớn ở mức 201-300, có ngày chất lượng suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại. Theo thang đánh giá với tác động sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51-200 thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài; với AQI trên 300 mọi người nên ở nhà.

Chỉ số NO2 đo được ở các đô thị đang vượt ngưỡng giới hạn. Nồng độ NO2 trung bình các năm tại Hà Nội tăng 1-1,3 lần. Trạm quan trắc khu thương mại Quách Thị Trang (TP HCM) ghi nhận đã vượt tới 2 lần.

Đại diện Tổng cục môi trường từng nhận định, bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính.

Cũng theo WHO, ước tính khoảng 92% dân số thế giới đang sống trong vùng không khí vượt quá giới hạn an toàn. Đáng báo động nhất là khu vực Châu Phi, Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông.

Đáng chú ý, hầu hết các vùng ô nhiễm không khí được xếp ở mức độ cao thường xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ô nhiễm không khí sẽ được chia làm 2 loại: ngoài trời và trong nhà.

Ô nhiễm không khí ngoài trời chủ yếu liên quan đến khí thải từ xe cộ, nhiệt điện và công nghiệp. Còn các vụ ô nhiễm trong nhà được tính là từ khói thuốc, khói bếp, lò nướng...

Tính chung các vụ ô nhiễm cả trong nhà và ngoài trời, hơn 6,5 triệu người đã tử vong trên toàn thế giới trong năm 2012. Đáng lo ngại, con số này còn lớn hơn số ca tử vong gây ra bởi tai nạn giao thông, HIV/AIDS và bệnh lao cộng lại.

"Ô nhiễm môi trường đang trực tiếp hủy hoại sức khỏe của phụ nữ, trẻ em và người già", bà Flavia Bustreo, trợ lí Tổng giám đốc WHO cho biết.

Còn theo những chia sẻ của tiến sĩ Maria Neira đến từ WHO: "Những giải pháp chúng ta có thể làm ngay hôm nay là quản lý các phương tiện giao thông hợp lí hơn, xử lí chất thải rắn, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu khí thải từ công nghiệp".

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM