Bán dầu dự trữ, Mỹ phải trả giá thế nào

12/04/2022 19:01 PM | Xã hội

Bán dầu từ kho dự trữ chiến lược sẽ giúp thị trường "hạ nhiệt" về giá một cách nhanh chóng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bán một lượng dầu dự phòng kỷ lục từ kho dự trữ quốc gia để kiềm chế đà tăng giá nhiên liệu tại Mỹ càng nhanh càng tốt, nhưng kế hoạch này có thể phản tác dụng nếu kho dự trữ này sau đó không được bổ sung trở lại nhanh chóng.

Tổng thống Joe Biden ngày 31/3 tuyên bố Mỹ sẽ bán 180 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), với tốc độ 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5. Đây là đợt giải phóng lớn nhất kể từ khi kho dự trữ dầu được thành lập vào những năm 1970. Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đang xả thêm 60 triệu thùng dầu để hạ nhiệt giá dầu toàn cầu.

Quyết định bán dầu, thay vì vay mượn dầu, từ SPR là một sự đánh đổi: dầu sẽ được giải phóng ra thị trường nhanh hơn để giảm giá, nhưng họ có thể mất nhiều thời gian hơn để bổ sung lại kho dự trữ về mức hiện tại, từ đó làm tăng rủi ro về dài hạn. Một số chuyên gia phân tích cảnh báo điều này có thể khiến giá dầu biến động mạnh hơn.

Trong khi đó, việc vay mượn dầu từ SPR của Mỹ đảm bảo lượng dầu dự trữ sẽ được bổ sung đầy đủ trở lại trong một khoảng thời gian nhất định, song lại có thể mất đến hàng tháng để các bên hoàn tất thủ tục do chính phủ phải sắp xếp danh sách người mua và đàm phán hợp đồng.

“Khi chúng tôi muốn nhanh chóng tăng nguồn cung dầu toàn cầu, đặc biệt là với số lượng cao kỷ lục mà chúng tôi đã công bố, việc bán ra sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tìm cách thu xếp hợp đồng giữa các công ty”, một quan chức thuộc chính quyền Biden nói với Reuters.

Bán dầu dự trữ, Mỹ phải trả giá thế nào  - Ảnh 1.

Sau khi bán 180 triệu thùng dầu, kho dự trữ chiến lược của Mỹ vẫn còn lượng dầu cao hơn nhiều so với yêu cầu của IEA. Ảnh: Reuters.

Việc bán dầu từ SPR đi kèm với một mốc thời gian mơ hồ trong việc mua dầu trả về kho dự trữ. Kho dự trữ dầu khẩn cấp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2002 và nếu giá dầu tăng theo thời gian, lượng dầu có thể xuống thấp hơn nữa. Khi phải bổ sung lại dầu khi giá tăng lên, người nộp thuế sẽ phải trả cao hơn để mua dầu.

Chính quyền Biden đã có hành động sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, và các lệnh trừng phạt cũng như tẩy chay sau đó là nguyên nhân đẩy giá xăng bán lẻ lên cao kỷ lục, một điểm yếu đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11.

Nga cung cấp khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu và các lệnh trừng phạt của phương tây có thể khiến thị trường thế giới mất khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo IEA.

Một tài liệu của Nhà Trắng cho biết chính phủ sẽ mua dầu trả lại cho SPR trong những năm tới.

Ilia Bouchouev, giám đốc tại Pentathlon Investments và giáo sư trợ giảng ở Đại học New York, cho biết: “Việc bán dầu từ SPR sẽ chỉ làm tăng độ biến động của giá nhiên liệu này vì nó kéo giảm bộ đệm dự phòng”.

SPR hiện có 564,6 triệu thùng dầu, tương đương với nhu cầu về dầu và nhiên liệu lỏng của Mỹ trong một tháng. Sau khi bán 180 triệu thùng, lượng dự trữ còn lại vẫn cao hơn nhiều so với yêu cầu của IEA là phải đủ nguồn cung tương đương với 90 nhập khẩu dầu thô của Mỹ, hiện là khoảng 3 triệu thùng/ngày.

Chưa kể, các doanh nghiệp dầu khí cũng sẽ bắt đầu trả lại khoảng 32 triệu thùng dầu trong những tháng tới sau khi được Washington duyệt cho vay từ SPR vào tháng 11/2021.

Theo Benjamin Salisbury, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng tại Height Capital Markets, việc bán một lượng dầu kỷ lục từ SPR có thể khiến thị trường dầu biến động mạnh trong dài hạn. “Rủi ro thực sự nằm ở việc bán dầu từ kho dự trữ, bao gồm cả SPR, sẽ làm giảm khả năng ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai”, ông nói.

Giá xăng tại Mỹ tăng vọt sau khi giá dầu Brent chạm đỉnh 14 năm vào ngày 7/3 ở hơn 138 USD/thùng trước lo ngại về hậu quả của các lệnh trừng phạt với Nga. Giá dầu Brent “hạ nhiệt” về khoảng 101 USD/thùng vào cuối tuần trước sau khi Mỹ công bố kế hoạch bán dầu SPR.

Bất chấp giá dầu lên cao, một số nhà sản xuất dầu đá phiến lại miễn cưỡng tăng sản lượng, còn nhóm OPEC+, bao gồm cả Nga, cũng chỉ tăng dần nguồn cung khi các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết việc bán dầu SPR có thể khiến kế hoạch tăng sản lượng khoảng 1,1 triệu thùng của các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ trong năm nay bị thất bại. Tuy nhiên, ông Salisbury cho biết việc vay mượn dầu SPR cũng không phải là một lựa chọn tuyệt vời vì có thể Mỹ sẽ phải trả lại một lượng lớn dầu cho kho dự trữ trước khi nguồn cung toàn cầu có thời gian “hạ nhiệt”.

“Trong bối cảnh rủi ro xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt diễn ra trong thời gian dài, chúng ta chưa thể biết chắc chắn việc đặt một ngày nhất định để lấy dầu từ thị trường trả nợ cho SPR trong 6 hay 18 tháng có lợi hay không”, ông nói.

Theo Thanh Long

Từ khóa:  mỹ
Cùng chuyên mục
XEM